Ra mắt khán giả toàn cầu vào ngày 7/6 vừa qua, tựa phim đến từ Ba Lan 365 Days (tựa Việt: 365 Ngày Bên Em) đang gom về "một rổ" chỉ trích vô cùng thậm tệ từ giới phê bình lẫn khán giả đại chúng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc cổ súy và lãng mạn hóa vấn nạn bạo lực giới.
Ở thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát nghiêm trọng, khán giả yêu phim ảnh không còn cách nào khác ngoài việc tìm đến các nền tảng trực tuyến để "giải sầu". Tuy nhiên, không phải bất cứ phim nào đang "leo thang" trên các BXH trending cũng xứng đáng nhận được điểm cao chất lượng. 365 Days chính là ví dụ "sáng giá" nhất của năm nay khi từng đạt top 1 trending trên Netflix dù bị phản đối kịch liệt.
Phô trương cảnh nóng rẻ tiền như "phim cấp ba"
Thật không ngoa khi khẳng định cứ khoảng 10 phút thì người xem sẽ xem qua một cảnh nóng trong 365 Days. Các ảnh ân ái của cặp đôi nam-nữ chính được thực hiện ở khắp mọi nơi, từ giường, phòng tắm, phòng khách, trên thuyền và cả bồn phun nước, thậm chí còn trải qua đủ loại tư thế và trò tiêu khiển.
Không ít chuyên gia đã lên tiếng gay gắt về sự choáng ngợp của các cảnh 18 lõa lồ không khác gì phim người lớn, thậm chí một đánh giá trên trang Rotten Tomatoes còn thẳng thắn rằng: "Phim cấp 3 coi còn chân thực hơn đống rác rưởi này!".
"Dở toàn tập, bị phản đối về mặt chính trị, lâu lâu cũng mắc cười..." - đánh giá từ Variety.
Mặt khác, vô số cảnh đồi trụy cũng không thể che đậy nổi nội dung nhàm chán, tệ hại và phi logic của 365 Days, vì ngay từ đầu mối quan hệ giữa nam chính Massimo (Michele Morrone) và nữ chính Laura (Anna‑Maria Sieklucka) đã vô cùng sai trái và còn đi ngược lại với luật pháp và chuẩn mực đạo đức thông thường.
Lãng mạn hóa hội chứng Stockholm vô cùng kệch cỡm
Được chuyển thể từ tiểu thuyết của Blanka Lipinska, 365 Days khắc họa việc Laura bị chính tên trùm mafia điển trai Massimo bắt cóc, sau đó hắn cho cô 365 ngày để yêu hắn và muốn ở bên hắn. Nghe thoáng qua như một lời dẫn truyện "ngôn tình 3 xu" thường gặp, nhưng điều đáng lên án của bộ phim vừa mang về số điểm "cà thối" 0% chính là cổ súy hội chứng Stockholm.
365 Days cổ súy hội chứng Stockholm.
Hội chứng Stockholm cơ bản mô tả triệu chứng tâm lý của nạn nhân khi dần phát triển cảm xúc quý mến, đồng cảm và yêu thương đối với kẻ bắt cóc mình, dù cho bọn chúng luôn thực hiện những hành vi đồi bại và gây hại đến con tin. Trong 365 Days, Laura ban đầu cũng phản đối đề nghị vô lý của Massimo, song dần dần cô cũng có tình cảm với hắn, cụ thể là sau khi... được anh cứu lên từ một vụ đuối nước dẫn đến cuộc làm tình "quên cả trời đất" trên du thuyền.
Trên thực tế, đã có không ít các tác phẩm phim ảnh lấy đề tài tương tự, như King Kong hay Beauty and the Beast (dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi). Thế nhưng, chưa có màn khắc họa nào trở nên vô lý và khiến người xem sôi sục như 365 Days, khi biến một nữ doanh nhân thành đạt như Laura trở thành kẻ ngu ngốc đến rồ dại trước những hành hạ về thể xác và tinh thần của Massimo, để rồi lại tuyên bố cô đã yêu hắn mà chẳng có diễn biến hay dẫn chứng gì sau đó.
365 Days còn đang nổi trên TikTok với 500 triệu lượt hashtag cùng những clip chế gây tranh cãi.
Cổ vũ bạo lực giới, bạo hành tình dục, hạ thấp phụ nữ
Như đã nói, 365 Days xây dựng một nhân vật nữ chính có chuyển biến tâm lý vô cùng kỳ lạ, một bộ óc thiên tài vừa thâu tóm chuỗi khách sạn tiền tỉ trước những con mắt trầm trồ của giới kinh doanh, nhưng cuối cùng bị hạ thấp nhân phẩm đến cùng cực trong một mối quan hệ ép buộc đơn phương, và rồi thú nhận mình đã yêu, yêu một cách chân thành và thuần khiết?
Trải qua khoảng thời gian bên cạnh Massimo, Laura liên tục bị hắn tra tấn về mọi mặt, bị ép vào những cuộc giao hoan sặc mùi BDSM (một dạng đóng vai hoặc lựa chọn lối sống giữa hai cá nhân trở lên nhằm tạo sự căng thẳng, khoái cảm và giải thoát trong tình dục), hay phải xem một mỹ nữ khác "dùng miệng" để thỏa mãn Massimo trong khi bị trói chặt vào giường. Chưa bao giờ giới phim ảnh phải chứng kiến một màn trêu ngươi kệch cỡm đến như vậy, nơi mà nữ quyền gì đó đều bị xóa sạch, nhân vật nữ cũng chả có tiếng nói, cũng chẳng tìm cách thoát thân hay nhờ đến luật pháp, mà cuối cùng lại chịu khuất phục trước tên trùm khét tiếng.
"365 Days lãng mạn hóa một mối quan hệ cực kỳ độc hại, một điều chưa bao giờ chấp nhận được".
Ngoài ra, mở đầu 365 Days còn có một cảnh Massimo bắt ép một nữ tiếp viên hàng không "dùng miệng" với mình trước bao con mắt của người khác trên chuyên cơ. Cảnh phim này đã khiến không ít khán giả khó chịu, thậm chí còn khiến nhiều người liên tưởng đến một vấn nạn nhức nhối khác - cưỡng dâm. Quá nhiều tội ác trong một bộ phim được ví như "phiên bản rẻ tiền hơn" của một phim "tràn ngập yếu tố khiêu dâm" khác từng bị tẩy chay là 50 Sắc Thái.
"Xem 365 Days và trờiiii ơiii cái cảnh trên máy bay... Tôi cạn lời luôn"
"Đang xem 365 Days và một trong những cảnh ĐẦU TIÊN là màn 'khẩu giao' trên máy bay và mấy người còn bảo có nhiều hơn nữa ở khúc sau làm tôi sợ quá"
Lời kết
365 Days hoàn toàn không xứng đáng để nhận được những thành công thương mại mà nó đã đạt được, nhất là khi liên tục chiếm giữ những thứ hạng cao trên các BXH phim ảnh trực tuyến, nơi luôn đề cao tính định hướng và tuyên truyền đối với người xem. Vẫn còn 2 phần phim nữa để hoàn thành chuỗi bộ ba đúng như nguyên tác, và rồi nền điện ảnh thế giới sẽ đi về đâu khi thảm họa Ba Lan này sẽ là cánh cửa dẫn lối đến những mơ tưởng thiếu thực tế, qua đó xem nhẹ những hành vi tội ác và bạo lực, khiến các phong trào đấu tranh bình đẳng trông như trò cười trong mắt nhà làm phim hay các tác giả đứng sau vô vàn những dự án tương tự.