Theo bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt Phạm Thị Bích Ngọc (Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc), muốn hiệu quả chỉnh nha (niềng răng) đạt mức cao nhất thì phải có sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Nhưng trên thực tế, nhiều người chỉ chú trọng chọn phương pháp niềng, sau đó lại chẳng để tâm tới quá trình tự chăm sóc răng miệng.
Trong khi đó, người niềng răng cần chăm sóc răng miệng kỹ hơn bình thường với nhiều điểm khác biệt. Trong đó có 5 lưu ý về chăm sóc răng miệng những người đang niềng răng cần phải “thuộc nằm lòng”:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vấn đề vệ sinh răng miệng là ưu tiên hàng đầu trong quá trình chăm sóc răng miệng với “dân niềng”. Bác sĩ Ngọc cho biết: “Khi chỉnh nha, răng sẽ có sự dịch chuyển, dẫn tới hình thành các khe khó tiếp cận hoặc kẽ hở giữa các răng. Cộng thêm các khí cụ chỉnh nha gây khó khăn trong quá trình vệ sinh răng miệng, thức ăn dễ bám hoặc mắc lại hơn. Nếu vệ sinh không kỹ, không đúng cách sẽ rất dễ mắc bệnh răng miệng và ảnh hưởng xấu tới kết quả chỉnh nha”.
Người đang niềng răng cần chú trọng vệ sinh răng miệng hơn rất nhiều so với thông thường (Ảnh: Freepik)
Tốt nhất là nên lựa chọn các sản phẩm vệ sinh răng miệng chuyên dụng cho răng niềng như: bàn chải kẽ, máy tăm nước, bàn chải điện… bên cạnh các bước súc miệng, chỉ nha khoa, đánh răng, chải lưỡi thông thường. Nên ưu tiên kem đánh răng có chứa flour hoặc nguồn gốc thảo dược. Đánh răng theo chiều dọc lên xuống hoặc vòng tròn, trong đó chú trọng làm sạch cả các mắc cài. Nếu dùng khí cụ có thể tháo rời, hãy tháo rời và vệ sinh theo hướng dẫn. Nên súc miệng hoặc đánh răng sau mỗi bữa ăn.
2. Tự kiểm tra tình trạng răng thường xuyên
Một lưu ý quan trọng nhưng rất ít “dân niềng” chú trọng đó là tự kiểm tra tình trạng răng miệng và các khí cụ niềng răng của mình thường xuyên.
Bạn nên làm điều này mỗi ngày hoặc tranh thủ trong những lần vệ sinh răng miệng. Đặc biệt là đối với các loại khí cụ không thể tháo rời, các vùng răng phía bên trong. Thói quen này giúp phát hiện sớm những bất thường về răng miệng, trục trặc của khí cụ trong khi niềng răng. Nhờ đó, bác sĩ có thể can thiệp kịp thời và hiệu quả hơn, giúp bạn thoải mái hơn và không bị kéo dài thời gian niềng răng không đáng có.
3. Lưu ý khi ăn uống
Bác sĩ Ngọc nhắc nhở rằng chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống của mình trong khi chỉnh nha. Cần tránh những thực phẩm cứng, dai hoặc quá khó nhai. Thay vào đó ưu tiên đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa. Khi ăn cũng nên cắn từng miếng nhỏ, nhai chậm hoặc xay nhuyễn, cắt nhỏ đồ ăn. Nhai đều hai bên của miệng để tránh tác động không đều lên niềng răng.
Nên cắt nhỏ đồ ăn hoặc chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa khi đang đeo niềng răng (Ảnh: Freepik)
Đồng thời, hãy hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn nhiều đường và đồ uống có màu sẫm, có khả năng gây vết ố và hư hại niềng răng như cà phê, trà, nước ngọt có ga. Nếu tiêu thụ, hãy rửa miệng ngay sau đó hoặc sử dụng ống hút để tránh tiếp xúc trực tiếp với niềng răng.
4. Một số lưu ý khi sinh hoạt hàng ngày
Nhiều thói quen xấu có thể gây các tác hại đến răng và khí cụ niềng ngoài ăn uống, vệ sinh kém. Ví dụ như thói quen cắn bút, đẩy lưỡi, nghiến răng, ngủ há miệng… Chúng có thể gây xô lệch, sứt mẻ răng và khí cụ niềng. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Ngoài ra, cũng nên đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc để quá trình dịch chuyển răng, phục hồi tổn thương khi niềng răng nhanh hơn. Cũng nên hạn chế thực hiện các hoạt động mạo hiểm, môn thể thao dễ gây chấn thương khi đang đeo niềng.
5. Tuân thủ tái khám định kỳ
“Tại Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Hồng Ngọc, Bác sĩ luôn đồng hành với bệnh nhân để đem lại kết quả tốt nhất, đồng thời chúng tôi có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 giải đáp mọi thắc mắc cũng như nhắc nhở và sắp xếp lịch hẹn tái khám đúng định kỳ cho khách hàng. Điều này giúp bám sát phác đồ điều trị, kịp thời phát hiện vấn đề và điều chỉnh linh hoạt từng trường hợp, sao cho kết quả chỉnh nha tốt và bền nhất” - bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Bác sĩ Ngọc nói thêm rằng tùy vào từng giai đoạn, phương pháp niềng răng mà thời gian hẹn tái khám sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, lịch tái khám trong khi niềng thường là 2 lần mỗi tháng (trừ niềng răng trong suốt). Sau khi tháo niềng, vẫn nên tuân thủ thăm khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Ngọc thực hiện tái khám định kỳ cho bệnh nhân chỉnh nha tại Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Hồng Ngọc
Trong 6 tháng đầu sau khi tháo niềng là 1 tháng 1 lần để kiểm tra tình trạng răng, phát hiện và khắc phục những bất ổn của răng nếu có. Sau đó, giống như tất cả mọi người (dù niềng răng hay không) nên thăm khám nha khoa tổng quát 6 tháng 1 lần.