Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1 người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5g natri mỗi ngày, đặc biệt đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, ít ai có thói quen đo lường lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày. Chưa kể muối được hấp thụ không chỉ qua muối tinh thành phẩm, bột canh mà còn từ nhiều nguồn khác như nước mắm, nước sốt, hạt nêm… các thực phẩm chế biến sẵn và cả trong thực phẩm tự nhiên.
4 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn thừa muối
Ngoài học cách ăn ít muối thì chúng ta cũng cần nắm rõ 4 dấu hiệu của việc ăn thừa muối sau đây:
1. Hay khô miệng, khát nước
Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng vị đắng trong miệng, đồng thời dẫn đến mất cân bằng nước trong cơ thể, thận không bài tiết được chất độc. Từ đó theo bản năng, cơ thể sẽ phát tín hiệu khô miệng và khát nước liên tục.
Đồng thời, natri dư thừa cũng sẽ khiến cơ thể phải bổ sung nhiều nước hơn để đào thải muối ra ngoài. Đây chính là lý do tại sao mỗi khi bạn ăn món mặn thường cảm thấy nhanh khát nước hơn bình thường.
2. Cơ thể bị sưng, phù nề
Nếu buổi sáng thức dậy thấy đôi mắt sưng húp, bàn chân đột nhiên sưng to lên, hay gặp phải chứng chuột rút... thì rất có thể bạn đang dư thừa quá nhiều muối.
Do cơ thể sẽ tự động tích trữ nước khi lượng muối trong người tăng cao nên một số người sẽ gặp phải tình trạng cơ thể sưng phù, nặng nề khác thường. Nhưng về cơ bản, chỉ cần chú ý cân bằng lại chế độ ăn hàng ngày, tránh tiêu thụ các loại thực phẩm mặn sẽ giúp đào thải bớt lượng muối dư thừa theo thời gian.
3. Đau đầu hoặc đau xương
Quá nhiều natri từ muối đi vào cơ thể sẽ làm gia tăng khối lượng máu, từ đó gây ra giãn nở tĩnh mạch và tăng cao nguy cơ mắc bệnh về huyết áp. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau đầu dữ dội, ảnh hưởng tới sinh hoạt trong ngày. Một nghiên cứu liên quan cho thấy những người ăn nhiều natri hơn một ngày có nguy cơ bị đau đầu cao hơn một phần ba so với những người ăn ít natri hơn.
Ngoài ra, ăn nhiều muối còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xương. Bởi vì khi đó, thận sẽ không thể đào thải được hết độc tố ra ngoài, dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi. Việc thiếu canxi trầm trọng sẽ khiến xương dần bị yếu đi, dễ bị đau, nhức mỏi cũng như thường xuyên bị đau răng. Về lâu dài nó còn gây ra bệnh loãng xương sớm.
4. Bất thường khi đi tiểu
Tích tụ natri trong cơ thể có thể dẫn đến những thay đổi bất thường trong quá trình bài tiết. Dễ nhận biết nhất là những thay đổi khi tiểu tiện.
Cụ thể, do thận phải hoạt động nhiều để đào thải muối ra khỏi cơ thể nên bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Màu nước tiểu cũng bắt đầu thay đổi vì dư thừa natri sẽ gây ra tình trạng mất nước, nếu không được cung cấp nước kịp thời có thể dẫn đến hiện tượng nước tiểu có màu vàng đậm.
Tác hại của chế độ ăn thừa muối
Rất nhiều người có thói quen ăn nhiều muối hoặc thích các món được nêm nếm đậm đà mà không hề biết rằng nó hại cho sức khỏe.
Huyết áp cao là 1 trong các bệnh phổ biến được sinh ra từ chế độ ăn thừa muối. Vì nó làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm 1 thìa cà phê muối ăn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Bởi vì kiểu ăn uống này làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu, khiến chúng quá tải. Từ đó sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động và bị mắc bệnh. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn rất nhiều.
Ăn thừa muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đặc biệt là tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori. Nó cũng gây loãng xương, sỏi thận, hen suyễn… và nhiều bệnh mãn tính khác.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, Aboluowang