01. Người không kiềm chế được mà chia sẻ chuyện cá nhân của mình
Không biết liệu bạn có nhận ra hay không, xung quanh chúng ta, đặc biệt là trong môi trường làm việc, luôn có một vài người mà dù quen biết vài năm, bạn vẫn không biết nhiều về họ. Chính xác hơn là không hiểu rõ chuyện cá nhân xung quanh họ. Nguyên nhân chủ yếu là vì dù trong lúc nói chuyện phiếm, họ cũng biết cách khéo léo đưa đẩy câu chuyện lên người khác mà không dẫn đề tài về bản thân mình.
Trong mắt họ, chuyện công có thể bàn bạc sâu kỹ, nhưng chuyện riêng thì giữ kín như bưng. Bởi vậy, người ta có muốn ngồi lê đôi mách hay bàn luận thị phi cũng không thể tìm ra điều gì về họ mà nói.
Ngược lại, có một số người không kiềm chế được mà kể về chính mình. Một khi “bắt đúng sóng” thì chuyện gì họ cũng có thể kể, thậm chí là những bí mật riêng tư nhất của bản thân. Bất kể là ưu điểm hay khuyết điểm, một khi đã được kể ra, đó sẽ không còn là bí mật nữa.
Nếu người nghe đáng tin cậy thì không sao, nhưng nếu đối phương là kẻ hay đưa chuyện, hoặc là kẻ tiểu nhân đâm lén sau lưng thì cần phải chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Khi một người đã muốn “chơi xấu” thì chỉ cần 7/10 sự thật cộng thêm mắm thêm muối, bạn cũng sẽ tai ương ngập đầu.
Cho nên, khi chia sẻ chuyện cá nhân của bản thân, bạn cần phải tinh ý, chọn đúng người, đúng thời điểm, nếu không muốn “vạ miệng” và nhận về kết cục không hay.
02. Đối phương mới đối xử tốt một chút đã dốc hết tâm can
Một người không biết lựa lời, giữ mồm giữ miệng thì dù tuổi đời có lớn đến mấy, cũng khó có thể xây dựng cảm giác “đáng tin” cho người xung quanh.
Muốn được người khác tôn trọng và kính nể thì nguyên tắc cư xử quan trọng nhất mà họ không được bỏ qua chính là: Quản lý mồm miệng thật tốt mới có thể quản lý tâm trí của mình.
Dù đặt bản thân trong hoàn cảnh nào cũng phải nắm chắc điều gì nên nói, điều gì không nên nói. Đừng vì cảm xúc nhất thời mà đánh mất giới hạn và lý trí của bản thân, mất quyền kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình.
Những người có EQ thấp thường không biết cách thiết lập mối quan hệ giữa các cá nhân ổn định và thân thiết với những người khác. Vì vậy, khi có ai đó sẵn sàng gần gũi và đối xử tốt với họ dù ít dù nhiều, họ sẽ nhanh chóng coi đối phương như "bạn tốt". Với tâm lý như vậy, chuyện lớn chuyện nhỏ, từ đầu chí cuối, họ đều sẵn lòng chia sẻ tất cả với đối phương.
Ở đời, phải biết rằng, mối quan hệ giữa các cá nhân dù có tốt đẹp đến mấy thì cũng có giới hạn nhất định trong lời nói, việc làm mỗi ngày. Những thứ thuộc về nguyên tắc, là bí mật không được phép chia sẻ, là điều riêng tư mà mình vô tình được biết thì càng không được biến thành đề tài câu chuyện phiếm giết thời gian.
Một khi đã nói ra, rất có thể sẽ rơi vào tình cảnh “tai vách mạch rừng”, “tam sao thất bản”. Cuối cùng, chính mình trở thành nguồn cơn gây chuyện thị phi, hoặc tạo ra những tai ương lớn về tinh thần và lợi ích cho người khác. Ở trường hợp đó, càng giải thích càng khó lấy lại được lòng tin.
03. Kiểu người không biết cách từ chối
Một người không biết cách từ chối chắc chắn không thể chiếm được sự tôn trọng từ người khác mà sự nhún nhường, chịu đựng và hy sinh của họ chỉ có thể trôi vào quên lãng, không đem lại chút giá trị nào. Thậm chí, họ để lại trong ấn tượng của người khác rằng: Ai cần cứ lấy.
Không phải tự dưng mà người ta có câu, “Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc bén.”
Lòng tốt được ban phát một cách thừa thãi sẽ dần biến tướng, đem tới rắc rối cho cả người nhận và người cho. Mà một người không biết cách từ chối thì rất dễ trở thành đối tượng bị lợi dụng.
Người thì xin vay tiền, người thì nhờ hoàn thành công việc, người thì yêu cầu giúp đỡ đủ chuyện… Có lần một sẽ có lần hai, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, dần dần nó sẽ vượt quá khả năng mà lòng tốt và năng lực của bạn có thể đáp ứng. Cuối cùng, vì một lời từ chối không được nói ra, bạn đã tự mua tai ương vào thân.
Như vậy, chỉ có cách nói "Không" với người khác mới giúp bạn tập trung công việc quan trọng của chính mình. Biết cách từ chối khéo léo mới không lo thua thiệt, cái miệng hại cái thân.
04. Kiểu người hay lo chuyện bao đồng
Trên đời này có 3 loại việc: Một là việc của bản thân, hai là việc của người khác và ba là việc của ông trời.
Buồn phiền của đời người thường đến là do quên mất việc của bản thân, thích xen vào việc của người khác và lo lắng hộ việc của ông trời.
Đối xử tốt với người khác là một đức tính tốt, nhưng lòng tốt của một người cần phải dành cho đúng người, tùy từng việc cụ thể, nếu không, bạn sẽ trở thành minh chứng điển hình cho câu nói: “Nhiệt tình cộng thêm ngu dốt bằng phá hoại.”
Đặc biệt là trong trường hợp năng lực bản thân có hạn, vất vả lắm mới có thể giải quyết rắc rối của bản thân, nhưng vẫn muốn “ôm đồm” quản cả chuyện thiên hạ. Cuối cùng, hậu quả nhận được là xôi hỏng bỏng không.
Lấy ví dụ như, những lời góp ý xuất phát từ lòng tốt như “Bạn đừng ăn mặc như thế, xấu lắm!”, “Mình thấy bạn hôm nay hơi mập thì phải?” “Bạn nên thay đổi kiểu tóc”... đôi khi cũng có thể vô tình châm ngòi hiềm khích của người khác.
Họ thiết nghĩ rằng chẳng biết bạn hơn được ai mà bày đặt nhận xét, thành ra ác cảm, nhìn bạn như một kẻ hợm hĩnh, thích lên mặt dạy đời. Mà hình tượng như vậy thì chẳng ai thích giao lưu và thân thiết. Ngược lại, đôi khi vì thế, bạn còn đắc tội tiểu nhân lòng dạ nhỏ nhen, rước thêm kẻ thù, đem tới nhiều tai ương không đáng.
Cho nên, muốn cuộc sống vui vẻ và đơn giản hơn, chúng ta chỉ cần: Làm tốt việc của bản thân, đừng xen vào việc người khác và đừng nghĩ việc của ông trời.
*Tổng hợp