"Vì vẫn còn ở độ tuổi đang đi học, và bản thân muốn được học hỏi thêm nhiều hơn nên mình chưa tập trung hoàn toàn vào bánh. Hiện tại, mình chỉ coi làm bánh là nghề tay trái, chưa mở tiệm mà chỉ nhận làm tại nhà, tránh không mất nhiều thời gian và không ảnh hưởng tới việc học tập. Tính tới hiện tại, đã gần 3 năm, mình chỉ "làm bạn" với bột, bánh trong căn bếp của nhà và thường nhận đơn qua inbox Facebook rồi tư vấn thôi".
Tơn hào hứng kể về công việc đã gắn bó với mình trong những năm tháng học cấp 3. May mắn thay, cậu luôn nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ và thầy cô, bạn bè. Không đặt áp lực, Tơn coi công việc làm bánh như một sở thích để giải tỏa căng thẳng sau những buổi học. Hiện tại, vì đã hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên cậu có nhiều thời gian "ở lại" với bột, bánh hơn.
Không ngại đầu tư cho sở thích
Ban đầu, Tơn chỉ tập tành làm bánh bông lan đơn giản và chẳng có dự định gì. Sau đó, vì chẳng thể ngăn nổi sự tò mò, thích thú của bản thân với những chiếc bánh nên cậu đã tự lên mạng tìm hiểu trên Facebook, YouTube về các loại bánh mới, về những tác phẩm bánh nghệ thuật trên khắp thế giới... Những suy nghĩ, ý tưởng liên tục được cậu nuôi dưỡng, ấp ủ và được triển khai làm bánh từ những nguyên liệu ban đầu chỉ được mua ở các cửa hàng bán đồ làm bánh hay ở siêu thị mà thôi.
Tính đến thời điểm hiện tại, cậu tiết lộ mình đã chi xấp xỉ 110 triệu đồng cho các loại máy móc, dụng cụ làm bánh. Số vốn ban đầu được cậu trích ra từ tiền mừng tuổi, tiền tiết kiệm dành dụm trong nhiều năm, sau đó, cậu tiếp tục dùng một phần số tiền lời để đầu tư. Tơn khẳng định, làm bánh lời lãi nhiều nhưng cũng chiếm nhiều thời gian, công sức của cậu.
Trong năm học lớp 12, vì để chuẩn bị cho kì thi quan trọng trước mắt nên Tơn khá bận rộn, ngoài học chính trên lớp còn tham gia các lớp phụ đạo. Còn trong 2 năm lớp 10 và 11, vì không đi học thêm nhiều nên cậu có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khoá và trải nghiệm bên ngoài. Khi có thời gian rảnh, cậu bắt tay vào làm bánh và nhận trả các đơn hàng. Hầu hết các công đoạn làm bánh đều do một mình Tơn làm, từ nướng bánh cho tới trang trí, ba mẹ phụ cậu chuẩn bị nguyên liệu. Đặc biệt, bánh do bố cậu nhận ship hoàn toàn nên bánh cực hiếm khi bị hỏng.
Tơn bày tỏ: "Một ngày, sức mình có thể làm tối đa 20 chiếc nhưng mình chỉ nhận 8-10 chiếc để đảm bảo hình thức, chất lượng và có thời gian nghỉ ngơi nữa. Riêng các dịp lễ Tết, mình làm hết công suất, tập trung 100% vào sở thích. Có những chiếc bánh, mình mất hơn 1 ngày để làm, có những chiếc bánh "tốn" 7-9 tiếng đồng hồ. Vì làm một mình nên khó khăn nhất hiện tại là mình phải biết sắp xếp thời gian cho các đơn, triển khai sao cho kịp giờ khách nhận bánh. Khi tư vấn khách hàng, nhiều người muốn nói chuyện với mình để có được những chiếc bánh hoàn hảo nhất, bản thân mình cũng tư vấn nhiệt tình, giải đáp mọi thứ nên khách hàng thích!".
Luôn thoải mái với khách hàng, Tơn không quên chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình. Trước hết, cậu tiết lộ phải thật mở lòng, chân thành, thật thà, chiều khách hết sức, tư vấn thật nhiệt tình, nồng hậu, vui vẻ, và luôn phải mỉm cười dù câu hỏi của khách hàng có "muôn hình vạn trạng" ra sao. Giả thử, Tơn sẽ chẳng bao giờ khoe khoang chiếc bánh của mình ngon ra sao vì khẩu vị tuỳ từng người nhưng cậu sẽ đưa nhận xét theo số đông khách hàng: bánh ngon, bán chạy. Bên cạnh đó, cậu cũng áp dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
"Nằm lòng" tất cả công thức bánh
Từ một chàng trai tập tành học bánh trên YouTube, phải vứt vào sọt rác đến 50-60 chiếc bánh, hiện tại Tơn hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của mình. Cậu tự nhận chẳng nhớ chiếc bánh nào là khó nhất vì công thức nào cậu cũng nằm lòng. Đơn bánh giá trị lớn nhất mà cậu nhân được là một set bánh cho sinh nhật trẻ 1 tuổi, bao gồm bánh lớn (bánh chủ đề chính), cupcakes, bánh hình que kem, donut, macaron, lollipop, trị giá 9 triệu đồng.
Tơn kể lại: "Tất cả các hoạ tiết trang trí trên bánh đều ăn được, tuy nhiên thời gian mình làm ra cũng rất lâu. Riêng chiếc bánh lớn, mình làm mất hơn 12 tiếng và khách hàng chấp nhận bánh làm từ ngày hôm trước nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo. Bánh nhiều tầng phải sử dụng cốt bánh hơi hướng cookie xốp ẩm nhưng cấu trúc chắc chắn, bên ngoài không phết kem, họa tiết gồm hình các con thú, hình hoạt hình làm khá mất công. Điều khó nhất là mình phải làm cho chiếc bánh thật vững, tránh bị méo mó khi di chuyển".
Thu nhập trung bình 1 tháng của cậu khoảng 10-15 triệu đồng, có tháng nhận ít đơn bánh thu nhập chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Trong tương lai, Tơn cho hay bản thân cũng tính đến việc học thêm về nghề bếp để học hỏi thêm và nhất định sẽ chăm chỉ luyện tay nghề giỏi hơn để ghi tên mình vào các cuộc thi, vì đó vừa là trải nghiệm cá nhân vừa là uy tín của bản thân. Là một người có khả năng hội họa nên những chiếc bánh của Tơn thể hiện được tính phóng khoáng của người thợ làm ra.
Ngoài sở thích làm bánh, Tơn còn thích trồng dâu, "chơi" phong lan, bơi lội... Tiền lời kiếm được cậu dành để tự mua đồ, áo, mua đồ dùng hằng ngày và vẫn có một khoản để tiết kiệm và đầu tư tiếp, cũng như dùng để mua cây giống, cải tạo vườn, phục vụ sở thích cá nhân. Đối với khoản chi lớn, cậu vẫn muốn hỏi ý kiến gia đình trước khi quyết định.
"Vừa học vừa làm việc tốt, biết làm chủ tài chính, mình thấy bản thân khôn lớn hơn và kiên định, vững vàng hơn trong mọi tình huống. Bận rộn như vậy nhưng mình không quên chăm sóc sức khoẻ bản thân, mình làm việc nhiều nhưng vẫn luôn ngủ sớm và dậy đúng giờ, không ngủ muộn, không dậy muộn. Kinh doanh là tiền bạc nhưng bản thân cũng cần tìm thấy niềm vui trong công việc mình làm mỗi ngày", Tơn tâm sự.
Ảnh: NVCC.