Trong những năm gần đây, Youtuber nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) Quan Thiều Văn đã để dành được hũ vàng đầu tiên sau khi tốt nghiệp ở tuổi 23. Với các phương pháp quản lý tiền bạc của mình, anh đã nắm trong tay 1 triệu TWD, tương đương khoảng 779 triệu VNĐ.
Quan Thiều Văn là một Youtuber nổi tiếng thường chia sẻ các mẹo quản lý tài chính cá nhân. Thực ra, anh đã biết rõ tầm quan trọng của độc lập tài chính ngay từ khi còn học cấp 3 vì định hướng tương lai của mình không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Điều đó khiến anh quyết tâm tự đi làm để kiếm tiền đóng học phí, đồng thời làm thủ tục vay vốn sinh viên để ăn học.
Dựa vào nỗ lực của bản thân, chăm chỉ làm việc cộng với những phương pháp quản lý tài chính thông minh, Quan Thiều Văn không chỉ tự trả hết các khoản nợ học phí, nuôi sống bản thân mà còn có thể tiết kiệm được 1 triệu Đài tệ ở tuổi 23. Anh đã làm được điều này nhờ áp dụng phương pháp 442 và 5 nguyên tắc sống.
Phương pháp 442
Quan Thiều Văn từng chia sẻ về phương pháp này trên kênh Youtube của mình. Cụ thể, đây là phương pháp phân bổ tài chính với tỷ lệ như sau:
40% cho chi phí sinh hoạt;
40% để tiết kiệm;
20% dành cho mục đích đầu tư, quản lý tài sản và bảo hiểm.
Dù thu nhập một tháng có thay đổi như thế nào, anh vẫn kiên trì thực hiện đúng tỷ lệ này.
Ngoài những phương pháp trên, Quan Thiều Văn cũng sẽ tuân thủ 5 nguyên tắc quản lý tài chính.
Bám sát 5 nguyên tắc quản lý tài chính
Quan Thiều Văn đã tích cực tìm kiếm các cơ hội việc làm bán thời gian ngay từ khi mới “chân ướt chân ráo” vào đại học. Anh tin rằng nếu muốn kiếm tiền, bạn phải chủ động nắm bắt mọi cơ hội, mọi thời điểm và đừng sợ công việc khó khăn.
Có thời điểm anh làm việc ở đài truyền hình vào ban ngày, rồi tiếp tục làm việc ở một trường luyện thi vào buổi tối và ngày nghỉ, đồng thời tranh thủ sử dụng thời gian nghỉ trưa của mình để viết content...
Trong hoàn cảnh làm việc khó khăn như vậy, Quan Thiều Văn luôn tuân thủ 5 nguyên tắc quản lý tài chính.
1. Sử dụng tiền một cách khôn ngoan
Quan Thiều Văn có thói quen chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thông qua những công cụ và app không mất phí để tiết kiệm một khoản không hề nhỏ hàng tháng. Mặc dù mỗi lần chuyển, bạn có thể chỉ mất một vài đồng rất nhỏ, nhưng một tháng có thể phát sinh rất nhiều giao dịch chuyển tiền qua lại như vậy. Điều này tích lũy lại sẽ là con số lên tới cả trăm tệ.
Ngoài ra, Quan Thiều Văn cũng sẽ để ý chi phí nạp và rút tiền tại cây ATM của các ngân hàng khác nhau. Khi đã tìm ra ngân hàng rút tiền hoàn toàn miễn phí, anh sẽ chuyển hết các nguồn tiền rảnh rỗi về tài khoản đó rồi đi rút khi cần.
2. Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng có lãi cao nhất
Như đã đề cập ở trên, Quan Thiều Văn sử dụng "Phương pháp 442" sẽ nên có khoảng 40% thu nhập được dùng cho khoản tiết kiệm. Anh sẽ tìm hiểu kỹ về mức lãi suất của từng ngân hàng, thông qua các phương thức gửi trực tiếp, gửi online… rồi mới lựa chọn. Anh cũng đặc biệt chú ý tới những ngân hàng sắp kỷ niệm ngày sinh nhật, như vậy, họ có thể tung ra những chính sách nhiều ưu đãi hơn cho người tới gửi tiết kiệm.
3. Lập kế hoạch tài chính hợp lý
Quan Thiều Văn chỉ sử dụng khoảng 20% thu nhập để dành cho mục đích đầu tư, tài chính hoặc bảo hiểm. Là một Youtuber về quản lý tài chính, anh thường xuyên tìm hiểu và cập nhật những thông tin mới nhất về các sản phẩm, kỹ năng quản lý đa dạng. Điều này giúp anh chủ động đưa ra những quyết định đầu tư cổ phiếu, mua quỹ, ngoại tệ hay thông qua các sản phẩm quản lý tài chính trên thị trường một cách khôn ngoan.
4. Ghi chép về mỗi một đồng chi tiêu
Quan Thiều Văn chia sẻ rằng anh luôn có thói quen ghi chép kỹ lưỡng về các khoản chi tiêu và cần phải biết từng đồng được tiêu vào đâu. Ví dụ: mua đồ ăn sáng hết 5 tệ, uống cafe hết 18 tệ, sau đó chủ nhật hàng tuần lập bảng tổng hợp để tiện kiểm tra mức tiêu thụ của bản thân và điều chỉnh kịp thời.
Để thuận tiện hơn, anh khuyến khích mọi người có thể ghi chép ngay vào điện thoại di động, thường xuyên kiểm tra số tiền còn dư trong tài khoản và ví của mình. Đặc biệt phải kiểm soát thẻ tín dụng một cách kỹ lưỡng trước mọi quyết định chi tiêu để tránh bội chi.
5. Giúp bản thân thiết lập mục tiêu
Nếu bạn không đặt ra mục tiêu, bạn sẽ khó có động lực để thực hiện điều gì đó. Quan Thiều Văn chia sẻ rằng khi học cấp 3, anh biết khoản vay sinh viên trong 4 năm đại học là khoảng 500.000 tệ, vì vậy anh đã tự đặt ra mục tiêu kiếm được số tiền này trong 4 năm đại học.
Sau khi tính toán rằng mình cần tiết kiệm ít nhất khoảng 120.000 tệ mỗi năm và trung bình hơn 10.000 tệ mỗi tháng, Quan Thiều Văn tích cực làm thêm một lúc nhiều công việc vào các ngày trong tuần, ngày lễ, kỳ nghỉ đông và hè. Nhờ tinh thần này, anh cuối cùng đã đạt được mục tiêu của mình và thậm chí còn tiết kiệm được nhiều hơn mong đợi rất nhiều.
Quan Thiều Văn thường đề cập một câu nói cửa miệng của mẹ mình với người xem Youtube rằng: "Đừng ghen tị nếu hoa của người khác nở sớm, hãy làm việc chăm chỉ để cuộc đời của mình cũng có ngày nở hoa.”
Vì vậy, mỗi khi cảm thấy áp lực và khó khăn với cuộc sống phải tiết kiệm, phải làm việc không ngừng, Quan Thiều Văn lại tự thuyết phục bản thân không được bỏ cuộc. Kết quả là anh đã có “hũ vàng đầu tiên” của ngày hôm nay.
*Theo Business Times