3 loại rau dại này đang vào mùa, dùng nấu các món ăn có tác dụng thanh lọc ruột và giải độc, tăng cường hệ miễn dịch

Huệ Lan (T/h) | 09-02-2025 - 22:34 PM

(Tổ Quốc) - Vào thời điểm này, một số loại rau dại theo mùa đang vào mùa, chúng không chỉ tươi mát, ngon miệng mà còn có tác dụng thanh lọc ruột, giải độc, mang lại luồng gió mới cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa phục hồi.

Trong dịp Tết Nguyên đán, những bữa tiệc thịnh soạn cho phép chúng ta thưởng thức đủ loại cá và thịt ngon. Tuy nhiên việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo, lượng calo cao trong thời gian dài thường khiến cơ thể cảm thấy nặng nề và hệ tiêu hóa dễ bị quá tải. Khi mọi người quay lại chế độ ăn uống bình thường sau kỳ nghỉ lễ, nhiều người bắt đầu tìm kiếm những thực phẩm thanh nhẹ, lành mạnh để giúp làm sạch ruột, giải độc và duy trì sức khỏe. Vào thời điểm này, một số loại rau dại theo mùa đang vào mùa, chúng không chỉ tươi mát, ngon miệng mà còn có tác dụng thanh lọc ruột, giải độc, mang lại luồng gió mới cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa phục hồi.

1. Rau bồ công anh - Món ăn gợi ý: Trứng rán rau bồ công anh

Đông y sử dụng cây bồ anh để chữa chứng chán ăn, khó chịu dạ dày, đầy hơi, sỏi mật, đau khớp, đau nhức cơ bắp, bệnh chàm, mẩn ngứa, bầm tím, viêm vú, thông tắc tia sữa. Tác dụng của bồ công anh còn giúp lợi tiểu và làm thuốc nhuận tràng để tăng co bóp thành ruột.

Nguyên liệu: 200g lá bồ công anh tươi, 4 quả trứng gà, 2 tép tỏi, một ít muối, một ít dầu ăn, một ít bột tiêu, một ít tinh chất cốt gà, một ít rượu nấu ăn.

Cách làm món trứng rán rau bồ công anh

Bước 1: Rau bồ công anh sau khi hái về bạn đem rửa sạch và ngâm trong nước muối pha loãng 10 phút để loại bỏ tạp chất. Sau đó rửa sạch lại rau một lần nữa rồi để ráo. Thái nhỏ rau bồ công anh rồi cho vào âu. Tiếp theo bạn đập trứng vào âu đựng rau bồ công anh, thêm chút muối, bột tiêu, tinh chất cốt gà, rượu nấu ăn rồi dùng đũa trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện. 

Bước 2: Bóc bỏ vỏ tỏi, đập dập rồi băm nhỏ, để riêng sử dụng sau. Đun nóng chảo, cho một lượng dầu ăn thích hợp vào. Khi dầu nóng khoảng 60% thì bạn thêm tỏi vào phi thơm. Đổ trứng trộn rau bồ công anh vào chảo, khuấy nhanh để trứng bao bọc đều lá bồ công anh. Chiên cho đến khi trứng và rau bồ công anh chín hoàn toàn.

2. Rau đắng - Món ăn gợi ý: Canh rau đắng nấu tôm

Đúng như cái tên, rau đắng có vị đắng, tính bình. Theo Đông y, rau đắng có thể giải độc cơ thể, tiêu viêm, cầm tiêu chảy, trị mụn và diệt ký sinh trùng có trong đường ruột rất tốt. Nhiều sách Y học cổ truyền đã ghi nhận về tác dụng rau đắng giải độc cơ thể, tiêu viêm, sát trùng và nhuận gan. Vì vậy, rau đắng được sử dụng nhiều để điều trị các bệnh lý như: Táo bón, kiết lỵ; Tiểu buốt, tiểu rắt; Viêm bàng quang; Sỏi thận, viêm thận phù nề,...

Nguyên liệu: 300g rau đắng, 100g tôm tươi, 2 củ hành tím, 1 thìa canh dầu ăn, gia vị, tinh chất cốt gà, một chút bột tiêu.

Cách làm món canh rau đắng nấu tôm

Bước 1: Rau đắng nhặt bỏ rễ, loại bỏ tạp chất sau đó đem rửa sạch rồi cắt khúc. Tôm rửa sạch, bóc bỏ vỏ và đầu, rút chỉ lưng sau đó thái miếng nhỏ. Hành tím bóc bỏ vỏ, thái lát hoặc băm nhỏ tùy thích. Ướp tôm với chút gia vị, bột tiêu trong khoảng 15 phút.

Bước 2: Đặt nồi lên bếp, đun nóng sau đó cho chút dầu ăn vào rồi thêm hành và phi thơm. Tiếp đó bạn cho tôm vào đảo nhanh tay trong khoảng 2 phút ở mức lửa lớn. Khi tôm đổi màu thì thêm lượng nước vừa phải cùng chút gia vị, tinh chất cốt gà, khuấy nhẹ để gia vị tan hết. Khi nước sôi trở lại thì bạn cho rau đắng vào, nấu khoảng 10 phút là rau chín, tắt bếp, lấy canh ra tô.

3. Rau sam - Món ăn gợi ý: Rau sam trộn

Rau sam là loại thực vật thân cỏ sống lâu năm, chúng thường được mọc dại trong vườn hoặc các mảnh đất trống. Vào mùa xuân là thời điểm rau sam sinh trưởng và phát triển mạnh. Rau sam chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, A, acid folic, sắt và choline. Rau sam không chứa chất béo hay cholesterol xấu nên được xem là loại rau thanh đạm lý tưởng. Hàm lượng kháng sinh tự nhiên trong dược liệu có công dụng sát khuẩn, điều trị các bệnh lý như viêm đường tiết niệu, mẩn ngứa ngoài da, giun sán đường ruột và các chứng lỵ...; Rau sam có khả năng tiêu thũng giải độc nên có công dụng điều trị chứng đầy bụng, trướng bụng, mụn nhọt mẩn ngứa ngoài da, sưng đau ngoài da...

Nguyên liệu: 300g rau sam tươi, một ít tép tỏi, một ít ớt đỏ (tùy thích), một ít nước tương, một ít giấm, một ít dầu ăn, một ít đường , một ít muối, một ít dầu mè, một ít nước dùng gà (tùy thích)

Cách làm món rau sam trộn

Bước 1: Rau sam tươi cắt bỏ rễ, nhặt bỏ lá già, tạp chất rồi rửa sạch. Để giữ rau sam được tươi, hãy rửa nhẹ nhàng để tránh làm hỏng lá. Cho lượng nước vừa đủ vào nồi, đun sôi thì thả rau sam vào chần. Thời gian chần nên kiểm soát trong khoảng 1-2 phút, không nên chần quá lâu để giữ được độ giòn và mềm của rau sam.

Bước 2: Vớt rau sam đã chần ra, ngâm vào chậu nước lạnh để hạ nhiệt. Bước này sẽ giúp rau sam giữ được màu xanh và không bị mềm do tiếp tục "om" nóng. Băm nhỏ tỏi và ớt rồi cho vào bát tô. Tiếp theo cho nước tương, giấm, đường, muối, dầu mè và trộn đều trong bát. Tùy theo khẩu vị cá nhân, bạn có thể thêm lượng nước cốt gà thích hợp để tăng thêm hương vị.

Bước 3: Sau khi rau sam nguội, bạn vớt ra, vắt bớt nước và cho vào âu trộn. Tiếp theo bạn thêm nước sốt vào. Dùng đũa trộn nhẹ tất cả các nguyên liệu, đảm bảo mỗi cọng rau sam đều được phủ đều nước sốt. Bạn có thể ướp trong vài phút để món ăn có hương vị đậm đà hơn. Cho hỗn hợp rau sam ra đĩa, rắc thêm chút hành lá hoặc rau mùi cắt nhỏ để trang trí và trình bày.

Việc lựa chọn các loại rau dại theo mùa không chỉ giúp đào thải độc tố tích tụ trong cơ thể mà còn cung cấp nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào, giúp phục hồi chức năng tiêu hóa bình thường. Bằng cách bổ sung những thành phần lành mạnh này, chúng ta có thể cân bằng hiệu quả gánh nặng ăn quá nhiều thịt, cá trong dịp Tết và lấy lại cảm giác nhẹ nhõm. Hãy luôn đưa những thành phần tự nhiên, tươi ngon này vào thực đơn thường xuyên để giúp gia đình bạn lấy lại trạng thái tốt nhất sau kỳ nghỉ, trẻ hóa cơ thể và duy trì sức sống cũng như sức khỏe.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM