Có thói quen ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe dạ dày, gia tăng sức đề kháng trước các loại vi khuẩn.
Helicobacter pylori (HP) là vi khuẩn có thể sinh sống và phát triển ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Đây là loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, tá tràng. Bên cạnh đó, vi khuẩn HP cũng có thể gây ra các bệnh như là khó tiêu, trào ngược dạ dày, gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày...
Việt Nam thuộc vùng có tỷ lệ nhiễm Hp cao, khoảng > 70% ở người lớn. Ăn uống và lây trực tiếp qua nước bọt là hai đường lây nhiễm chủ yếu. Tại những nơi có điều kiện vệ sinh kém, vi khuẩn tồn tại ngay trong nước và thức ăn.
Theo Aboluowang, có 3 loại thực phẩm là ổ chứa vi khuẩn Helicobacter Pylori, tạo điều kiện cho chúng sinh sôi phát triển mà chúng ta cần lưu ý:
1. Đồ muối chua
Ngày nay, nhiều người thích ăn dưa muối để kích thích vị giác, tăng cảm giác thèm ăn, giúp bữa ăn thêm ngon miệng hơn. Tuy nhiên, đồ muối chua thường có hàm lượng muối rất cao. Sử dụng nhiều loại thực phẩm này sẽ khiến hệ thống tự bảo vệ của dạ dày, ruột bị phá hủy. Điều này tạo điều kiện để vi khuẩn HP xâm nhập.
2. Đồ ăn tại các hàng quán vỉa hè
Các món ăn đường phố tuy hấp dẫn về hương vị nhưng tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh. Ảnh: Pinterest
Đôi khi, chúng ta muốn thay đổi menu thường ngày từ các món nhà làm sang món ăn được chế biến sẵn ngoài hàng, quán. Ở thời điểm này, nhiều người lựa chọn các quán ăn vỉa hè vừa có giá cả phải chăng, vừa thuận tiện đi đường.
Tuy nhiên, mua thực phẩm chế biến sẵn ở ngoài đường thường khó có thể đảm bảo an toàn vệ sinh. Đặc biệt, các hàng quán vỉa hè thường tiếp xúc với nhiều bụi bặm, là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tồn tại và phát triển trong thức ăn. Khi thức ăn được nạp vào cơ thể, các loại vi khuẩn nguy hại ví dụ như HP cũng theo đó tiến vào dạ dày và gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe.
3. Các thực phẩm tái, sống
Hiện nay, nhiều người thích ăn các loại thực phẩm sống như sashimi, sushi, hải sản sống, trứng trần… Tuy hấp dẫn về mặt hương vị nhưng các loại thực phẩm này chưa được tiệt trùng hoặc nấu chín hoàn toàn. Đó là điều kiện mà rất nhiều vi khuẩn có thể tồn tại.
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm sống có nguồn gốc từ động vật thường dẫn tới nhiều bệnh liên quan qua đường ăn uống, điển hình là ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, những người có hệ miễn dịch yếu, tiêu hóa không tốt thì không nên sử dụng các thực phẩm tái, sống, tránh tạo điều kiện biến dạ dày thành “ổ chứa” vi khuẩn.
Những người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori thường có 3 triệu chứng:
1. Khó tiêu
Triệu chứng điển hình của bệnh nhân gặp vấn đề dạ dày là giảm nhu động dạ dày, tiêu hóa kém, thường xuyên bị đầy bụng trong vài giờ sau khi ăn. Quá trình tiêu hóa khó khăn này có thể liên quan đến sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter Pylori. Nếu bạn thường xuyên có triệu chứng đầy bụng, khó tiêu sau bữa ăn thì có thể bệnh dạ dày đã “tìm đến cửa”.
2. Đau bụng hoặc nóng rát trong bụng
Khi vi khuẩn HP xâm nhập dạ dày thông qua đường ăn uống hoặc trực tiếp qua nước bọt, đe dọa sức khỏe dạ dày, triệu chứng rõ rệt nhất chính là những cơn đau dai dẳng. Nếu có cảm giác trong bụng nóng rát, thường đau liên tục thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể.
3. Mùi hôi trong miệng
Trên thực tế, bệnh hôi miệng là triệu chứng ban đầu của khá nhiều căn bệnh liên quan đến đường ruột, hệ tiêu hóa. Nếu tình trạng hôi miệng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Rất có thể vi khuẩn Helicobacter Pylori trong dạ dày đã phá hủy hệ thống tự bảo vệ, khiến tình trạng viêm loét xảy ra.
Bệnh dạ dày rất dễ “tập trung” vào 3 nhóm người
1. Những người thích ăn đồ nóng
Nếu thức ăn, đồ uống vượt quá 60 độ C thì niêm mạc dạ dày sẽ bị tổn thương. Từ đó, hệ thống tự bảo vệ của dạ dày và đường ruột suy giảm khiến các căn bệnh liên quan tới đường tiêu hóa dễ xuất hiện hơn.
Mọi người chỉ nên ăn, uống ở nhiệt độ vừa phải, không gây bỏng cho khoang miệng và hệ tiêu hóa.
2. Những người thích uống rượu
Rượu bia có thể hủy hoại sức khỏe, tổn thương lục phủ ngũ tạng của cơ thể. Trong đó, những người uống nhiều rượu bia lâu ngày có nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày, phá hủy môi trường bên trong, làm giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày.
3. Những người không ăn đúng giờ
Công việc bận rộn thường khiến mọi người bỏ bữa, không ăn uống đúng giờ. Nếu thói quen này duy trì trong thời gian dài thì nhịp hoạt động của đường tiêu hóa sẽ bị rối loạn. Hệ thống điều tiết tiêu hóa của cơ thể cũng suy giảm chức năng. Đây là điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn có hại cho dạ dày, ví dụ như HP, phá hoại sức khỏe của bạn.
*Theo Aboluowang