30 tuổi có bao nhiêu tiền được gọi là “vững” về tài chính: Chuyên gia tiết lộ công thức giúp bạn tính được con số để an nhàn khi về già

Ánh Dương - Ánh Lê | 26-11-2022 - 20:25 PM

(Tổ Quốc) - Không có một con số cụ thể nào là mốc chung cho ngưỡng “vững về tài chính” của tất cả mọi người. Tuy nhiên, chuyên gia HSC sẽ tiết lộ cho bạn công thức tính ra con số giúp bạn sống an nhàn khi về già.

Sức khỏe tài chính tốt không phải trong ngày một ngày hai mà có thể hình thành, nó là sự đúc kết từ việc rèn luyện và tuân thủ nguyên tắc tài chính qua nhiều năm tháng. Một người có tài chính khỏe năm 20 tuổi không đồng nghĩa với việc tài chính người đó sẽ khỏe mãi đến năm 50 tuổi. Ngược lại, còn trẻ nhưng tài chính chưa tốt, chỉ cần chăm chỉ thực hành những "bài tập", sức khỏe tài chính sẽ dần được cải thiện.

Xung quanh những từ khóa: “Tự do tài chính”, “tài chính khỏe” hay “vững về tài chính”, câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất chính là: Một người 30 tuổi có bao nhiêu tiền được gọi là “vững” về tài chính?

Trên thực tế, không có 1 con số cụ thể là mốc chung cho tất cả bởi ngưỡng “vững về tài chính” của mỗi người là khác nhau, nhu cầu của mỗi người là khác nhau, người có nhu cầu rất lớn nhưng cũng có không ít người chẳng chi tiêu gì. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính có thể cho bạn một công thức để có thể xác định được con số cần cho bản thân để an nhàn khi về già.

30 tuổi có bao nhiêu tiền được gọi là “vững” về tài chính: Chuyên gia tiết lộ công thức giúp bạn tính được con số để an nhàn khi về già - Ảnh 1.

Theo đó, trong chương trình MONEYTalk số 47 với chủ đề "GYMONEY" được dẫn dắt bởi Host Hữu Trí, Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh Công ty CP chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho biết: “Thông thường, việc bao nhiêu tiền là đủ phụ thuộc vào chi tiêu của mình.”

Anh Phương đưa ra một trường hợp cụ thể: “Ví dụ bạn cần chi tiêu 30 triệu đồng mỗi tháng, hãy nhân số đó với 25 lần thì bạn sẽ biết được con số cho bạn sự ổn định về mặt tài chính. Lấy tích của 25 lần nhân với chi tiêu hàng tháng để đi đầu tư. Số tiền đó sẽ tự sinh sôi hằng năm lên khoảng 10% mỗi năm. Sau nhiều năm, với sức mạnh của lãi kép thì bạn sẽ được một số tiền lớn, đảm bảo cho sự an nhàn khi lớn tuổi.”

Theo đó, con số 25 lần thu nhập mà chuyên gia HSC đưa ra bắt nguồn từ quy luật 4% trong một nghiên cứu năm 1998 của 3 giáo sư đại học Trinity Texas khi phân tích danh mục đầu tư của nhiều người trong khoảng thời gian 1926 đến 1995. Kết quả cho thấy, với đại đa số các trường hợp, nếu mỗi năm rút 4% số tiền ban đầu thì đủ (hoặc dư) để sống thêm 30 năm. Các chuyên gia cho rằng khi bạn có số tiền gấp 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm tối thiểu của hộ gia đình thì bạn được coi là người có tự do tài chính. 

Anh Phương cho biết nếu để đưa ra một con số cụ thể là bao nhiêu tiền thì rất khó, vì nó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người và lấy dẫn chứng: “Có trường hợp các bạn dưới 30 tuổi lại kiếm tiền giỏi hơn những người trên 30, ví dụ như cầu thủ bóng đá hay ca sĩ. Họ đang ở đỉnh cao sự nghiệp nên càng trẻ thì họ sẽ kiếm tiền càng nhiều.

 Với những đối tượng này, số tiền họ kiếm được rất lớn. Khi đó, bài toán đưa ra không còn là cần biết bao nhiêu tiền nữa mà là sử dụng tiền như thế nào để chuyển trạng thái từ việc kiếm tiền một cách nhất thời thành bền vững, đảm bảo cho tương lai sau này. Ví dụ 1 cầu thủ bóng đá thì có thể làm 1 nơi đào tạo bóng đá, hoặc mua 1 mảnh đất để cho thuê sân bóng thay vì thuê 1 chiếc Ferrari để chạy, hay mua 1 Rolex để đeo.

30 tuổi có bao nhiêu tiền được gọi là “vững” về tài chính: Chuyên gia tiết lộ công thức giúp bạn tính được con số để an nhàn khi về già - Ảnh 2.

Còn đối với những người bình thường, tôi nghĩ ở tuổi 30, họ nên nghĩ đến việc đặt ra 1 mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng và mang tính nhân văn gắn với mục tiêu đó để chúng ta cố gắng đạt được nó. Ví dụ, năm 30 tuổi phải có 1 ngôi nhà để rước bố mẹ từ quê lên ở chung. Có được  mục tiêu như vậy thì chúng ta có thể chia nhỏ ra những mục tiêu khác và từng chút một chúng ta đạt được những mục tiêu nhỏ đó.”

Trước đó, vị chuyên gia này cũng từng đưa ra khái niệm của riêng mình về “tài chính khỏe”. Theo anh, tài chính khỏe sẽ được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Đầu tiên đó một nguồn thu nhập ổn định, tương đối tốt để đảm bảo cuộc sống. Tiếp đó là không bị mắc nợ và phải đảm bảo được trong trường hợp chẳng may chủ sở hữu không còn sức lao động nữa thì vẫn có 1 nguồn thu nhập thường xuyên. Cuối cùng, tài chính của bạn khỏe khi người đồng hành của bạn cũng phải khỏe. Bởi khi 2 người cùng phải nhìn về cùng 1 hướng thì gia đình mới có 1 sức khỏe tài chính ổn định.

30 tuổi có bao nhiêu tiền được gọi là “vững” về tài chính: Chuyên gia tiết lộ công thức giúp bạn tính được con số để an nhàn khi về già - Ảnh 3.

Theo Host Hữu Trí,  từ "khỏe" ở đây tùy thuộc vào tùy bản thân mỗi người. Anh lấy ví dụ bản thân anh nghĩ rằng khỏe là giữ được cân nặng hiện tại, cảm thấy thoải mái và có đủ sức khỏe để làm việc trong khi nhiều người lại cho rằng "khỏe" phải là chăm đi tập thể dục hay có thân hình 6 múi.

Trong khi đó, một vị khách mời khác của chương trình là nhà báo Bùi Hà lại cho rằng:“Tài chính khỏe là tài chính giúp cho chúng ta sống khỏe và ngay cả khi không khỏe thì cũng đủ tài chính để sống tốt.”

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.