30 tuổi đi làm không cần nỗ lực nữa là tư duy lỗi thời hoặc nhà có điều kiện

Hải My | 04-08-2022 - 22:11 PM

(Tổ Quốc) - Dù là 30, 40 hay 50 tuổi, nhiều người vẫn cho rằng đã đi làm là phải phấn đấu chứ không thể mãi "dậm chân tại chỗ".

Trong cuộc đời mỗi người thường được "cài đặt" sẵn những cột mốc như tuổi 18, tuổi 22, 25 rồi tuổi 30, 35,... Nếu tuổi mười tám đôi mươi ai cũng mơ mộng, sống gấp để theo đuổi những hoài bão thì khi bước sang tuổi 30, có người chọn chững lại để tận hưởng cuộc sống và cũng là để thưởng cho bản thân sau một quãng thanh xuân miệt mài cố gắng.

Thế nhưng, đó chỉ là số ít bởi hầu hết những người từ 30 tuổi trở lên, họ phải tiếp tục đối mặt, gánh vác thêm nhiều vấn đề hơn trong cuộc sống. Có vô vàn những câu hỏi được đặt ra cho họ:

30 tuổi rồi sao lương còn lẹt đẹt?

30 tuổi rồi sao vẫn là nhân viên quèn?

30 tuổi rồi sao chưa làm được trò trống gì thế?

30 tuổi người ta làm ông nọ bà kia, nhà lầu xe hơi rồi sao mình vẫn thất bại?

Với rất nhiều mối lo như vậy, chị Ngọc (30 tuổi) đang làm trong ngành tài chính, chị Huyền Trang (36 tuổi) - nhân viên kế toán và anh Quang Tùng (30 tuổi) đang làm tổ chức sự kiện đều cùng nhau phản bác quan điểm: "Những người trên 30 tuổi đi làm chỉ có tâm lý qua ngày, cuối tháng nhận lương, không cần cố gắng".

Người có gia đình, lo cơm áo gạo tiền chẳng ai dám ngừng kiếm tiền

Theo Quang Tùng, mỗi người sẽ có một phong cách làm việc khác nhau, có người nhiệt huyết, trách nhiệm nhưng cũng có người chỉ thích làm "bóng ma công sở". "Mình không đồng ý với quan điểm trên và mình cũng mong mọi người đừng ai nghĩ trên 30 tuổi là sẽ hết "lửa" làm việc nên phó mặc, làm cho có. Mình nghĩ những người có tâm lý như vậy là do họ cảm thấy đủ, muốn dành thời gian cho những nhu cầu khác ngoài công việc. Họ tự vẽ cho mình một vòng tròn an toàn, không bon chen và ganh đua", Quang Tùng nói.

30 tuổi đi làm không cần nỗ lực nữa là tư duy lỗi thời hoặc nhà có điều kiện - Ảnh 1.

Chị Huyền Trang (36 tuổi) đang làm kế toán tại một công ty về thời trang (Ảnh: NVCC)

Còn đối với chị Huyền Trang cho rằng: "Chắc hẳn những người trên 30 tuổi mà có thể bình thản như vậy là do họ đã có nền tảng gia đình cơ bản, kinh tế vững chắc rồi nên không cần phấn đấu trong công việc. Đôi khi họ chỉ đi làm để "đỡ rảnh" chứ đồng lương không phải điều quan trọng nhất với họ. Nhưng cũng có thể, họ có tâm lý hưởng thụ, chỉ thích làm một công việc nhàn nhã. Tuy nhiên theo mình nghĩ, tâm lý này chỉ có ở người chưa lập gia đình riêng, chỉ sống cho riêng bản thân nên họ không gặp nhiều vấn đề tài chính".

Đồng ý với những chia sẻ của chị Trang, chị Ngọc khẳng định tư duy đi làm chỉ chờ cuối tháng nhận lương, không nỗ lực là lỗi thời và không phù hợp với xu thế hiện đại. Hơn nữa, chị cho rằng, từ tuổi 30 trở đi, dù là nam hay nữ cũng đang ở độ chín của sự nghiệp, là thời điểm thích hợp để phấn đấu nhiều gấp đôi tuổi trẻ và hoàn thành những mục tiêu lớn.

"Bản thân mình là người đã có gia đình riêng, mình hiểu thế nào là áp lực cơm áo gạo tiền trong hôn nhân. Những xung đột hôn nhân phần nhiều xuất phát từ tiền bạc, vì mối lo tiền tháng này không đủ chi cho các khoản sinh hoạt. Guồng quay cuộc sống chưa bao giờ ngừng, nên chắc chắn mình không muốn chỉ dừng ở mức ổn định. Với cá nhân mình, có thể không phấn đấu chức vụ nhưng phải luôn cố gắng làm việc chăm chỉ để tăng thu nhập. Mình nghĩ ai đã lập gia đình rồi cũng sẽ có chung quan điểm này", chị Ngọc chia sẻ.

Muốn về hưu an nhàn, ngoài 30 tuổi là độ tuổi đẹp để cố gắng

Ở độ tuổi ngoài 30, không hẳn già nhưng cũng không còn quá non trẻ. Chẳng phải tự nhiên mà ai cũng khẳng định đây là dấu mốc để phấn đấu trong sự nghiệp hoặc ít nhất lựa chọn mốc tuổi này để đặt ra một mục tiêu nào đó cần hoàn thành.

Cả anh Quang Tùng, chị Huyền Trang và chị Ngọc đều cho rằng lợi thế của những người bước sang tuổi "băm" chính là tầm nhìn, kinh nghiệm, những mối quan hệ tích lũy trong thời gian dài trước đó mà những người trẻ không có được. Chính vì vậy, đây lại là độ tuổi cần phải tăng tốc, không ngừng phát triển bản thân chứ không phải tự thưởng cho mình sự nhàn hạ vì nghĩ bản thân đã quá vất vả khi ở tuổi hăm mấy.

30 tuổi đi làm không cần nỗ lực nữa là tư duy lỗi thời hoặc nhà có điều kiện - Ảnh 2.

Với Quang Tùng, anh vẫn đặt mục tiêu phát triển bản thân nhiều hơn khi ngoài 30 tuổi (Ảnh: NVCC)

"Quan điểm của mình thì độ tuổi này chưa phải lúc để nghỉ ngơi. Mình nghĩ ai cũng muốn cuộc sống tốt hơn từng ngày. Vì nhìn chung, tiền bạc hay quyền lực là 2 thứ mà con người luôn theo đuổi. Với thực tế của mình, mình còn nhiều nhiệt huyết lắm. Công việc hiện tại của mình là tổ chức sự kiện nhưng mình đặt mục tiêu ngoài 30 phải phát triển nhiều hơn trong kinh doanh.

Mặc dù mình biết nếu chọn hết mình cho công việc, đôi khi sẽ không còn thời gian cho gia đình và bản thân. Để cân bằng được công việc và gia đình mình phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng với mình, khi vào công việc sẽ dành hết 100% tâm trí để hoành thành thật tốt. Có đôi lúc phải lựa chọn, hi sinh một chút vì mình vẫn còn trẻ, nếu muốn sau này bình yên hơn thì giờ phải không ngừng cố gắng", Quang Tùng bày tỏ.

Chị Ngọc cho biết, từ khi là sinh viên mới ra trường, chị đã tìm được động lực để đặt ra những mục tiêu cho tuổi 30. Đến hiện tại, khi đã hoàn thành gần hết, chị tiếp tục tạo cho bản thân những dấu mốc mới hơn.

Chị Ngọc cho hay: "Chia sẻ thật, bao năm qua mình chưa từng sống bằng 1 nguồn thu nhập. Tức là ngoài mức lương của công việc chính, bao giờ mình cũng xây dựng thêm ít nhất 3 nguồn thu nhập thụ động. Mình nghĩ đơn giản, chỉ có nỗ lực làm việc, chăm chỉ lao động mới thu được kết quả xứng đáng để tương lai không bao giờ hối tiếc về tuổi trẻ đã không làm việc và cống hiến hết mình.

Hơn nữa, nếu ai quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch hưu trí cho tuổi già, thì tuổi 30 này càng phải cố gắng hơn gấp 3-5 lần bình thường để có tuổi già an vui, thịnh vượng tài chính ở tuổi 50. Đấy chính là lý do, vì sao bạn sẽ cần phải "cày" nhiều hơn nữa để đạt được các mục tiêu tài chính. Khi tài chính bạn khỏe, thì tâm trí bạn cũng khỏe theo, tự do theo đuổi những gì mình mong muốn".

30 tuổi đi làm không cần nỗ lực nữa là tư duy lỗi thời hoặc nhà có điều kiện - Ảnh 3.

Theo chị Ngọc, muốn về hưu an nhàn thì tuổi 30 phải cố gắng gấp 3-5 lần (Ảnh: NVCC)

Không có công ty hay sếp nào muốn trả lương cho những người chỉ đi làm qua ngày

Có một sự thật thế này, công ty không phải là viện dưỡng lão, họ không thể nuôi những người lười biếng, không thể nuôi những người tụt hậu và càng không thể nuôi những người không có đóng góp. Nhũng người sau 30 tuổi, không chịu thay đổi và trở nên tự lập mà vẫn thảnh thơi như những ngày tháng 20 tuổi, nhất định sẽ trở thành cái gai trong mắt công ty.

Chị Hằng Nga (31 tuổi) đang làm trưởng bộ kinh doanh của công ty công nghệ tại Hà Nội chia sẻ: "Công ty mình có khoảng trên 50% nhân sự ở độ tuổi 30 trở lên. Để so sánh mức độ cống hiến giữa các nhân sự trên 30 tuổi với các nhân sự trẻ nói chung thì khá khó khăn do mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau.

Nhưng ở công ty mình mọi người đều có KPI cá nhân, mọi người đều cần cố gắng để đạt hoặc vượt KPI. Theo mình, những người có tâm lý đi làm qua ngày là do họ nghĩ bản thân đã làm việc ở công ty đủ lâu, đủ kinh nghiệm nên không cần cố gắng. Tuy nhiên, không công ty hay sếp nào muốn duy trì trả lương cho những người chỉ đi làm hời hợt như vậy. Mỗi công ty đều có tiêu chí đánh giá nhân viên riêng, nếu không bắt kịp thì rất dễ bị đào thải. Các bạn 30 tuổi trở đi lại càng nên ý thức được việc này".

30 tuổi đi làm không cần nỗ lực nữa là tư duy lỗi thời hoặc nhà có điều kiện - Ảnh 4.

Có lẽ không công ty hay sếp nào muốn trả lương cho những người có tâm lý đi làm qua ngày, không cống hiến hay cố gắng (Ảnh minh họa: Pinterest)

Cũng theo chị Nga, ở vị trí của một người quản lý và đang trong độ tuổi trên 30 nhưng chị vẫn muốn học hỏi thêm kiến thức và thậm chí kỳ vọng bản thân sẽ thăng tiến tiếp trên một cương vị mới. Trong cách quản lý nhân sự, chị Nga chưa từng gặp nhân viên làm việc uể oải, thiếu trách nhiệm: "Nếu gặp phải trường hợp đó, mình sẽ trao đổi và tìm hiểu kĩ hơn về mong muốn của họ để đưa ra giải pháp phù hợp. Trong tình huống không cải thiện, mình buộc phải gửi lên cấp trên và xem xét cho thôi việc".

"Quan điểm cá nhân của mình là phải làm việc hết sức thì mới càng quý trọng những lúc nghỉ ngơi, và phải có những phút chơi hết mình mới thấy ý nghĩa của việc có một công việc để làm. Nếu cuộc sống của bạn chỉ có công việc hoặc chỉ có rong chơi thì đều sẽ rất buồn tẻ. Vì vậy tiêu chí trước giờ của mình vẫn là làm hết sức chơi hết mình nên lúc làm ra làm chơi ra chơi. Và mình mong dù là người trên 30 tuổi hay người trẻ, một khi đi làm hãy yêu công việc và cống hiến nhiệt thành nhất vì chắc chắn bạn sẽ được nhận lại những thành quả xứng đáng", chị Nga nói thêm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,