Theo Viện Cleveland, chứng không dung nạp lactose bắt nguồn từ sự thiếu hụt lactase, một loại enzyme được sản xuất bởi ruột non có tác dụng phân hủy lactose. Mắc phải tình trạng này do bẩm sinh là hiện tượng khá hiếm. Hầu hết mọi người phải đối mặt với chứng không dung nạp lactose khi đã trưởng thành, uống ít sữa hơn thời nhỏ nên lượng lactase cơ thể tạo ra giảm theo.
Trên thực tế, con người sản xuất ra ít lactase hơn khi già đi. Theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), khoảng 65% người trên toàn thế giới gặp vấn đề về tiêu hóa do lactose ở tuổi trưởng thành.
Mặc dù đau bụng sau khi uống sữa có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng không dung nạp lactose, không phải tất cả mọi người mắc tình trạng này đều gặp cùng một triệu chứng. Theo Rabia A. De Latour, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tiêu hóa tại Tổ chức NYU Langone Health ở New York, những triệu chứng này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại thực phẩm tiêu thụ và lượng lactose trong thức ăn.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang mắc chứng không dung nạp lactose và lời khuyên đến từ chuyên gia:
Tiêu chảy
Tiêu chảy sau khi uống sữa hoặc thực phẩm làm từ sữa là triệu chứng cơ bản của không dung nạp lactose. Chuyên gia Rabia giải thích, do thiếu hụt enzyme lactase, lượng đường không được phân hủy sẽ hút nước vào ruột và gây tiêu chảy.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn và chất béo không lành mạnh cũng có thể làm mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và gây ra tình trạng này.
Buồn nôn, đau bụng và đầy hơi
Khi không thể tiêu hóa lactose, cơ thể sẽ tích tụ loại đường này ở ruột già, nơi vi khuẩn tại đây có thể phân hủy. Chuyên gia Rabia cho biết, quá trình này làm giải phóng khí gây đầy hơi và đau bụng.
Các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn tiêu hóa, bệnh Crohn, viêm đại tràng, bệnh celiac cũng có thể gây ra tình trạng buồn nôn đi kèm với đau bụng.
Táo bón
Chuyên gia Rabia giải thích, khi vi khuẩn trong ruột già phân hủy lactose, chúng sẽ tạo ra khí methan có khả năng làm chậm chuyển động của ruột. Hiện tượng này khiến ruột già hút đi nhiều nước hơn từ phân và gây ra táo bón.
Nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose, tình trạng khó chịu có thể kéo dài từ 30 phút đến 2 ngày sau khi ăn thực phẩm gây kích thích. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết chúng sẽ biến mất trong vòng vài giờ.
Phải làm gì khi mắc không dung nạp lactose?
Đầu tiên, mọi người nên theo dõi việc sử dụng những sản phẩm làm từ sữa, ngừng tiêu thụ ngay khi cảm thấy khó chịu ở dạ dày hoặc gặp phải vấn đề về tiêu hóa. Dựa vào đó, theo Viện Mayo, loại bỏ thực phẩm gây kích thích ra khỏi chế độ ăn trong vài ngày để xem các triệu chứng có cải thiện hay không.
Hiện nay, xét nghiệm hơi thở hydro là một trong những biện pháp hiệu quả giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Bạn sẽ được đo hydro trong hơi thở sau khi uống đồ uống chứa nhiều lactose. Dư thừa hydro là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tiêu hóa và hấp thụ lactose không đúng cách.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể kiểm tra lượng glucose trong máu để xác định bạn có đang phải đối mặt với tình trạng này không. Lượng đường không tăng đồng nghĩa với việc cơ thể không tiêu hóa và hấp thụ lactose.
Làm thế nào để điều trị chứng không dung nạp lactose?
Xác định loại thực phẩm nào có thể và không thể tiêu thụ được là bước đầu tiên. Đồng thời, kết hợp sữa với một số món ăn khác cũng giúp kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng về đường ruột. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần dùng thuốc bổ sung enzyme lactase để hỗ trợ tiêu hóa thực phẩm và tránh khó chịu trong dạ dày sau khi dùng các sản phẩm làm từ sữa.
Thực phẩm nào có thể thay thế cho sữa?
Không ít người cảm thấy lo lắng vì hạn chế tiêu thụ sữa sẽ mất đi khả năng hấp thụ nhiều canxi. Trên thực tế, bơ và sữa là một trong những nguồn cung cấp dồi dào khoáng chất cần thiết cho sức khỏe xương.
May thay, bạn vẫn có thể bổ sung chất dinh dưỡng này thông qua các loại thực phẩm khác như cá mòi, cải xoăn, cải xanh, đậu phụ, đậu nành và sữa hạnh nhân. Nếu có điều kiện, bạn cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc tăng cường canxi thông qua chế độ ăn uống.
(Nguồn: Livestrong)