Sống, phải hiểu cách tạm rời xa chốn phồn hoa, từ bỏ tháng ngày bận rộn vô nghĩa, để tĩnh lặng lắng nghe tiếng gọi nội tâm của chính mình. Từ thuở non nớt tới ngày trưởng thành, từ ngờ nghệch trở nên khôn ngoan, từ kiêu căng hóa thành khiêm tốn, đó là cả một quá trình rèn luyện không ngừng, cũng là cảnh giới đời người liên tục tăng lên.
Có câu nói rằng:
“Sứ mệnh nhân sinh chính là chăm sóc thật tốt cho sinh mệnh, nuôi dưỡng thật tốt cho linh hồn, đạt tới cảnh giới phong phú và an yên.”
Để đạt được sự an yên và phong phú đó không phải dễ dàng. Ít nhất, chúng ta phải hiểu thấu và nắm rõ trong tay 4 cảnh giới sau đây: Đau mà không than, cười mà không nói, mê mà không mờ và hoảng mà không loạn.
1. Đau mà không than, ấy mới là người có nội tâm kiên cường
“Đừng than khổ với bất cứ ai, vì 10 người thì có 8 kẻ chẳng hề quan tâm, 2 kẻ còn lại còn lấy làm vui vẻ.” - Câu nói lưu hành trên mạng Internet này đã khiến rất nhiều người đồng tình.
Sự cảm thông nào cũng có giới hạn, và chúng ta chỉ dành cho những người thân thương nhất xung quanh. Chẳng ai đủ thời gian để suốt ngày đặt bản thân vào vị trí của bạn, lo lắng hay nghĩ ngợi cho lợi ích của bạn, ngoại trừ chính bạn mà thôi.
Vì thế, có khổ có đau đến mấy thì tự mình chịu đựng, không lời than vãn mới là sự lựa chọn tốt nhất. Nếu thỏ bị thương mà dừng lại kêu đau, nó sẽ trở thành bữa tối cho kẻ săn mồi. Nếu đại bàng đau mà kêu la thảm thiết, nó sẽ không thể cất cánh giữa trời cao. Than vãn chỉ khiến cho chúng ta lỡ đi những cơ hội để rèn luyện chính mình, trước là về thể xác, sau là sự kiên cường đến từ nội tâm.
Khi chúng ta còn bị đau, tức là cuộc đời còn đang ban tặng những cơ hội để thay đổi và sửa chữa. Nếu biết tận dụng, đó cũng chính là nền tảng để vươn lên thành công.
“Đau mà không than” không có nghĩa là chúng ta không đau, mà là chúng ta dám dũng cảm đối mặt với nỗi đau đó, dùng sức mạnh nội tâm để chống đỡ khó khăn. Nếu đời người có 9 phần không như ý thì người khôn ngoan sẽ nắm chặt 1 phần như ý còn lại để hóa thành động lực phấn đấu cho tương lai.
Hãy nhớ rằng, phàm trần tức là khổ, chịu khổ, hóa khổ, không than khổ. Khổ mà không than, âm thầm mà lột xác, đợi đến thời vận xuất hiện thì giương cánh bay cao.
2. Cười mà không nói, ấy là người tự tại, khoáng đạt từ trong tâm hồn
Im lặng và mỉm cười là 2 cảnh giới mạnh mẽ nhất. Mỉm cười là cách để giải quyết nhiều vấn đề và im lặng là cách để tránh nhiều rắc rối xảy ra. Đôi lúc, khi chúng ta gặp cảnh bất lực, đau lòng hay thất vọng khi bị hiểu lầm, giễu cợt, dè bỉu từ những người xung quanh, một nụ cười sẽ dễ dàng hơn là đi giải thích với toàn thế giới.
Đứng trước thị phi, nếu bạn để cho tâm tính bị khuấy động thì mọi sự chỉ càng thêm rối loạn, không thể gỡ rối. Những lời thanh minh, đôi co trong trạng thái bực tức rất có thể trở thành “giọt nước làm tràn ly”, đẩy người nghe về phía đối lập với bạn.
Thay vào đó, hãy dùng sức mạnh của nụ cười để chiến thắng cả thiên binh vạn mã. Thể hiện sự an nhiên tự tại, bình thản ung dung trong bản thân là cách để bạn chiến thắng những lời đàm tiếu đúng sai, tốt xấu của người đời.
Cuộc sống như một tấm gương, bạn cau mày, nó cũng cau mày, bạn mỉm cười, nó cũng sẽ mỉm cười. Dù đối mặt với điều gì, đối nhân xử thế một cách đúng mực với thái độ ôn hòa sẽ khiến người khác ấn tượng với sự độ lượng của bạn nhiều hơn.
3. Mê mà không mất, ấy mới là người có trí có tuệ
Trong bài thơ "Tiền Đường hồ xuân hành" của thi sĩ Bạch Cư Dị có câu:
“Loạn hoa tiệm dục mê nhân nhãn,
Thiển thảo tài năng một mã đề.”
Tạm dịch:
“Trăm hoa dần khiến người mờ mắt,
vó ngựa vừa che lấp cỏ gầy.”
Thế giới trăm hoa khoe sắc, phồn hoa náo nhiệt luôn đem tới sức ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến chúng ta đắm chìm trong nhiều cảm xúc và suy nghĩ hỗn độn, khó có thể kìm chế dục vọng và khao khát của bản thân. Từ đó, mê muội che mờ ánh mắt, dần chiếm đoạt khả năng kiểm soát tình huống, khiến chúng ta tự làm ra những hành động tổn hại chính mình.
Chỉ khi nào con người học được cách coi nhẹ chuyện được - mất, thành - bại, có - không của thế gian, thì chúng ta mới có đủ tỉnh táo, ung dung và an yên để chống lại sức ảnh hưởng của thế giới. Điều đó yêu cầu sức mạnh kiên cường tự trong nội tâm và trí tuệ.
Cảnh giới trầm tĩnh như dòng nước chảy, sáng tỏ như ánh trăng giữa đêm đen sẽ lắng đọng thành những trải nghiệm, rèn luyện tâm trí bạn ngày một sáng suốt và khôn ngoan hơn. Chỉ có một linh hồn khoáng đạt mới có thể duy trì sự thanh tĩnh, không đánh mất chính mình trong phồn hoa.
4. Hoảng mà không loạn, ấy mới là người thực sự mạnh mẽ
Khi lâm vào cảnh sóng gió ập tới, con người ta khó tránh khỏi sự hoảng loạn, bất an. Tâm mà hoảng thì lòng sẽ động, nhưng trong động lại cần có tĩnh. Hoảng mà không loạn mới là người có đủ năng lực để đảm nhận trọng trách, làm nên đại sự.
Người xưa có câu: “Gặp chuyện lớn mà không loạn, gặp sóng lớn mà không mất đi thói quen thường ngày” chính là cách thể hiện tâm thái xử thế, cảnh giới ung dung tự tại của đời người.
Người có tài, có tâm sẽ giữ tâm trí ổn định, không để sự lo lắng làm lạc mất tư duy, từ đó mới bình tĩnh tìm cách xử trí mọi chuyện. Không chỉ tâm bình khí hòa mà để làm được điều này, người ta còn cần giỏi về ứng biến linh hoạt, không ngừng hoàn thiện bản thân.
Không ngừng đúc rút kinh nghiệm, tích lũy giá trị, rèn giũa bản thân mỗi ngày từ trong gian khó, chúng ta mới liên tục trưởng thành theo dòng chảy của thời gian. Mỗi một cảnh giới đều là dấu mốc quan trọng mà có người phấn đấu cả đời cũng không thể chạm tới. Nhưng nếu đã chạm tới, họ ắt sẽ hiểu thấu cái gì là tự tại, cái gì là an yên và hạnh phúc với nhân sinh của mình.