Dược sĩ Vũ Minh Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Cơ sở 3) cho biết, Tết là dịp sum họp, đoàn tụ quây quần bên nhau. Ăn uống, tiệc tùng là điều khó tránh khỏi trong dịp lễ, Tết. Việc ăn uống liên miên, quá tải thức ăn, ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu cùng nếp sống sinh hoạt kém điều độ trong thời gian này là nguyên nhân hàng đầu gây mắc các bệnh về tiêu hóa, gan mật, tim mạch.
Theo thống kê của Viện Dược liệu thuộc Cục Quản lý Y dược cổ truyền (YDCT), hiện nay, Việt Nam ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật, nấm, trên 400 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc.
Những dược liệu này đã có từ ngàn đời nay, gắn liền và quen thuộc với cuộc sống người dân. Ở hầu khắp các vùng miền đều có sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa các bệnh thông thường, điều này đang trở thành xu hướng và được nhiều người bệnh quan tâm bởi tính an toàn, lành tính và nguồn nguyên liệu phong phú.
Trong y học cổ truyền có rất nhiều dược liệu tốt cho sức khoẻ giúp thanh lọc cơ thể, giảm mỡ máu. Dưới đây là một số loại thuốc dùng nước uống, làm trà tốt cho sức khoẻ trong dịp Tết.
1. Trà ngưu tất
Dược sĩ Vũ Minh Hương cho hay, ngưu tất là vị thuốc nổi tiếng giúp thông kinh, cường gân cốt. Ngưu tất có vị đắng, chua thường dùng rễ đã phơi khô hoặc sấy để làm thuốc.
Trong dân gian, người ta thường dùng ngưu tất trong điều trị đau xương khớp, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, vị thuốc cũng có tác dụng hạ cholesterol máu và hạ huyết áp.
2. Hoa hòe
Hoa hoè là loại hoa được trồng làm cảnh nhưng đây cũng là vị thuốc tốt cho sức khoẻ. Hoa hoè có vị đắng nhẹ, mùi thơm, thường được dùng để pha trà.
Trong nụ hoa có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như: flavonoid (Rutin), Triterpenoid.
Dược sĩ Hương lưu ý, hoa hòe được biết đến nhiều nhất với công dụng giúp bền thành mạch, hỗ trợ sức khỏe người mắc bệnh xơ vữa động mạch, suy tĩnh mạch. Cần lưu ý không nên sử dụng loại dược liệu này nếu mắc bệnh máu khó đông và nghẽn mạch.
3. Hà thủ ô
Theo Y học hiện đại, vị thuốc còn có tác dụng giảm mỡ máu, giảm nguy cơ nhồi máu não. Người ta thường dùng rễ củ đã được phơi hoặc sấy khô để làm thuốc.
Trong y học cổ truyền hà thủ ô có vị đắng chát, hơi ngọt, dùng làm thuốc bổ máu, râu tóc bạc sớm.
Dược sĩ Hương lưu ý: "Trong Hà thủ ô sống chứa hàm lượng anthranoid cao (một hoạt chất có tác dụng nhuận tràng). Vì vậy, cần sơ chế cẩn thận dược liệu trước khi dùng để tránh tác dụng phụ gây tiêu chảy, đau bụng".
4. Tam thất
Tam thất có vị đắng hơi ngọt, mùi thơm nhẹ, bộ phận thường dùng làm thuốc nhất là rễ củ. Theo Y học cổ truyền, Tam thất được dùng cầm máu, điều hòa khí huyết, giảm sưng đau. Tác dụng nổi bật khác là giảm xơ vữa mạch máu, tăng lưu thông máu mạch vành.
5. Đan sâm
Đan sâm có vị đắng, dùng thân rễ và rễ làm thuốc. Vị thuốc có nhiều tác dụng nổi bật như: giảm xơ vữa động mạch, chống tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Dược sĩ Hương cho hay, các dược liệu trên có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp thành nhiều bài thuốc với công dụng chuyên biệt. Với các vị thuốc trên khi được phối hợp với nhau sẽ giúp giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Theo các chuyên gia để có một sức khoẻ tốt trong những ngày Tết cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học và tăng cường vận động thể dục thể thao.