Các nhà khoa học tại ĐH Yale cho biết: Những đứa trẻ biết cách quản lý cảm xúc sẽ giải quyết công việc tốt và được mọi người quý mến. Một nghiên cứu lớn tại Anh năm 2011 theo dõi dữ liệu của hơn 17.000 trẻ sơ sinh trong 50 năm đã tìm thấy: Hơn hẳn sự thông minh IQ, 3 yếu tố quan trọng của EQ bao gồm biết tự kìm chế, kiên trì và tự nhận thức cảm xúc có liên quan chặt chẽ, quyết định đến sự thành công, hạnh phúc của những đứa trẻ này khi chúng lớn lên.
Theo chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn Làm mẹ không áp lực thì những năm gần đây, khoa học có thể vẽ được phần nào sơ đồ sơ khởi của EQ gồm 9 lớp. Tuy nhiên nhiều phụ huynh không biết có đến 5 lớp quan trọng và phát triển từ rất sớm ở trẻ nhỏ trước 10 tuổi.
Ngược lại, việc biểu hiện thấp của 5 lớp này được xem là dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ cần phải được giáo dục để phát triển tốt hơn. Một điều quan trọng mà cha mẹ cần biết đó là: EQ là khả năng con người học được thông qua giáo dục bởi gia đình và xã hội. Với trẻ nhỏ, gia đình là quan trọng nhất. Do đó, hầu hết các lớp phát triển EQ lúc nhỏ trẻ có được là thông qua dạy dỗ và giáo dục bởi chính cha mẹ của chúng.
5 dấu hiệu nhận biết con bạn cần cải thiện chỉ số EQ:
1. Thường xuyên sử dụng các dạng phi ngôn ngữ để giao tiếp
Ví dụ, khóc thét để đòi bất cứ thứ gì, la hét hoặc đánh ai đó để đạt được điều trẻ muốn.
Trẻ nhỏ đang phát triển ngôn ngữ, việc dùng dạng phi ngôn ngữ là có thể hiểu. Tuy nhiên, việc lặp lại với tần suất lớn là dấu hiệu sớm của việc thiếu tự nhận thức cảm xúc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lớp thứ 1: Khả năng phát triển tự nhận thức về cảm xúc của trẻ.
Cách sửa:
- Tránh la mắng để đáp lại trực tiếp lại các hành vi phi ngôn ngữ của trẻ.
- Dùng các phương pháp được khuyên như 1-2-3 magic, và time-out (từ 18 tháng tuổi) để giáo dục hành vi.
- Dạy trẻ về các loại cảm xúc thông qua sticker và các câu ngắn để diễn đạt cảm xúc trẻ có.
2. Thường xuyên thiếu giao tiếp bằng mắt hoặc lúc nào cũng sợ sệt khi phải rời xa cha mẹ
Chúng ta nên tránh nhầm lẫn với hành vi bám mẹ của trẻ trước 3 tuổi. Hành vi bám mẹ là bình thường và sẽ giảm dần khi trẻ sau 3 tuổi. Tuy nhiên, việc bám mẹ kéo dài với tần suất tăng dần, kết hợp các biểu hiện thiếu giao tiếp và sinh hoạt cộng đồng (ví dụ, chơi cùng cha mẹ và các bạn nhỏ khác) thì đang là 1 dấu hiệu đáng quan tâm vì trẻ có thể đang giảm khả năng của lớp thứ 2: Xây dựng kỹ năng xã hội như chơi, giao tiếp, và đánh giá.
Cách sửa:
- Đừng bắt ép trẻ phải giao tiếp hay phải chơi với ai. Thay vào đó, xây dựng niềm tin ở trẻ trước. Trẻ phát triển kỹ năng xã hội khi bé cảm thấy thoải mái và tự tin. Do đó, nên tạo cơ hội để trẻ quan sát trước như dẫn trẻ đến các khu vui chơi, nhà sách. Ngoài ra, hãy tạo cơ hội cho trẻ tự làm việc gì đó giúp trẻ tìm thấy sự an toàn.