Trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta luôn luôn mở cửa: Cổng nhà, cổng trường, cổng đơn vị, cánh cửa hôn nhân, cánh cửa may mắn... Khi mở bất kỳ cánh cửa nào, điều đó có nghĩa là chúng ta đi được xa hơn và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tự hỏi, nếu bản thân cứ tiếp tục mở cửa mà không đóng thì cuộc sống sẽ như thế nào? Điều này giống như một ngôi nhà mà tất cả các cánh cửa đều được mở ra. Mặc dù căn nhà khá thoáng đãng nhưng khi có giông bão, căn nhà lại trở nên nhỏ bé, yếu ớt, không thể chống lại mưa gió.
"Hiệu ứng cửa sổ bị hỏng" cho chúng ta biết rằng nếu một cửa sổ không được đóng lại, cửa số đó sẽ bị phá hủy bởi thiên nhiên. Nếu không được sửa chữa kịp thời, nhiều cửa sổ hơn sẽ bị phá hủy và trở nên lộn xộn.
Vì vậy, khi bước sang tuổi 60, chúng ta nên học cách đóng cửa để khẳng định bản lĩnh làm người, đóng cửa để "nhốt" lại quá khứ, từ đó toàn tâm toàn ý là chính mình.
1. Đóng cửa trái tim và học cách ở một mình
Khi còn trẻ, chúng ta mở cửa trái tim để đón nhận tình yêu đẹp đẽ, cảm nhận những thanh âm nhộn nhịp của cuộc sống và cả sự xô bồ của xã hội hiện đại. Thế nhưng, khi bước qua tuổi lục tuần, cả sức khỏe thể chất và tinh thần không còn đảm bảo để ta có thể đắm chìm vào những cuộc chơi như thời còn thanh xuân.
Lúc này, ai ai cũng khao khát một cuộc sống yên bình để tận hưởng quãng thời gian cuối đời cho chính bản thân mình. Do đó, khi bước sang tuổi 60, hãy nhớ đóng cửa trái tim và tận hưởng cuộc sống của riêng bạn.
"Ở một mình" giúp con người học cách tự trò chuyện với chính bản thân mình tốt hơn. Bởi trong xã hội hiện đại vô cùng huyên náo này, người ta thường chỉ nhìn vào người khác chứ ít khi nhìn vào bản thân. Sự ồn ào và huyên náo ấy thường có sức phá hoại rất lớn với sự trưởng thành của con người.
Nhà văn Chu Quốc Bình từng nói: "Cảnh giới tốt nhất của cuộc sống là sự phong phú và im lặng. Im lặng bởi thoát khỏi sự cám dỗ của hư danh bên ngoài. Phong phú bởi vì có kho báu của thế giới tinh thần bên trong."
Chính vì thế, khi đóng cửa trái tim, thế giới của bạn sẽ yên bình. Những thăng trầm trong quá khứ, sự xô bồ của xã hội sẽ không còn là thứ mà bạn quan tâm. Giờ đây, quan tâm chính bản thân mới chính là lẽ sống của người sau tuổi 60.
2. Đóng cửa nhà và từ chối tiếp những người "dư thừa"
Lý Thúc Đồng là một nhà giáo, nhà chính trị gia lỗi lạc, do đó có rất nhiều người kính trọng ông. Khi còn dạy học ở Thanh Đảo (Trung Quốc), thị trưởng địa phương Thẩm Hồng Liệt cùng một nhóm các chính trị gia nhiều lần đến hỏi thăm ông, đồng thời mời Thúc Đồng đến tham dự tiệc của giới chính trị gia. Tuy nhiên, ông 3, 4 lần từ chối đến dự tiệc và thừa nhận bản thân chỉ là cư sĩ ẩn danh không thích hợp đến những nơi náo nhiệt.
Thực ra, lúc này Lý Thúc Đồng đã ngoài 60 rồi, ông muốn rút lui khỏi cuộc sống bộn bề để sống cuộc đời yên bình mà thôi.
Quả thật, trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều loại người, có người tốt và cũng có người xấu, có người hữu ích với ta nhưng cũng có người "dư thừa".
Do đó, chúng ta phải biết "chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học" chứ đừng mù quáng chạy theo xu hướng, kết bạn 4 phương để rồi bản thân đi "lạc" lúc nào không hay. Bên cạnh đó, vì có quá nhiều bạn nên chúng ta sẽ bị cuốn theo những cuộc chơi và những mối quan hệ phức tạp, dẫn đến cuộc sống ngày càng mệt mỏi.
Chính vì thế, 60 tuổi, "vô dục vô cầu", hãy đóng cửa nhà và toàn tâm toàn ý bên cạnh những người thân của mình, yêu thương gia đình, từ chối tiếp người "dư thừa". Bởi gia đình là nơi neo đậu bình yên nhất trong cuộc đời mỗi người.
3. Đóng cửa nơi làm việc và trở thành người về hưu
60 tuổi, đã đến tuổi nghỉ hưu, nếu bạn không sẵn sàng rời khỏi nơi làm việc, bạn sẽ bị ghét bỏ, thậm chí không được coi trọng.
Ông Trương, sau khi nghỉ hưu, vẫn tiếp tục làm việc tại cơ quan. Một hôm, khi ông đi gặp khách hàng để ký kết hợp đồng, khách hàng nói: "Nếu tôi ký hợp đồng với ông, tôi sợ bản hợp đồng này không có hiệu lực. Bởi nếu vài ngày nữa có việc bất trắc xảy ra, ông không còn đi làm nữa thì tôi sẽ tìm ai để giải quyết?" Nghe thấy thế ông Trương rất buồn và trở về cơ quan với gương mặt xám xịt.
"Trẻ trọng dụng, già đào thải". Đó là quy luật tự nhiên của chốn công sở. Bởi tất cả mọi người đi làm đều vì lợi ích của bản thân. Khi bạn lớn tuổi và không còn làm được việc nữa, mọi người sẽ không vì thế mà chăm sóc bạn, vẫn sẽ loại trừ bạn.
Đóng cửa nơi làm việc và đến cơ quan như một vị khách, đó mới là dáng vẻ của một người thập toàn nên có.
4. Đóng cửa tranh chấp, không kết giao với tranh luận
Một khi đến tuổi 60, chúng ta không nên cãi vã, cáu gắt, kích động. Hãy học cách bình tĩnh, để mọi chuyện thuận theo tự nhiên. 60 là tuổi "mặc kệ lời ngoài tai", không phải tuổi "xông pha chiến trường", thế nên sự yên ổn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
"Mặc kệ lời ngoài tai" ở đây là khuyên bạn không nên tranh luận với người khác. Thắng một cuộc tranh luận, đối với bạn cũng chẳng có lợi gì cả. Bạn đã 60 tuổi rồi, tốn hơi sức để tranh luận có ích gì không? Điều bạn cần làm là không cáu gắt, không bốc đồng.
Những cuộc tranh luận vô nghĩa chỉ làm tăng thêm gánh nặng tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, có người chỉ muốn tranh luận vui, dù biết mình sai nhưng vẫn phải tìm cách phản bác, đây là một thú vui không nên có, nhất là đối với những người tuổi xế chiều, "kiệm lời" vẫn hơn.
Kết luận
Trong tiểu thuyết võ hiệp, các đạo sĩ khi muốn gia tăng công lực thường "Bế quan tu luyện". Bế quan là đề thăng chính mình, nhưng khi tăng tới cảnh giới nhất định buộc phải xuất quan.
Vì vậy, chúng ta cũng phải chọn cơ hội thích hợp để mở và đóng những cánh cửa trong cuộc sống. Mở cửa xe, đưa bạn đi du lịch; mở cửa nhà, chào đón tri kỷ để tâm sự; mở cửa nhà của con cái, giúp gắn kết tình thương; mở tủ sách, đọc thêm vài cuốn sách để rèn luyện tri thức và tận hưởng sự yên bình của cuộc sống...
Mở cửa và đóng cửa thể hiện sự khôn ngoan của mỗi người.
Theo Aboluowang/ Ảnh: Internet