30-35% dân số mắc bệnh trĩ: Dấu hiệu nhận biết là gì?

Lê Liên | 07-01-2023 - 09:04 AM

Ảnh: BVCC.

(Tổ Quốc) - Ở nước ta, bệnh trĩ gây ảnh hưởng từ 30-35% dân số và được điều trị theo nhiều cách thức khác nhau, tùy thuộc vào loại hình bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công 1 ca bệnh bằng phương pháp Whitehead. Đó là trường hợp của bệnh nhân Bùi T.T (nữ, sinh năm 1950, địa chỉ tại Phù Ninh - Phú Thọ). Bệnh nhân vào viện vì đi ngoài ra máu và sa trĩ. Bệnh biểu hiện nhiều năm nay, bệnh nhân đi ngoài ra máu thường xuyên, kèm theo xuất hiện khối sa vùng hậu môn, ban đầu sa ra khi đi ngoài, sau bệnh nhân đi lại cũng sa ra. Gần đây, bệnh nhân đi ngoài ra máu thành tia số lượng nhiều nên quyết định vào thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thời điểm vào viện: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm mạc nhợt nhiều, không phù, không sốt. Khi bác sĩ thăm khám phát hiện hậu môn có trĩ vòng sa độ IV kèm theo sa niêm mạc trực tràng, có điểm đang chảy máu. Nội soi đại tràng có hình ảnh Polyp đại tràng 0,8cm, trĩ nội. Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị hồng cầu khối 350ml trước khi phẫu thuật.

Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, thuận lợi. Kết quả giải phẫu bệnh lý: Trĩ hỗn hợp. Bệnh nhân sau mổ ổn định và được xuất viện sau 3 ngày phẫu thuật.

Theo các bác sĩ, bệnh trĩ - loại bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là người trưởng thành và người cao tuổi. Ở nước ta, bệnh trĩ gây ảnh hưởng từ 30 - 35% dân số. Các bác sĩ cho biết: Bệnh trĩ được tạo thành do các đám rối tĩnh mạch hậu môn trực tràng bị giãn ra, to dần lên và sa ra ngoài. Các triệu chứng của bệnh trĩ khi mắc phải bao gồm: chảy máu khi đại tiện, xuất hiện khối sa ra ngoài khi đại tiện, đau rát hậu môn.

Theo vị trí, trĩ được chia làm 2 loại: Trĩ nội nằm phía trong hậu môn, được bao phủ bởi niêm mạc. Trĩ ngoại nằm bên ngoài hậu môn được phủ bởi lớp da rìa hậu môn.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp là người trực tiếp tiến hành cắt trĩ, cho biết các phương pháp điều trị bệnh trĩ, nếu bệnh nhẹ (độ I, độ II) có thể điều trị bằng nội khoa hoặc thủ thuật. Điều trị nội khoa bằng các thuốc (thuốc tăng sức bền thành mạch như Daflon, viên đạn đặt hậu môn, thuốc nhuận tràng…); Điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ (rau, củ, quả …), uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày); ngâm hậu môn vào chậu nước ấm; Loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu…). Còn điều trị bằng các thủ thuật bao gồm: Tiêm xơ, thắt trĩ, quang đông hồng ngoại. Nếu bệnh nặng (độ III, độ IV) cần phải phẫu thuật bằng các phương pháp như Cắt trĩ Milligan – Morgan, Ferguson, Whitehead,…; phẫu thuật triệt mạch treo trĩ THD, phẫu thuật Longo,…