3 lý do tại sao New Zealand là lựa chọn lý tưởng của những bà mẹ Việt học tiến sĩ

Quang Vũ | 27-01-2022 - 21:20 PM

(Tổ Quốc) - Làm nghiên cứu sinh đã khó, làm nghiên cứu sinh khi đã làm mẹ lại càng khó gấp trăm bề. Làm thế nào để những bà mẹ Việt tại New Zealand có đủ ý chí và động lực để hoàn thành cả hai trách nhiệm gian nan ấy?

Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho gia đình nghiên cứu sinh

Là bà mẹ trẻ của hai con nhỏ, chị Phan Ngọc Quỳnh Anh đang theo học năm cuối bậc học tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục tại trường Đại học Auckland, một trong những trường đại học lớn nhất tại New Zealand và có thứ hạng cao trên thế giới.

Chị bắt đầu chương trình học từ đầu năm 2019, ngay sau khi mới sinh bé thứ hai được 6 tháng, còn bé lớn mới được 1 tuổi rưỡi. Vì cả hai bé còn nhỏ như vậy, không thể thiếu vắng sự có mặt của người mẹ, nên chị Quỳnh Anh quyết định phải học ở nơi nào có chính sách mở đối với gia đình nghiên cứu sinh, và nhất là phải có hệ thống y tế - giáo dục – phúc lợi xã hội tốt cho trẻ em. Cuối cùng chị đã chọn New Zealand.

"Những đãi ngộ của chính phủ New Zealand dành cho nghiên cứu sinh quốc tế là ngang với công dân bình thường của họ. Khi con mình 3 tuổi trở lên, chính phủ hỗ trợ 50% chi phí trông trẻ, và từ khi con học lớp 1 đến hết lớp 13 thì con được miễn học phí hoàn toàn", chị Quỳnh Anh chia sẻ về việc được san sẻ những lo lắng và gánh nặng tài chính khi các con bắt đầu tới tuổi đi nhà trẻ.

3 lý do tại sao New Zealand là lựa chọn lý tưởng của những bà mẹ Việt học tiến sĩ - Ảnh 1.

Chị Quỳnh Anh cho biết, những lo lắng và gánh nặng tài chính của chị được san sẻ phần nào nhờ những chính sách ưu đãi của chính phủ New Zealand.

Môi trường học tập và phát triển tuyệt vời cho con

Cũng là bà mẹ của hai con, nhưng chị Phương Cao, hiện là nghiên cứu sinh năm cuối tại khoa Ngôn Ngữ Học Ứng Dụng của Đại học Victoria Wellington tại New Zealand, lại có một hoàn cảnh đặc biệt hơn. Con trai lớn của chị đã 21 tuổi và hiện là sinh viên năm cuối khoa Kiến trúc và Thiết kế của đại học Wellington. Còn con gái sau của chị thì được y học chẩn đoán mắc hội chứng chậm phát triển vận động và trí tuệ.

"Những năm còn trẻ, mình cũng có mong muốn đi học tiến sĩ, nhưng điều kiện và hoàn cảnh gia đình không cho phép. Nhưng mình luôn đam mê con đường nghiên cứu để thách thức năng lực bản thân, và mình cũng muốn là tấm gương học tập suốt đời cho con cái mình", chị Phương nói về lý do vì sao chị đi học tiến sĩ rất muộn so với nhiều người. Nhưng sớm hay muộn không bằng đúng thời điểm.

Sau khi chồng chị hoàn thành sự nghiệp phục vụ trong quân ngũ thì chị nhận được học bổng Victoria Doctoral Scholarship từ Đại học Victoria Wellington. Cân nhắc cả yếu tố sự nghiệp học tập của mình và tương lai của các con, chị cảm thấy nền giáo dục New Zealand là nơi tất cả học sinh, bất kể dân tộc, điều kiện kinh tế, khả năng của bản thân đều có thể phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. "Nhờ có chương trình giảng dạy được thiết kế mang tính cá nhân hóa, không hướng đến sự đua tranh hay so sánh điểm số của học sinh, học sinh trở nên tự tin vào bản thân hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của gia đình mình", chị Phương nói về yếu tố tiên quyết đã khiến chị chọn New Zealand.

Nếu như con trai chị được nhận học bổng bán phần từ chính trường Victoria nơi chị theo học tiến sĩ thì con gái của chị được tham gia một lớp học giáo dục đặc biệt của trường trung học Wellington. Chị Phương tự hào vì các con được hưởng nền giáo dục mà chị cũng đang được hưởng. Mỗi thành viên trong gia đình đều tìm được một vị trí phù hợp với mình, điều đó khiến chị Phương gọi đây là "quãng thời gian quý giá và ý nghĩa, cả nhà được sống cùng nhau, được trải qua những niềm vui, những thách thức chưa từng trải qua." Vào những kỳ nghỉ hay ngày cuối tuần, cả gia đình chị Phương lại đi chơi và ngắm phong cảnh tươi đẹp của New Zealand.

3 lý do tại sao New Zealand là lựa chọn lý tưởng của những bà mẹ Việt học tiến sĩ - Ảnh 2.

Thời gian học Tiến sĩ tại New Zealand với chị Phương (thứ hai từ phải qua) là quãng thời gian quý giá và ý nghĩa khi cả nhà được sống cùng nhau, được trải qua những niềm vui, những thách thức chưa từng trải qua.

Sự đồng hành ân cần từ người hướng dẫn và cộng đồng học thuật tại New Zealand

"Giáo sư hướng dẫn của mình chẳng bao giờ gây áp lực về chuyện học hành. Ngược lại, cô luôn bảo mình, con cái là quan trọng nhất, bài vở thì mai làm tiếp cũng được", chị Quỳnh Anh kể lại về trải nghiệm làm việc với các giáo sư hướng dẫn của mình. Các giáo sư cũng cho phép chị được thử sức với nhiều mảng nghiên cứu khác nhau và cho chị sự độc lập và tự do trong quá trình cấu trúc việc học và viết luận án.

Nhờ thế mà chị Quỳnh Anh liên tục có các xuất bản khoa học, sử dụng các phương pháp nghiên cứu mà nếu không có các cô gợi ý, chưa chắc chị đã nghĩ tới chuyện thử sức, trong khi đó, vẫn có rất nhiều kỷ niệm ý nghĩa trong những năm tháng quan trọng nhất trong sự phát triển của các con.

Ngoài ra, chị Quỳnh Anh luôn chủ động tìm kiếm các sự giúp đỡ khác nhau để nhanh chóng "gỡ rối" cho bản thân khi gặp "nút thắt": "Áp lực để hoàn thành dự án đến từ nhiều phía, nhất là với những nghiên cứu sinh có gia đình và con nhỏ. Vì vậy, mình luôn chủ động tìm kiếm và tiếp cận những nguồn hỗ trợ từ thư viện, các nhóm sinh viên trong trường, bạn bè cùng làm nghiên cứu,... Mình có những nhóm bạn nghiên cứu sinh cực kỳ thân thiết, cả các bạn người Việt Nam và các bạn quốc tế. Bọn mình luôn gắn kết, học hỏi kinh nghiệm từ nhau, cùng tạo thành một cộng đồng học thuật nho nhỏ, nương tựa chia sẻ cùng nhau".

Còn chị Phương Cao thì vẫn coi khoa Ngôn Ngữ Học Ứng Dụng như một ngôi nhà nhỏ, nơi các giáo sư luôn khích lệ trong mọi khía cạnh, không chỉ là lĩnh vực học thuật. Chị vẫn còn nhớ một lần con bị ốm, giáo sư khi biết chuyện đã động viên chị nghỉ phép để có thời gian ở bên con và gia đình: "Quá trình làm nghiên cứu sinh còn dài. Phương đừng gồng mình quá. Gia đình và sức khỏe là trên hết. Nhớ ngủ đủ và chăm sóc cho bản thân thật tốt, có thế thì mới lo cho việc nghiên cứu được". Lời khích lệ ấy là động lực tinh thần để chị Phương cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

3 lý do tại sao New Zealand là lựa chọn lý tưởng của những bà mẹ Việt học tiến sĩ - Ảnh 3.

Với chị Phương, khoa Ngôn Ngữ Học Ứng Dụng tại Đại học Victoria Wellington như một ngôi nhà nhỏ, nơi các giáo sư luôn khích lệ trong mọi khía cạnh.

Webinar "Ask New Anything: The PhD Journey" được tổ chức bởi Cơ quan Giáo Dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) góp phần giải đáp thắc mắc và giúp người học chuẩn bị cho hành trình chinh phục bậc học tiến sĩ. Độc giả có thể xem lại chương trình được phát sóng trực tiếp tại link: https://bit.ly/webinarlivestream-NZ-PhDedition.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.