Uma Naidoo, Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, cho biết: “Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có cả sức khoẻ của não bộ và tim mạch”.
Việc tiêu thụ thường xuyên những thực phẩm không lành mạnh có thể làm tổn hại đến trí não cũng như tăng khả năng mắc các bệnh mạn tính gây ảnh hưởng đến quá trình lão hóa và tuổi thọ, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường loại 2 và ung thư.
Dưới đây là một số thực phẩm có thể đẩy nhanh quá trình lão hoá của não bộ và tim mạch.
1. Thịt chế biến sẵn
Một nghiên cứu gần đây báo cáo rằng những người tiêu thụ một lượng lớn thịt chế biến sẵn có nguy cơ sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer, cao hơn.
Nghiên cứu thực hiện trên 493.888 người ở độ tuổi 40 - 69 tại Anh. Những người tham gia không bị sa sút trí tuệ khi bắt đầu nghiên cứu, họ được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi chi tiết về chế độ ăn uống sau mỗi 3 - 4 tháng.
Bảng câu hỏi bao gồm các câu hỏi về tần suất ăn các loại thịt đã chế biến (ví dụ như thịt xông khói, giăm bông, xúc xích,...); và các loại thịt tươi sống như thịt bò, thịt gia cầm, thịt cừu và thịt lợn. Những người tham gia nghiên cứu được theo dõi trung bình trong 8 năm. Khi kết thúc nghiên cứu, có 2.896 người mắc chứng sa sút trí tuệ, trong đó 1.006 người mắc bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu chỉ ra rằng ăn 25 gram thịt đã qua chế biến mỗi ngày có thể làm tăng 44% nguy cơ mắc tất cả các bệnh sa sút trí tuệ và tăng 52% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nguyên nhân là do các loại thịt đã qua chế biến có chứa chất bảo quản, nhiều muối, gây ra stress oxy hóa, viêm và có thể dẫn đến huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
2. Thực phẩm chiên rán
Đồ chiên rán nhiều calo và chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất oxy hóa. Ăn quá nhiều đồ chiên rán dễ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh chuyển hóa như tăng mỡ máu, các bệnh tim mạch,...
Chất béo chuyển hóa là tác nhân chính làm tăng cholesterol "xấu” LDL và làm giảm cholesterol "tốt" HDL trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí JAMA Cardiology cho thấy việc hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y trực thuộc Đại học Chicago và Trường Y trực thuộc trường Đại học Yale, Mỹ, đã so sánh nhóm người hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa với nhóm tự do tiêu thụ chất béo chuyển hóa. Kết quả cho thấy sau 3 năm, những người hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa phải nhập viện vì đau tim và đột quỵ ít hơn 6,2% so với nhóm còn lại.
Các cơ quan y tế khuyến cáo lượng chất béo chuyển hóa không nên vượt quá 2,2 gram/người/ngày, nếu ăn quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe tim mạch.
3. Thực phẩm chứa nhiều đường
Lượng đường trong máu cao có thể tăng nguy cơ bị suy giảm nhận thức và mất trí nhớ. Mặt khác, lượng đường trong máu ở mức vừa phải có liên quan đến sức khỏe não bộ tốt hơn, theo một nghiên cứu mới đến từ các nhà nghiên cứu tại trường University College London và Trường London School of Hygiene & Tropical Medicine, Anh.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu cao hơn 54% so với những người có lượng đường trong máu bình thường.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Victoria Garfield tại Viện nghiên cứu của trường University College London, cho biết: “Dựa trên các nghiên cứu trước đây và nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện, chúng tôi cho rằng tiền tiểu đường có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ mạch máu".
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ nên tiêu thụ không quá 25 gram đường bổ sung mỗi ngày và nam giới chỉ nên bổ sung dưới 36 gram đường mỗi ngày.
4. Thức uống chứa cồn
Đồ uống có cồn như rượu bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ. Giáo sư Archana Singh-Manoux, Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp cùng các đồng nghiệp đã theo dõi 9.087 người trong 23 năm để xem xét mối quan hệ giữa việc uống rượu bia và tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người nghiện rượu hoặc uống quá nhiều rượu có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn so với những người uống rượu ở mức khuyến nghị.
Ngoài ra, lạm dụng rượu bia quá mức còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch Rượu kích thích hệ thần kinh trong cơ thể, dẫn đến hàng loạt phản ứng như tim đập nhanh, tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch.
Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, uống quá nhiều rượu có thể khiến nhịp tim tăng cao đột ngột. Nhịp tim tăng đột ngột có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim, đặc biệt là với những người mắc bệnh tim mạch.
Theo Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Lạm Dụng Rượu và Nghiện Rượu, Hoa Kỳ (NIAAA), nam giới không nên uống nhiều hơn 4 đơn vị cồn/ngày và 14 đơn vị cồn/tuần; phụ nữ không nên uống nhiều hơn 3 đơn vị cồn/ngày và 7 đơn vị cồn/tuần. (1 đơn vị cồn tương đương với 355ml bia thông thường hoặc 150ml rượu thông thường hoặc 45ml rượu mạnh).