1. Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa
Trong dân gian thường có câu rằng, "miệng ăn núi lở". Con người ta, nếu không biết cần kiệm, mà chỉ biết hưởng thụ lãng phí xa hoa, thì người giàu có đến đâu, bạc tiền nhiều đến mấy cũng nhanh chóng cạn kiệt.
Con người một khi khi đã quen với sự giàu sang xa xỉ, đến lúc một nước sa cơ gặp phải vận nghèo, thật khó mà cảm thụ nổi! Khi đó có ngồi hối hận trách thân than phận thì cũng đã muộn rồi.
Hậu quả của việc không tiết kiệm rất lớn:
- Không có sẵn tài chính cho những tình huống khẩn cấp: Bạn có thể nghĩ rằng mọi thứ đang diễn ra tuyệt vời, nhưng bất ngờ xe hỏng, máy giặt trục trặc, hay bạn bị ốm phải nằm viện... Trong những tình huống đó, nếu có sẵn tiền tiết kiệm, bạn sẽ không khó khăn.
- Chìm trong nợ nần thay vì lên kế hoạch cho tương lai: Nhiều người trẻ từng có thu nhập tốt nhưng chi tiêu hơn mức bình thường, dẫn đến về già vẫn phải đi thuê nhà, hoặc phải bán nhà, bán xe để trang trải cuộc sống. Tương lai bạn là những khoản nợ khổng lồ.
- Cuộc sống căng thẳng: Sự thiếu chuẩn bị tài chính và quá nhiều nợ đều dễ khiến người ta mệt mỏi, căng thẳng. Bạn càng bắt đầu tiết kiệm tiền muộn là càng đưa nhiều căng thẳng vào cuộc sống của mình. Bởi vậy, làm người biết khiêm nhường cần kiệm là điều không thể thiếu.
- Thiếu tự do: Bạn càng tiết kiệm được nhiều tiền, bạn càng tự do tài chính. Một người có 20 tỷ đồng sẽ có nhiều tự do tài chính hơn người chỉ có 2 tỷ, và chắc chắn người có 20 tỷ kia đã đối xử với đồng tiền có trách nhiệm trong một thời gian dài hơn người chỉ có 2 tỷ. Người ta vẫn nói tự do trong khuôn khổ, khi nói đến tài chính cá nhân, nếu bạn đặt ra ranh giới cho chi tiêu của mình để có thể tiết kiệm một phần thu nhập, bạn sẽ có nhiều tự do hơn.
- Hạn chế khả năng giúp đỡ người khác: Tiền vốn là một công cụ để bạn thực hiện các nhu cầu trong cuộc sống của mình, để con có thể đi học đại học, để xây dựng tài sản cho gia đình, là công cụ giúp đỡ người khác khi cần.
Bởi vậy, để cuộc sống dễ thở hơn, về già không phải ân hận, bạn hãy học cách tiết kiệm, quản lý tốt tài chính ngay từ những năm tháng còn trẻ.
2. Ngày thường không rèn luyện thể dục, đổ bệnh chỉ biết than trời
Theo thống kê, 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực, Việt Nam là một trong 10 nước lười vận động nhất thế giới.
Các chuyên gia y tế hàng đầu liên tục cảnh báo: lười vận động là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết sớm ở mọi lứa tuổi, đồng thời làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư và tiểu đường. Vận động ở đây bao gồm rèn luyện thể dục, thể thao, điều dưỡng sức khoẻ.
Một người trong tình trạng ốm đau bệnh tật thì mới thực sự thấy được giá trị của sức khỏe. Nằm trên giường bệnh, ngẫm lại những chuyện đã qua, rồi hối tiếc khôn nguôi… vì sao lại phung phí sức khỏe cho những việc vô nghĩa, vì sao không biết nghỉ ngơi cho hợp lý?
Tuy nhiên, tiếc nuối là vậy, hối hận là vậy, nhưng không ít người sau khi khỏi bệnh lại vẫn hành xử như xưa. Thậm chí có nhiều người, khi lợi ích treo trước mắt liền che mờ tất thảy, toan tính danh lợi, tranh đoạt chiếm làm của riêng mình, không việc ác gì không làm. Đến lúc sức khỏe cạn kiệt, có tiền nhiều đến mấy, liệu lúc đó còn có thể tiêu?
Vậy nên, biết yêu quý và chăm sóc bản thân, làm nhiều việc thiện có ích cho xã hội, giữ gìn tâm thái bình hòa trong cuộc sống, đây là điều mà mỗi chúng ta cần nên hướng đến.
3. Trẻ không học hỏi, già hối đã muộn
Rất nhiều người trẻ dành thời gian quý báu, đáng giá nhất của tuổi thanh xuân vào những cuộc chơi bạt mạng. Bạn cho rằng những trò chơi điện tử trên máy tính, những cuộc đi chơi với bạn bè...là những việc lí thú hơn cả vì chúng mang lại cho bạn nhiều niềm vui thích, hứng khởi hơn là ngồi vào bàn học với đống sách vở nhàm chán.
Thế nhưng bạn ơi! Hãy nghĩ lại! đừng chỉ nhìn thấy những lợi ích, thú vui trước mắt mà quên đi những ước mơ, hoài bão sau này đang chờ bạn thực hiện. Nếu bạn không học, bạn sẽ nhanh chóng tạo ra cho mình một lỗ hổng lớn về kiến thức mà khó bù đắp lại được. Bạn sẽ nhanh chóng chán nản việc học. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm cho tương lai của bạn.
Có thể tuổi trẻ còn dài nhưng thời gian trôi đi không trở lại, bạn sẽ không làm được việc của ngày hôm nay nếu ngày hôm nay trôi qua. Đời người chẳng bao lâu, nếu không học thì sau này bạn sẽ không còn cơ hội học tập nữa. Đừng để sau này hối hận và cất lên những trường khúc: "Giá như ngày trước mình...".
Hãy nhớ rằng: Thời khi còn trẻ, đầu óc còn nhạy bén, tinh lực dồi dào, dễ tiếp thu cái mới, có thể tích lũy kiến thức cho cả một đời. Nhưng nếu không biết tận dụng khoảng thời gian đáng quý này, chỉ biết lười biếng ham chơi, cho đến khi ‘tóc bạc trắng đầu’, vạn lượng vàng cũng không thể mua được tri thức. Khi đó có hối hận cũng đã muộn rồi! Vậy nên, đừng để từng thời khắc trôi qua một cách phung phí.
4. Không chịu học hỏi, nâng cao, phát triển bản thân
Bằng cấp chỉ là đại biểu cho quá khứ, chỉ có không ngừng học hỏi mới có thể đại biểu cho tương lai. Tôn trọng và tiếp thu kinh nghiệm của người khác, sẽ giúp mình đỡ phải đi đường vòng. Người xưa của dạy rằng "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học", "Đi một ngày đàng học một sàng khôn"…
Không dừng lại ở việc tự nhận thức về bản thân, bạn cần thấu hiểu và đầu tư phát triển bản thân mình. Bước vào ngưỡng cửa 30, bạn đã có ít nhất khoảng hơn 10 năm sống với quyền tự quyết trong tay. Thời gian đó là đủ dài để bạn học cách tự vượt qua thất bại, mất mát, khó khăn trong đời. Đó chính là những kinh nghiệm quý báu giúp bạn phát triển kỹ năng cho chính mình.
Chưa hết, trong cuộc sống thực tiễn, hãy luôn giữ tinh thần ham học hỏi, gặp chuyện thì lưu tâm, không hiểu thì không ngại thỉnh giáo các chuyên gia nhân sĩ, bất cứ lúc nào cũng có thể học. Có như vậy, chúng ta mới không ngừng thành thục. Con người không ngừng học hỏi mới không trở nên già cỗi.
5. Rượu vào nói năng phóng túng, tỉnh táo lại hối hận muộn màng
Rượu là một thứ gây nghiện, có thể khiến ta mất đi lý trí. Bình thường không có trí huệ để nói, đến lúc say lại đỏ mặt tía tai nói thẳng thừng không kiêng nể; bình thường không dám làm, xỉn rồi thì cứ thế ngông cuồng hành động. Bởi vậy, tai họa gây ra do rượu say là nhiều vô kể, khi tỉnh lại mới ngậm ngùi hối tiếc khôn thấu, nhưng có hối thì cũng đã muộn rồi!
5 điều hối hận mà cổ nhân lưu lại ở trên, súc tích mà ý nghĩa thật sâu xa, thật đáng để tất cả chúng ta lấy đó mà tự răn mình!