2020, thế hệ 9X đầu tiên chính thức bước sang tuổi 30.
Người ta nói, "tam thập nhi lập", 30 tuổi, lập thân, lập nghiệp, lập thất.
Trong xã hội hiện tại, lập hay không lập quả thực rất khó nói.
Nguyên nhân là bởi xã hội phát triển quá nhanh, vật giá quá cao, lương tháng đuổi không kịp tốc độ leo thang của vật giá. 30 tuổi không có tài khoản tiết kiệm, quá bình thường; 30 tuổi, nợ đầy mình, cũng không phải chuyện hiếm.
L, một người bạn của tôi, trong một lần tụ lại liên hoan nói với tôi rằng: cậu ấy 30 tuổi, lương tháng chục triệu, nợ hàng trăm triệu.
Nợ hàng trăm triệu, vừa nghe đã phải "Ôi dồi, sao mà nợ nhiều vậy?", nhưng sau đó nghĩ lại thì cũng thấy rất bình thường.
Con người hiện đại, hầu như ai mua nhà, mua chung cư mà chẳng phải nợ nần, trả dần theo tháng, mười mấy năm mới mong trả hết. Tiền lương mỗi tháng ngoài chi tiêu sinh hoạt, lại thêm tiền nhà, chẳng còn lại được bao nhiêu. Tiết kiệm tiền, cũng chỉ dám nghĩ trong đầu.
Còn một người bạn khác, năm nay 30 tuổi rồi, vẫn chưa kết hôn, ở nhà thuê.
Cậu ấy cảm thấy đời mình thật thất bại, thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản, nhìn những người xung quanh kết hôn, mua nhà, một người đến giờ vẫn còn độc thân như cậu ấy không biết phải làm sao.
30 tuổi, đây dường như là định mệnh của chúng ta, ở cửa ải này, nếu vẫn chưa kết hôn, chưa mua nhà, sự nghiệp không có thành tựu, dường như là đang đặt nền tảng cho một cuộc đời thất bại.
Nhưng, thực sự là như vậy ư?
1. 30 chưa "lập", hoàn toàn bình thường
Cùng nhìn lại những người trẻ 30 tuổi, có được mấy người tự mua được nhà ở tuổi này? Có bao nhiêu người không cần mua trả góp? Có bao nhiêu người nên được nghiệp lớn, đại phú đại quý?
Rất ít.
Ngược lại, đại đa số mọi người đều là như này: có người kiếm tiền để trả góp, có người vừa mới khởi nghiệp, có người không dám nghỉ việc...
Bởi lẽ vẫn còn tiền nhà phải trả, còn gia đình phải nuôi, có sự nghiệp vừa mới bắt đầu, có cha mẹ phải tận hiếu...
Mọi thứ đến quá nhanh, đối với một người trưởng thành vừa bước qua tuổi 20 mà nói, căn bản không đủ thời gian để chuẩn bị đã bị đẩy sang một làn đường khác.
Bánh xe thời đại không ngừng lăn nhanh về phía trước, phần lớn mọi người còn chưa kịp đứng vững chân đã phải gánh trên vai một đống trách nhiệm, vội vàng ròng rã bước nhanh chóng trên đường.
Thời đại và xã hội, ban cho chúng ta duy nhất một chữ "nhanh".
Hàng xóm của tôi, D. sinh ra trong một gia đình khá giả, mức lương ở công ty trên dưới chục triệu. Lúc 25 tuổi, nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, cậu mua được cho mình một chiếc xe ô tô.
Cứ cho rằng cậu có thể gánh vác được, nhưng cuộc sống sau đó lại không hề diễn ra như cậu tưởng tượng.
Ngoài tiền nhà và sinh hoạt phí cơ bản hàng ngày, tiền lo cho chiếc xe sau đó cứ ngày một tăng, nào là tiền bãi đậu, tiền xăng dầu, tiền bảo dưỡng, lại cộng thêm với lãi suất trả góp mỗi tháng khiến áp lực của cậu ngày một lớn.
Năm 27 tuổi, cậu nghỉ việc tách ra khởi nghiệp, lấy hết số tiền tiết kiệm được đem đầu tư cho khởi nghiệp, nhưng sau đó lại bị lỗ vốn.
Hiện tại, ở tuổi 30, cậu lại trắng tay. Đứng trước ngưỡng cửa tuổi 30, nhớ lại quá khứ, cậu nói:
Những việc trải qua mấy năm qua, dù là sai lầm hay đúng đắn, thứ mà tôi có lại được chính là kinh nghiệm. Thời gian cứ thế trôi qua, chỉ trách lúc trước quá vội vàng, luôn muốn trước 30 tuổi phải làm được cái gì đó, không có kế hoạch chu toàn để rồi cuối cùng thất bại.
Đúng vậy, cậu ấy nói không sai. Trước 30 tuổi, có người sóng yên biển lặng, có người ầm ầm sóng dậy, nhưng bất luận là bình thường hay xuất sắc, đó đều là những kinh nghiệm cho chúng ta.
Cuộc sống đối với chúng ta mà nói, đều là lần đầu tiên, không ai ở ngay lần đầu tiên đã có được thành công.
Thành công trước giờ chưa bao giờ dùng tiền để cân đong đo đếm, chúng ta không cần phải vì những ánh nhìn thế tục mà phá vỡ đi nhịp điệu của mình.
30 chưa "lập", hoàn toàn bình thường.
Dù chúng ta có thất bại trong công việc, dù chúng ta chưa có được tình yêu mà mình muốn, thì cũng đã làm sao, cuộc sống với chúng ta, mãi mãi luôn là vừa mới bắt đầu.
2. Tuy nói " chưa "lập", nhưng vẫn phải nghiêm túc xem xét lại bản thân
Ở tuổi 30, dù chưa có tài khoản tiết kiệm, cũng không sao. Nhưng nó không cho thấy rằng chúng ta không cần tổng kết và xem xét lại, mỗi một trải nghiệm trong quá khứ đều dạy cho chúng ta một đạo lý.
Có người 23 tuổi tốt nghiệp, trong suốt 7 năm sinh tồn, đã tích góp được cho mình một số tiền kha khá.
Có người 25 tuổi bắt đầu khởi nghiệp, tuy là rất khó, nhưng tới 30 tuổi, cũng xem là khởi nghiệp thành công.
Có người thăng chức thăng lương, đường đời trải đầy hoa hồng, nhưng đằng sau đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Trước 30 tuổi, chúng ta đã ra xã hội được mấy năm, không thể nào không có một chút kinh nghiệm hay tích lũy nào. Nếu vẫn chưa làm được việc gì thực sự ra hồn, vậy thì nhất định phải xem xét lại nguyên nhân từ mình.
Mọi kinh nghiệm và bài học trong quá khứ, mới là điều quan trọng nhất, nếu không thì, chúng ta lấy cái gì để ứng phó với những thử thách không ngừng ấp tới trong tương lai!
3. Bất kể là khi nào, cũng đừng đặt ra ranh giới cho bản thân
Không khó để bắt gặp những câu hỏi như này:
Tôi 30 tuổi rồi, nỗ lực có còn kịp không?
Tôi 30 tuổi rồi, muốn học thạc sỹ, có còn kịp không?
Tôi 30 tuổi rồi, thành gia lập nghiệp có muộn không?
Một đống vấn đề tương tự nhau, tôi kinh ngạc vì những lo lắng của mọi người, cũng cảm thán xã hội phát triển nhanh chóng đã vô hình tạo ra cho mọi người sự khủng hoảng, hoang mang.
Có quá nhiều bài viết nói với chúng ta rằng, 30 tuổi rồi, nhất định phải thế này, thế kia, nếu không đạt được, cuộc đời coi như xong.
Những câu nói như vậy, vốn dĩ là một sự tự giới hạn bản thân. Đời người trước giờ không có cái gọi là giới hạn tuổi tác, thay đổi quan niệm là điều quan trọng.
Q., ở độ tuổi 40 nghỉ công việc ở đài truyền hình để đi du học Mỹ. Ở độ tuổi mà nhiều người cho rằng nên yên phận, Q. lựa chọn từ bỏ công việc ổn định nhiều người ngưỡng mộ để bắt đầu lại từ đầu cuộc sống của một sinh viên.
Sở dĩ cô ấy có thể bắt đầu một đoạn cuộc sống hoàn toàn mới như vậy đó là bởi cô ấy trước giờ không đặt ra giới hạn cho cuộc sống của mình, không ngừng tìm tòi và thử thách.
Đối với những huy hoàng trong quá khứ, Q. chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc. Đối với những khả năng của tương lai, cô ấy trước giờ chưa bao giờ từ bỏ, sống một cuộc sống rực rỡ mà bản thân mong muốn.
Giống như cô ấy từng nói,
"Tôi cho rằng ý nghĩa cuộc đời nằm ở phát triển, mở rộng chứ không phải cố thủ, bất kể là khi nào chúng ta cũng không nên đánh mất đi dũng khí tiến về phía trước."
Grandma Moses, Bà ngoại nổi tiếng nước Mỹ, ở tuổi 70, bà từ bỏ nghề thêu để bắt đầu thử sức ở lĩnh vực hội họa mà mình luôn ao ước.
Ở tuổi 80, bà tổ chức một triển lãm nghệ thuật ở New York, bà đã "mài gươm" trong suốt mười năm để rồi tạo ra huyền thoại của riêng mình.
Ở tuổi 100, bà đã khai sáng cho Junichi Watanabe, một bậc thầy văn học trẻ người Nhật Bản, lấy cảm hứng sáng tác từ bà.
Giống như cô ấy nói,
"Bất luận ra sao, đừng bao giờ đặt ra giới hạn tuổi tác cho cuộc sống, đừng tự mình che đi ánh nắng mặt trời rực rỡ phía sau."
Đời người trước giờ không có cái gọi là quá muộn để bắt đầu, đối với người có ước mơ, mỗi một giai đoạn cuộc đời đều có những khả năng vô hạn khác nhau.
Bất kể là khi nào, đừng bao giờ đặt ranh giới cho tuổi tác, "bây giờ" luôn luôn là cơ hội tốt nhất.
4. Kiên trì, mới có thể hoàn thành giấc mơ
Từng có người nói rằng:
Sau hai lần từ bỏ liên tiếp là sự bắt đầu của một thói quen xấu.
Chúng ta ai cũng từng trải qua điều này, hạ quyết tâm làm một điều gì đó, kiên trì được một tuần, hoặc 1 tháng, thậm chí được hơn 1 năm rồi nhưng tới cuối cùng vẫn từ bỏ.
Bởi vì không có thành quả, bởi vì không có thu hoạch? Đều không phải.
Chúng ta đều vì một chút chuyện lặt vặt hôm nay mà từ bỏ quyết tâm của bản thân, "thôi, mai làm cũng được", vậy là có lần đầu tiên, lần tiếp theo cứ vậy mà kéo đến.
30 tuổi, hãy hỏi vì sao mình vẫn chưa có cái gì? Có phải vì bạn không đủ kiên trì?
Chúng ta dành thời gian cho sự lo lắng, hoang mang, mà quên mất dành thời gian đi kiên trì, đi hành động.
Thói quen tốt cần 3 năm để bồi dưỡng, thói quen xấu 3 ngày là đã có thể hình thành, an ủi bản thân theo thói quen thực ra là đang tự lừa dối mình. Hi vọng bạn không kiên trì việc này, không quá dễ dãi với bản thân.
Đời người là một con đường dài, 30 tuổi mới chỉ là bắt đầu.
Chỉ cần không bao giờ từ bỏ, kiên trì bước về phía trước, có như vậy mới có thể cười mà chạm tay vào đích.
Chúng ta ở tuổi 30, bất luận quá khứ ra sao, cũng không nên từ bỏ đi hiện tại tốt đẹp nhất hay đánh mất đi tương lai với những khả năng vô hạn.
Hi vọng, bạn ở tuổi 30 vẫn sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn.