Dậy thì sớm là trạng thái cơ thể của trẻ bắt đầu trải qua quá trình thay đổi thành cơ thể người lớn quá sớm. Tuổi dậy thì bắt đầu trung bình ở trẻ em gái từ 8 đến 13 tuổi và trẻ em trai từ 9 đến 14 tuổi. Bé gái có dấu hiệu dậy thì rõ ràng và sự tiến triển trước 8 tuổi và trẻ em trai trước 9 tuổi được coi là dậy thì sớm.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ y khoa Jerrold S. Olshan, cứ 5000 trẻ em thì sẽ 1 trẻ mắc phải tình trạng dậy thì sớm. Đáng lo ngại hơn, thống kê mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiết lộ tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước.
Độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, trẻ còn chịu nhiều hệ lụy về cảm xúc, tâm lý và xã hội.
Theo WebMD, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng thông qua các đợt tăng trưởng và trưởng thành xương. Trước đây, dậy thì sớm có lẽ là một chủ đề khá xa vời với các bậc phụ huynh, nhưng những năm gần đây tình trạng này ngày một phổ biến hơn.
4 dấu hiệu trẻ dậy thì sớm
Khi quan sát từ bên ngoài, chúng ta ít khi thấy được những biểu hiện rõ ràng của dậy thì sớm. Chỉ khi cơ thể trẻ có sự phát triển rõ rệt, các bậc phụ huynh mới nhận ra.
Hình minh họa. Ảnh: Contemporary Pediatrics
Trẻ dậy thì sớm sẽ đối mặt với những hậu quả về tâm lý, luôn cảm thấy ngại ngùng, tự ti khi giao tiếp, ảnh hưởng đến học hành. Dậy thì sớm còn dẫn đến các hậu quả đáng ngại ảnh hưởng về cả sức khỏe, tâm lý lẫn tương lai của trẻ. Để có cách giải quyết đúng đắn nhất, bố mẹ nên phát hiện kịp thời những dấu hiệu ở trẻ.
Ths.BS Vũ Hiền Trinh, Trưởng khoa Nội tiết Sinh sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã chỉ 4 dấu hiệu trẻ dậy thì sớm. Những biểu hiện đó bao gồm:
- Ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt ở bé gái;
- Tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi ở bé trai;
- Mùi cơ thể người lớn;
- Tăng nhanh về chiều cao, cân nặng.
Làm thế nào để ngăn ngừa dậy thì sớm?
- Cha mẹ nên xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học hợp lý, không nên cung cấp dư thừa các chất dinh dưỡng, không cho trẻ ăn các thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, chất tạo màu, ăn nhiều rau xanh,...
Những món ăn chiên rán với hương vị thơm ngon là lựa chọn hàng đầu của trẻ, vì chúng đã đánh đúng vào thị hiếu của trẻ nhỏ cũng như trẻ vị thành niên. Tuy nhiên thực phẩm chiên rán khi nấu ở nhiệt độ cao các món ăn như gà rán, khoai tây chiên... sẽ bị biến đổi chất, khi trẻ ăn vào có thể gây rối loạn nội tiết và dẫn đến cơ thể dậy thì sớm hơn.
- Không nên bổ sung quá mức các sản phẩm kích thích tăng trưởng như các loại thuốc bổ, thuốc kích thích ăn nhanh, tăng chiều cao, thực phẩm chức năng và thậm chí là các loại sữa có chứa thành phần chất kích thích tăng trưởng.
Hình minh họa. Ảnh: Baamboozle
- Kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng béo ở trẻ. Cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.
- Tập thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày, tập các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu... không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
- Xem các kênh truyền hình, video lành mạnh phù hợp với từng lứa tuổi.
- Nếu nhận thấy con có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, các bậc phụ huynh nên cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Cha mẹ cũng cần bình tĩnh, cùng con bước qua giai đoạn này; giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi đang diễn ra là hoàn toàn bình thường.