Thông tin này được bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết khi báo cáo với Phó Chủ tịch nước Việt Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh về tình hình hiện tại của hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi sau ca mổ tách rời.
2 tỷ đồng ủng hộ chị em Trúc Nhi - Diệu Nhi
Cụ thể theo bác sĩ Định, hai bé hiện vẫn còn đang thở máy, hỗ trợ giảm đau. BV đang tập trung toàn lực để chăm sóc hồi sức, chống nhiễm trùng cho hai bé.
Bác sĩ Định một lần nữa khẳng định đây chỉ là thành công bước đầu, giai đoạn hậu phẫu vẫn còn nhiều sóng gió.
"Từ khi mới nhập viện, BV đã hỗ trợ mọi chi phí điều trị cho bé. Những ngày qua, rất nhiều tấm lòng mạnh thường quân đã quan tâm, ủng hộ cho hai bé với số tiền quyên góp khoảng 2 tỉ đồng.
BV sẽ cố gắng tận dụng số tiền này để nuôi dưỡng, trị liệu cho hai bé. Số tiền còn dư sẽ trao lại cho người nhà tiếp tục chăm sóc các bé về sau" - bác sĩ Định nói.
Để có được thành quả ngày hôm nay, bác sĩ Định đã kể lại cả một hành trình kéo dài từ khi "song Nhi" được sinh ra.
Cụ thể, cả 2 bé đều suy hô hấp, phải đặt nội khí quản khi chuyển từ BV Hùng Vương sang BV Nhi đồng Thành phố.
Vì thiếu tháng, các bé không thở được, thiếu chất sunfat tăng làm nở phổi. Khi chuyển viện, các bác sĩ đã bơm chất này cho 2 bé. Nhưng không may, Diệu Nhi bị sốc thuốc nên 2 bé phải nằm hồi sức sơ sinh mất 1 tháng.
"Các cháu dính nhau vùng bụng chậu, có 1 hậu môn và 2 cơ quan sinh dục khác nhau. Trúc Nhi di chuyển tốt hơn, mỗi lần di chuyển con như cưỡi lên người Diệu Nhi.
Tháng 10/2019 khi có một Hội nghị phẫu nhi của thành phố, có một số Giáo sư trên thế giới đã đến thăm và đặt vấn đề sẽ đứng ra hỗ trợ lo chuyện phẫu thuật.
Một đài truyền hình nước ngoài cũng đề nghị tài trợ kinh phí hoàn toàn cuộc mổ nhưng mong muốn được độc quyền thông tin.
Sau khi thảo luận, chúng tôi thấy rằng bác sĩ Việt Nam có thể tiến hành phẫu thuật được.
Ca mổ dự định thực hiện từ tháng 3/2019 nhưng vì dịch Covid-19 nên bé phải xuất viện. Mãi đến tháng 6 thì ca mổ mới được chuẩn bị trở lại" - bác sĩ Định kể.
Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố tiết lộ "kỳ tích" của ca mổ
Theo Giám đốc BV, về mặt chẩn đoán trước mổ, cả 2 bé đều có tình trạng giãn não thất nhẹ, riêng Diệu Nhi có tổn thương di chứng ở vùng thuỳ trán bên phải. Nhưng về thăm khám, 2 bé bình thường về mặt phát triển tâm thần vận động.
Vấn đề gây mê, làm sao cho đảm bảo thông khí là một thử thách khi Diệu Nhi bị hẹp khí quản bên trái. Đồng thời cũng là khó khăn trong giai đoạn thở máy hậu phẫu vì có nguy cơ tắt đàm.
Hai bé chỉ có 1 đại tràng chung, phần nhiều là của Diệu Nhi. Diệu Nhi có hậu môn, đại tràng, có tất cả một cách bình thường. Khi phẫu thuật, bác sĩ phải chia lại cho bé Trúc Nhi.
1 phần ruột của bé Diệu Nhi đã được chuyển qua Trúc Nhi, nên ca mổ giống như 1 cuộc ghép tạng đồng hợp tử.
Về hệ cơ xương khớp, toàn bộ 2 khớp háng của hai bé hở ra 180 độ, 2 chân không thẳng duỗi mà chạy ngược lên trên.
Khi mổ, phải cắt khung chậu để xoay được khớp háng trở về.
"Điều thú vị là khi chích thuốc cho bé Trúc Nhi thì bé Diệu Nhi ngủ trước, chứng tỏ có sự thông nối rất lớn giữa 2 bé. Ở vùng chậu, chẩn đoán hình ảnh cho thấy rõ 2 bé thông nối nhau ở đường mạch máu" - bác sĩ Định chia sẻ.
Ca mổ bao gồm 93 y bác sĩ từ nhiều BV, trong đó phía BV Nhi đồng Thành phố là 66 người. Còn lại là những phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm từ BV Chợ Rẫy, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Xuyên Á, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM với rất nhiều ekip khác nhau.
"Khi bắt đầu mổ, các bác sĩ rạch bụng ngang nhưng khi tái tạo thì đường mổ lại là đường mổ dọc, cơ quan sinh dục nằm tại vị trí 2 xương đùi mà ekip phẫu thuật đã đưa xuống.
Đây là kỳ tích của các phẫu thuật viên để đưa các bé từ chỗ nằm dang chân ra trở về bình thường" - Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố kể và cho rằng, ca mổ ngoài vấn đề chuyên môn còn có sự hỗ trợ hết mình từ Sở Y tế TP.HCM.
Theo TS.BS Trương Quang Định, trong ca mổ kéo dài gần 13 tiếng ngày 15/7 vừa qua, mỗi bé phải chịu 4 cuộc đại phẫu trên đường tiết niệu, tiêu hóa, khung chậu và tạo hình tầng sinh môn.
Với 1 đứa bé 7.5 kg mà phải chịu những cuộc mổ lớn như vậy là một thách thức, phải sử dụng giảm đau nhiều.
Nhưng cho thuốc giảm đau nhiều thì bé sẽ không thở được, phải có thở máy. Nguy cơ nhiễm trùng cũng rất cao.
Do đó, 2 bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian hậu phẫu và kể cả quá trình tạo hình, tập vật lý trị liệu về sau.
Phó Chủ tịch nước Việt Nam xúc động khi vào thăm 2 bé
Tại buổi ghé thăm 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ từ khi biết thông tin ca phẫu thuật tách dính song sinh phức tạp, bà rất quan tâm và hồi hộp dõi theo, kể cả những chi tiết nhỏ như miếng dán màu xanh, đỏ trên đầu.
Hôm nay được trực tiếp vào thăm và tận mắt nhìn thấy các y bác sĩ chăm sóc hai bé và tình trạng của hai bé, bà rất xúc động.
"Thời gian phía trước còn dài, bác sĩ cũng đã nói chưa dám khẳng định thành công hoàn toàn, còn nhiều việc để làm nhưng dù sao cha mẹ các bé đã có thể gặp được 2 con đã tách rời trọn vẹn sau cuộc mổ.
Nhìn hai bé với hình ảnh hoàn toàn khác, tôi cũng cùng có chung cảm xúc hạnh phúc như ba mẹ hai bé" - Phó Chủ tịch nước nói.
Bà Thịnh cũng cho rằng sự thành công của ca phẫu thuật tách dính song sinh là bước tiến mới không chỉ riêng ngành y tế TP.HCM mà còn của cả nước.
Bà cảm ơn các bác sĩ đã cho mọi người thấy thành công của ngành y tế, cho bạn bè quốc tế thấy được sự nhân văn, nhân đạo của Việt Nam trong việc cứu mạng sống con người.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước cũng tặng BV món quà truyền thống là tấm ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, gửi tặng ekip phẫu thuật cho bệnh nhi số tiển 50 triệu đồng.
Ngoài ra, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng gửi 20 triệu đồng và một phần sữa non dinh dưỡng đến với 2 bệnh nhi.