Vào những thời điểm giao mùa độ ẩm trong không khí tăng cao, thời tiết thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh tấn công tới cơ thể con người. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất vì hệ miễn dịch chưa được hoàn chỉnh, sức đề kháng thấp. Do đó phụ huynh cần trang bị những kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa cũng như cách phòng tránh bệnh tốt nhất cho con.
Nhằm phòng các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như cúm mùa, sốt xuất huyết, sốt phát ban, đau mắt đỏ, tay chân miệng..., cha mẹ cần nằm được những nguyên tắc sau:
1. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ
Một chế độ ăn khoa học rất cần thiết đối với trẻ nhỏ. Đây là yếu tố quan trọng giúp bé có hệ miễn dịch vững vàng. Khi bổ sung dinh dưỡng cho con, phụ huynh cần chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản... Ngoài ra bé cũng nên ăn nhiều rau quả để bổ sung vitamin A, vitamin B, vitamin C...
2. Thay đổi lịch sinh hoạt phù hợp cho trẻ vào thời điểm giao mùa
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ chú ý phần cổ, tay, chân. Đặc biệt vào buổi tối, đêm - đây là khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày.
- Chú ý giữ vệ sinh cho trẻ: Cắt móng tay chân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
- Cần cho trẻ ngủ đủ giấc: Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con được ngủ đủ 9 - 12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật: Những sợi lông từ chó, mèo hay từ chăn gối, vỏ đệm… không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho, hen suyễn…
3. Chăm sóc trẻ bị bệnh đúng cách
- Khi con bị sốt cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, lau mát người cho trẻ và đưa con đi khám bệnh ở các cơ sở y tế.
- Nếu trẻ ho, đối với trẻ dưới 12 tháng, các mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ trên 12 tháng các bố mẹ có thể cho con dùng ½ muỗng cà phê mật ong trước khi ngủ 30 phút, sẽ giúp làm giảm cơn ho và ít thức giấc về đêm.
- Nếu trẻ nôn ói và tiêu lỏng: Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày ruột do siêu vi hay còn gọi là tiêu chảy cấp. Việc sử dụng thuốc chống nôn ói và cầm tiêu chảy là không được khuyến cáo. Nếu trẻ chỉ ói và tiêu lỏng ít, cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá. Tình trạng nôn ói sẽ cải thiện trước, tình trạng tiêu lỏng sẽ ổn sau 5 - 7 ngày. Nếu thấy trẻ nôn và tiêu lỏng ngày càng nhiều thì nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.
4. Tiêm phòng đầy đủ theo lịch cho trẻ
Để phòng bệnh giao mùa cho trẻ, cha mẹ cần cho con tiêm phòng đầy đủ. Trẻ nên được tiêm cúm 1 năm/lần. Bệnh cúm thường lây nhiễm qua đường hô hấp, hiệu quả của tiêm ngừa đạt 96 - 97%. Trẻ được tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn trẻ không được tiêm ngừa. Còn tiêu chảy cấp do Rotavirus thường gặp nhất gây bệnh cảnh tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, liều đầu tiên được uống vào thời điểm 2 tháng tuổi.