Hôm nay (31/3), chỉ thị về việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải hạn chế tối đa việc ra ngoài, ít nhất cho tới ngày 15/4.
Với thông báo này, có lẽ hầu hết dân công sở cũng sẽ chuyển sang hình thức làm việc online tại nhà trong những ngày sắp tới.
Nhưng ở nhà một ngày thì vui, ở nhà nửa tháng thì chưa biết được! Quỹ thời gian đủng đỉnh hơn, cộng thêm việc không được ra ngoài, chắc hẳn dân văn phòng những ngày này đều cảm thấy có chút "cuồng chân" và mong muốn giải tỏa.
Tuy nhiên, khi hàng quán, khu vui chơi, trung tâm thương mại đều đã đóng cửa, cách giải tỏa hợp lý nhất trong những ngày này có lẽ chính là shopping online. Vậy phải làm sao để việc mua sắm online thực sự mang lại niềm vui và không biến thành nỗi lo "chẳng biết sống sao cho tới kỳ lương tiếp"?
3 bí quyết đơn giản sau đây sẽ giúp bạn hạn chế tối đa tình trạng phải ăn mì tôm qua ngày vì đã trót "vung tay quá trán":
1. Đặt khung giờ mua sắm online
"Thay vì truy cập các trang mua sắm online và dành hàng giờ mơ màng ngắm nghía những món đồ bắt mắt, bạn nên đặt cho mình một khung giờ mua sắm nhất định và nghiêm túc tuân thủ theo nó. Điều này không chỉ giúp bạn hạn chế việc mua những món đồ không cần thiết, mà còn cải thiện mức độ tập trung cho công việc trong khoảng thời gian làm việc tại nhà nữa đấy!
Tôi nghĩ 2 giờ/tuần cho việc mua sắm online là hợp lý. Tuy nhiên, con số này phụ thuộc rất lớn vào khoản tiền bạn hiện có.
Mua sắm mang lại niềm vui nhưng trong bối cảnh này, tôi nghĩ chúng ta đều nên tiết kiệm một chút." - Sara Skirboll, Chuyên gia mua sắm của RetailMeNot chia sẻ trên CNBC.
2. Hãy đợi 24 giờ trước khi quyết định thanh toán
Mua sắm online cho phép bạn thêm bất cứ món đồ nào bạn thích vào giỏ hàng mà chưa cần phải thanh toán ngay sau đó. Nếu bạn cảm thấy bản thân chưa đủ "mạnh mẽ" để chống lại sức hút của những món hàng trên các trang web mua sắm online, hãy cứ thoải mái thêm chúng vào giỏ hàng của mình.
Nhưng đừng thanh toán ngay sau đó. Bạn nên đợi ít nhất 24 giờ trước khi thao tác các bước mua hàng tiếp theo.
Nếu nhu cầu của bạn với những món hàng đó chỉ bắt nguồn từ cảm giác buồn chán nhất thời, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra chúng không có nhiều giá trị với cuộc sống của mình.
Để chắc chắn hơn về điều này, bạn cũng nên tự hỏi bản thân hai câu hỏi: "Sản phẩm này giúp cuộc sống của bạn nhàn hạ hơn được đến mức nào?" và "Số tiền bạn phải bỏ ra cho nó chiếm bao nhiêu % số tiền tiết kiệm của bạn trong 1 tháng?"
3. Tự tìm hiểu, nghiên cứu trước khi mua hàng
Nếu bạn đã có dự định mua một món đồ, hãy so sánh các trang web khác nhau cùng bán món đồ bạn cần trước khi quyết định đặt mua. Hãy kiểm tra các nhà bán lẻ khác và đảm bảo bạn sẽ nhận được ưu đãi tốt nhất trước khi nhấp vào ưu đãi đầu tiên mà bạn thấy.
Theo Sara Skirboll, đây là hành động mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng nên thực hiện với việc mua sắm nói chung, chứ không chỉ riêng mua sắm online.
Ngoài ra, bà còn chia sẻ thêm rằng: "Trong một số ngành công nghiệp, giá có xu hướng giảm vào những thời điểm nhất định trong năm. Nếu bạn muốn tiết kiệm tiền, đôi khi thời điểm bạn mua sắm sẽ quan trọng hơn nơi bạn mua sắm."
Với 3 lời khuyên này từ Chuyên gia mua sắm - Sara Skirboll, mong rằng dân công sở, đặc biệt là hội chị em phụ nữ sẽ có những trải nghiệm mua sắm thú vị, không âu lo và không phải "bấm bụng" ăn mỳ tôm qua ngày.
Và đừng quên hạn chế tối đa việc ra ngoài, tiếp xúc với người khác trong khoảng thời gian này. Bởi dịch bệnh sẽ dễ dàng và nhanh chóng được kiểm soát hơn nếu mỗi chúng ta đều có ý thức tự cách ly.