Không phải ngẫu nhiên mà Tomorrow hiện đang là một trong những tựa phim Hàn được quan tâm nhất thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, Tomorrow không đơn thuần là tựa phim tâm lý, giả tưởng mà tựa phim còn khắc họa những thông điệp sâu cay về các vấn nạn xã hội. Cùng điểm qua 3 lần Tomorrow phản ánh các vấn đề xã hội tiêu biểu tại Hàn Quốc.
1. Quốc gia có tỷ lệ tự sát hàng đầu thế giới
Vấn nạn tự tử từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc, khi đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. Trên thực tế, theo kết quả thống kê, trung bình có 40 người Hàn tự tử mỗi ngày. Vấn nạn tự tử ở Hàn Quốc trở thành nỗi "ám ảnh" của người dân xứ kim chi này. Lấy bối cảnh thực tế từ vấn nạn tự sát của Hàn Quốc, Tomorrow kể về những nỗ lực để cứu rỗi sự sống con người của các Thần Chết.
Chính vì tỷ lệ tự sát của con người quá cao mà Jumadeung - một thế giới ngầm của những vị thần và Thần Chết đã giao nhiệm vụ cho Phòng Quản lý Rủi Ro giúp những người tự sát tìm ra lý do để tiếp tục sự sống. Thực trạng nhức nhối này được cho là xuất phát từ một xã hội đầy áp lực. Trong Tomorrow, những áp lực này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là gánh nặng kinh tế, nạn bạo lực học đường hay ám ảnh với kỳ thi công chức.
2. Bạo lực học đường
Tiếp tục khai thác vấn nạn bạo lực học đường không mới nhưng luôn nóng trong xã hội xứ Hàn, Tomorrow mang đến góc nhìn mới mẻ hơn về vấn nạn này đối với khán giả. Không nhấn mạnh khai thác tình tiết bắt nạt giữa các cô cậu học sinh, Tomorrow tập trung phát triển tâm lý nhân vật hậu chấn thương tinh thần do bị bắt nạt. Giống như câu chuyện của cô biên kịch No Eun Bi trong tập 2, những đứa trẻ bị bạo lực học đường sẽ mãi chẳng thể trưởng thành. Họ sẽ mang theo mình những ám ảnh tâm lý mãi mãi. Trong thực tế, theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, trong năm 2010, tổng cộng có 353 học sinh từ 10 - 19 tuổi tự tử vì bạo lực học đường.
3. Ám ảnh kỳ thi công chức và áp lực đồng trang lứa
Ai cũng biết rằng Hàn Quốc là quốc gia có nền giáo dục tốt nhất và đồng thời cũng là đất nước đặt nặng vấn đề áp lực thi cử nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quốc gia này còn có nỗi ám ảnh khác với các kỳ thi tuyển công chức. Thực trạng nhức nhối này đã được khai thác qua câu chuyện của cậu bạn Jae Soo. Anh gần như đã dành cả thanh xuân để ôn luyện cho kỳ thi công chức nhưng đến cuối cùng vẫn không tìm được chỗ đứng trong xã hội. Jae Soo muốn từ bỏ cuộc sống vì không thể vượt qua được kỳ vọng của bản thân cũng như bị ảnh hưởng bởi "áp lực đồng trang lứa". Những người ở độ tuổi 20 hiện nay đang trải nghiệm áp lực này rõ ràng hơn ai hết, khiến cho chúng ta phải gồng mình chạy theo những chuẩn mực vô hình. Đối với Jae Soo, đó là con đường ôn luyện thi cảnh sát.
Những người muốn có việc làm nhà nước ở Hàn Quốc phải đi học nhiều nơi một lúc, dành ít nhất từ 9 tháng đến 1 năm để ôn luyện cho kỳ thi cam go. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ chọi cho 1 suất làm việc trong hệ thống Nhà nước ở Seoul là 1 chọi 80 khiến nhiều người choáng váng. Đây là kết quả của tình trạng thất nghiệp gia tăng và trọng bằng cấp ở Hàn Quốc.
Tomorrow lên sóng MBC mỗi thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần.
Nguồn ảnh: Tổng hợp