Bài viết KHÔNG tiết lộ nội dung phim!
Sau khi Hospital Playlist 2 kết thúc, Squid Game có lẽ chính là bom tấn truyền hình Hàn được mong đợi nhất của tháng 9. Với chủ đề trò chơi sinh tồn chết chóc hiếm thấy tại Hàn Quốc cùng với sự tham gia của dàn sao khủng, Squid Game thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ những đoạn trailer đầu tiên. Nhiều netizen Việt cũng không đứng ngoài sức hút của Squid Game khi nhanh chóng "cày" một mạch 9 tập phim vừa mới ra mắt trên Netflix.
Tuy được đánh giá tích cực ở ý tưởng và mức độ đầu tư, diễn xuất, tuy nhiên Squid Game vẫn khiến nhiều người hâm mộ phải tức anh ách vì các vấn đề trong kịch bản. Dưới đây là 5 vấn đề "siêu to khổng lồ" khiến Squid Game mất điểm trầm trọng, gây hụt hẫng với người xem.
1. Nội dung tưởng sáng tạo, hóa ra "na ná" 3 phim sinh tồn kinh điển, cái kết cũng "học lỏm" từ chuỗi phim kinh dị đỉnh cao
Không cần phải là chuyên gia cũng có thể thấy sự tương đồng của một vài vòng chơi trong Squid Game với các bộ phim khác của Nhật như As The Gods Will và Liar Game. Cụ thể, vòng chơi đầu tiên khi các nhân vật phải đứng im khi bị búp bê "soi" cũng rất giống ở As The Gods Will. Vòng di chuyển giữa các tấm kính cũng "na ná" bản manga của bộ truyện này.
Trò chơi đầu tiên của Squid Game và As The Gods Will giống nhau đến đáng ngờ
Mặc dù đạo diễn của Squid Game đã lên tiếng rằng kịch bản của phim được hoàn thành từ 2009 trong khi As The Gods Will ra mắt năm 2014, tuy nhiên lời giải thích này vẫn không làm khán giả hài lòng.
Cú twist "chấn động" ở kết phim cũng rất giống với twist kinh điển của loạt phim kinh dị Saw (Lưỡi Cưa). Chính vì vậy, những ai đã xem các phim Saw sẽ cảm thấy bất ngờ nhưng không bị ấn tượng.
2. Các vòng chơi chỉ dựa vào may rủi, yếu tố trí tuệ hay hành động bị "ngó lơ" làm mất phần gay cấn
Các bộ phim sinh tồn nổi tiếng khắp thế giới như As The Gods Will, Liar Game, Hunger Games hay Alice in Borderland đều bắt buộc người chơi phải động não, suy tính cẩn trọng để vượt qua được những ván chơi tử thần. Nếu không thì cũng phải mạnh về hành động, khiến nhân vật có những màn tẩu thoát hay sử dụng thể lực gây ấn tượng.
Squid Game có cơ hội để kết hợp cả hai yếu tố này. Thậm chí, 2 tài tử Lee Jung Jae và Park Hae Soo còn rất nổi tiếng ở mảng hành động, nhưng bộ phim từ chối cho họ tỏa sáng. Xuyên suốt tất cả các trò chơi trong phim, nhân vật đều phải dựa vào sự may rủi để chiến thắng. Vòng chơi kéo co có cho thấy việc sử dụng "mẹo" để thắng, tuy nhiên vẫn khá hời hợt và không chắc chắn. Vòng chơi này còn để lộ "lỗ hổng" trong kịch bản khi cú twist cuối cùng được tiết lộ.
3. Nhân vật chính gây ức chế cho khán giả
Nhân vật chính Ki Hun (Lee Jung Jae) được miêu tả là một người ấm áp, tốt bụng nên thường thua thiệt trong cuộc sống. Không có điều gì với việc này cả, chỉ trừ rằng xuyên suốt 9 tập phim, Ki Hun không có sự chuyển biến đáng kể về tính cách, nhân sinh quan. Việc nhân vật này chần chừ trước mọi thứ (và thậm chí không có tài cán gì) trong nhiều tập phim cũng tạo cảm giác ức chế, mệt mỏi cho người xem. Trong khi đó, các nhân vật phụ của Squid Game lại thú vị và có nhiều tài lẻ.
4. Ban tổ chức lẫn trò chơi quy mô mà quá lỏng lẻo, hở tí là gặp vấn đề
Squid Game được tổ chức bởi một thế lực bí ẩn với nguồn tiền khổng lồ, quy mô lẫn cơ sở vật chất cũng thuộc hàng "đỉnh cao". Thế nhưng, tổ chức này nên đầu tư mạnh tay hơn vào khía cạnh bảo mật và quản lý nhân sự.
Các người chơi trong Squid Game có vô số cách để mang lậu đồ vào đấu trường. Trò chơi cũng có thể "gian lận". Tổ chức này bị xâm nhập dễ dàng bởi một chàng cảnh sát, và thậm chí mãi về sau khi biết có kẻ xâm nhập, vẫn không thể phát giác được anh ta. Đáng chú ý hơn nữa, có cả một đường dây ngầm bán nội tạng hoạt động um sùm trong phim.
Yếu tố này vừa là điểm mới mẻ, nhưng lại vừa cho thấy điểm yếu kém và bất hợp lý của Squid Game.
5. Nhịp phim quá rề rà, "nói đạo lý" nhiều nhưng không thấm
Một trong số những lời phàn nàn nổi trội nhất mà khán giả dành cho Squid Game chính là việc bộ phim quá rề rà. Nhiều cảnh phim ngoài lề không thật sự cần thiết, cũng như các nhân vật tâm sự qua lại cũng rất vòng vo, nặng về đạo lý, nói nhiều nhưng thể hiện chẳng bao nhiêu.
Có thể thấy rõ tham vọng của đạo diễn Squid Game khi muốn xây dựng bộ phim không chỉ là bom tấn sinh tồn mà còn phải phản ánh tình người, xã hội. Tuy nhiên, đó cũng không phải là thứ mà khán giả mong đợi. Nhịp phim chậm rãi kết hợp cùng các nhân vật gây ức chế phần nhiều làm Squid Game mất điểm trầm trọng với khán giả.
Teaser Squid Game (Trò Chơi Con Mực)
Dẫu có vấn đề, Squid Game vẫn được khán giả quốc tế đón nhận. Phim được khán giả chấm điểm 96% trên Rotten Tomatoes, số điểm 8.1 trên trang Douban cũng rất "ổn áp". Phim được đánh giá là nỗ lực lớn của truyền hình Hàn trong thể loại sinh tồn vốn dĩ rất mới mẻ với đất nước này.
Squid Game (Trò Chơi Con Mực) đã chính thức ra mắt trên Netflix.
Nguồn ảnh: Netflix