5 lí do không nên có trong đơn xin nghỉ việc

| 28-11-2022 - 19:00 PM

(Tổ Quốc) - Lúc bạn gửi đến cấp trên đơn xin nghỉ việc có nghĩa là bạn đã suy nghĩ thấu đáo, rõ ràng trước khi đưa ra quyết định. Lí do nghỉ việc là từ nhận định cá nhân của bạn, nên bạn có thể cân nhắc "giữ cho riêng mình" hoặc trình bày trong đơn.

Tuy nhiên, việc chọn lí do để viết sao cho nhận được sự đồng ý, không làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bên là điều bạn nên xem xét. Làm như vậy sẽ giúp bạn tránh các bất lợi cho quá trình tìm việc về sau.

Dưới đây là 5 lí do bạn không nên trình bày trong đơn xin nghỉ việc và bắt đầu tìm việc nhanh ở Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội… hãy cùng tham khảo nhé.

photo-1

Mức lương thấp

Khi bạn nghỉ việc với lí do mức lương thấp thì có nghĩa là công ty trả lương cho bạn chưa thỏa đáng. Điều này một phần cho thấy rằng bạn đã chưa tự tin đàm phán lại mức lương. Lí do nghỉ việc vì mức lương sẽ làm cho cấp trên của bạn có hai phương án: một là tăng lương để giữ bạn lại (khó xảy ra) và hai là để bạn nghỉ việc nhưng hiểu rằng bạn đang "bất mãn" vì công ty không đãi ngộ tốt. Hơn nữa phía công ty cho rằng bạn đi làm mục đích hoàn toàn là lợi ích cá nhân hơn là hết lòng cống hiến cho công ty.

Do vậy, để không bị rơi vào hai trường hợp trên thì bạn nên tránh đề cập mức lương là lí do nghỉ việc. Bởi lẽ mục tiêu của bạn là dứt khoát nghỉ việc trong ôn hòa và giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên.

photo-1

Mâu thuẫn với đồng nghiệp

Trong môi trường làm việc chung, đồng nghiệp với nhau không thể tránh khỏi những va chạm, bất đồng ý kiến, quyền lợi hay cạnh tranh… Mỗi người sẽ có những ứng xử khác nhau tùy theo bản chất sự việc và tính cách cá nhân. Nếu bạn dung hòa được là điều tốt, ngược lại sẽ dẫn đến quyết định nghỉ việc.

Tuy nhiên, bạn không nên viết trong đơn xin nghỉ việc lí do mẫu thuẫn với đồng nghiệp. Cấp trên sẽ cho rằng bạn không hòa hợp và thiếu kỹ năng làm việc, kết nối với tập thể, bạn thích gây hấn và tiêu cực. Dù nghỉ việc nhưng bạn cũng nên để lại ấn tượng tích cực với họ.

"Không phục" cấp trên

Trên thực tế vẫn có những người làm "sếp" nhưng thiếu năng lực chuyên môn và cả kỹ năng quản lí. Nhiều người còn khó tính, thích phàn nàn và chỉ trích nhân viên tạo nên môi trường làm việc thiếu động lực, giảm sút hiệu suất khiến nhiều người bất phục.

Nếu bạn cũng gặp tình trạng tương tự và muốn nghỉ việc thì cân nhắc không nên viết lí do này trong đơn xin nghỉ vì sẽ làm cho mâu thuẫn lớn hơn, dễ gây hấn hơn. Sếp của bạn không dễ dàng để bạn nghỉ việc trong thuận lợi. Và tệ hơn điều này còn dẫn đến những bất lợi cho bạn trong tương lai khi nhà tuyển dụng mới liên hệ với họ để tìm hiểu thêm về bạn.

Nếu cấp trên có những thiếu sót làm bạn quyết định nghỉ việc thì tốt hơn hết hãy đề cập đến các lí do khác như muốn thực hiện kế hoạch phát triển bản thân hơn nữa, thay đổi mục tiêu và định hướng nghề nghiệp hay dành thời gian toàn tâm chăm lo gia đình…

Công việc quá áp lực 

Công việc áp lực là lí do nghỉ việc thường gặp và cũng được xem là chính đáng. Tuy nhiên nếu cần một lí do để viết trong đơn xin nghỉ thì không nên lấy lí do này.

Trước khi quyết định nghỉ việc, chắn chắn bạn đã đề cập đến vấn đề áp lực công việc với cấp trên để họ điều chỉnh. Tuy nhiên cho đến khi bạn quyết định nghỉ việc vẫn chưa có sự thay đổi chứng tỏ phía công ty không mấy quan tâm đến ý kiến của nhân viên hoặc là họ nhận thấy công việc như vậy là vừa sức với bạn.

Lí do áp lực trong công việc chỉ khiến bạn "mất điểm" trong mắt của cấp trên, tạo ấn tượng về một nhân viên thiếu năng lực, thiếu kỹ năng… Thay vào đó bạn có thể lấy các lí do phù hợp khác như muốn kinh doanh riêng hay thích thử thách bản thân…

photo-2

Người thân không đồng ý cho bạn tiếp tục làm việc

Bạn không nên viết lí do nghỉ việc là người thân (cha, mẹ hay anh, em, họ hàng) không đồng ý bạn tiếp tục công việc (cho dù đây là sự thật). Đây thực sự là lí do không thể chấp nhận được.

Khi bạn nghỉ việc thì đó là quyết định của chính bạn. Bạn đã trưởng thành và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống và công việc của mình. Cấp trên vẫn cho bạn nghỉ việc nhưng đồng thời đó là sẽ đưa ra nhận định không tốt về bạn như bạn dựa dẫm, ngây ngô và chưa trưởng thành.

Biết đâu khi bạn ứng tuyển công việc mới cần ý kiến tham khảo của sếp cũ thì bạn phải nhận những đánh giá không hay.

Nghỉ việc là bạn xin chấm dứt hợp đồng và không còn làm việc cho công ty cũ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn "cắt đứt" hoàn toàn như chưa từng hợp tác với nhau. Khi viết đơn xin nghỉ việc bạn nên tìm các lí do hợp lí, tránh các lí do trên và bên cạnh đó là thể hiện một tâm thế thoải mái, hòa nhã vui vẻ nhất. Điều này sẽ có lợi cho bạn về sau - trong quy trình ứng tuyển công việc mới hoặc là sẽ có những tình huống bạn "còn liên quan" đến công ty cũ như hợp tác đối tác, khách hàng…

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM