4 lưu ý khi chọn nguồn PSU cho máy tính

Đông Phong | 19-09-2022 - 14:40 PM

(Tổ Quốc) - Nguồn PSU là bộ phận cực kỳ quan trọng, cung cấp điện năng cho toàn bộ máy tính.

Khi xây dựng một hệ thống máy tính để bàn mới, hầu hết người dùng ít chú ý đến một thành phần không kém phần quan trọng, đó là bộ nguồn (PSU). Thông thường, mọi người đều muốn dành đa số chi phí cho các thành phần chính của máy tính như bo mạch chủ (Mainboard), bộ xử lý (CPU), bộ nhớ (RAM) và ổ lưu trữ (HDD hay SSD)...

Ngoài ra, đối với dân thiết kế đồ họa hay game thủ thì việc bỏ thêm một khoản tiền lớn cho card đồ họa (Graphics card) thế hệ mới có vẻ hợp lý hơn đầu tư cho bộ nguồn xịn. Tuy nhiên, những thử nghiệm cho thấy bộ nguồn cũng đóng vai trò quan trọng không ít thì nhiều đối với hiệu quả hoạt động của máy tính. Đó là nơi cung cấp nguồn điện năng cho toàn bộ hệ thống. Chính vì vậy, bạn hãy tham khảo những vấn đề cần cân nhắc dưới đây trước khi chọn mua một bộ nguồn hiệu quả cho hệ thống máy tính của mình.

4 lưu ý khi chọn nguồn PSU cho máy tính - Ảnh 1.


Bạn cần công suất bao nhiêu?  

Khi lên kế hoạch lắp ráp máy tính mới, bạn có thể tính toán công suất tiêu thụ của các thành phần linh kiện rồi từ đó mới chọn được bộ nguồn có công suất phù hợp. Thông thường, bạn có thể tính dư ra so với con số dự kiến nhằm phòng ngừa cho trường hợp nâng cấp sau này. Đối với người dùng chỉ có nhu cầu làm việc cơ bản thì chỉ cần máy tính có cấu hình trung bình với bộ nguồn công suất khoảng 400W là đủ. Nhưng đối với người dùng đam mê công nghệ, thích "vọc" thì nên chọn bộ nguồn công suất lớn để đáp ứng nhu cầu ép xung, gắn thêm các loại đèn hay đồ chơi trang trí cho thùng máy, tản nhiệt nước lắp trong...

Công suất liên tục hay công suất đỉnh?

Hiện nay, các giá trị công suất được in trên nhãn dán của bộ nguồn thường có hai dạng, bao gồm công suất đỉnh (Peak Wattage) và công suất liên tục (Continuous Wattage). Công suất đỉnh vốn là công suất tối đa (Maximum Wattage) mà bộ nguồn có thể đáp ứng được trong một khoảng thời gian nhất định; còn công suất liên tục là công suất hiệu dụng (Total Wattage), chính là mức công suất mà tại đó bộ nguồn có thể hoạt động an toàn liên tục.

Để đơn giản hơn, người dùng máy tính thông thường chỉ nên quan tâm đến mức công suất liên tục khi chọn mua bộ nguồn và bỏ qua thông số công suất đỉnh.

Sử dụng điện năng hiệu quả

Về mặt kỹ thuật, bộ nguồn máy tính lấy nguồn điện xoay chiều AC từ ổ cắm điện chính và chuyển nó thành dòng điện một chiều DC. Sau đó, nguồn điện được truyền đến tất cả các thành phần linh kiện phần cứng bên trong máy có nối với bộ nguồn. Tuy nhiên, bộ nguồn thường bị hao hụt một số lượng điện năng trong quá trình chuyển đổi. Do đó, một bộ nguồn hiệu quả là bộ nguồn quản lý được mức độ điện năng mà nó có thể chuyển đổi và làm thế nào để càng ít bị hao hụt càng tốt. Một lợi thế nữa của các bộ nguồn hiệu quả là chúng tạo ra ít nhiệt hơn trong quá trình hoạt động và thường chạy êm hơn.

Tại sao không nên chọn bộ nguồn giá rẻ? 

Bộ nguồn tốt phải cung cấp được dòng điện "chuẩn" cho các linh kiện. Nói cách khác, vấn đề ổn định dòng điện phải được đặt lên hàng đầu. Chọn lựa đúng bộ nguồn sẽ đem lại sự ổn định và tuổi thọ lâu dài cho toàn hệ thống. Vì thế, bạn nên xem xét cẩn thận khi thấy một bộ nguồn có công suất theo công bố khá cao nhưng giá bán lại quá rẻ. Chất lượng luôn tỉ lệ thuận với giá thành, đó là lý do tại sao bạn nên chọn sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín. Các hãng lớn thường tung ra thị trường rất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã và tính năng để người dùng lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.

(Theo QTM)


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM