F-117 Nighthawk "Ó đêm" Mỹ đầu tiên bị bắn hạ...
Bí mật về việc làm cách nào mà lực lượng phòng không Nam Tư bắn rơi tại chỗ một máy bay ném bom tàng hình F-117 Nighthawk "Ó đêm" Mỹ vào năm 1999 vẫn còn là một huyền thoại gây tranh cãi.
Tuy nhiên một phi công chiến đấu của Không quân Mỹ, người đã điều khiển một trong số những chiếc F-117 trong cuộc chiến này vừa mới tiết lộ rằng không chỉ có 1 chiếc mà có tới 2 F-117 bị phòng không Nam Tư bắn trúng.
Vào tháng 3 năm 1999, NATO bắt đầu chiến dịch ném bom ồ ạt tấn công Cộng hòa Nam Tư sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này giữa những người Albani và Serbia.
Chỉ 3 ngày sau khi cuộc chiến nổ ra, vào ngày 27/03/1999, các lực lượng Nam Tư đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay ném bom tàng hình F-117 Nighthawk, một trong những biểu tượng sức mạnh thần thánh của quân đội Mỹ và là một trong những dòng máy bay chiến đấu tàng hình đi vào thực chiến đầu tiên trên thế giới.
F-117 được thiết kế hết sức đặc biệt nhằm làm giảm tín hiệu phản xạ radar cũng như nó được phủ bởi 1 lớp sơn có khả năng hấp thu sóng radar nhằm tránh sự phát hiện của các đài trinh sát cảnh giới nhìn vòng và chiếu xạ của phòng không đối phương.
Tuy nhiên, lực lượng phòng không Nam Tư đã làm nên kỳ tích bắn rơi chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới. Sự kiện "vô tiền khoáng hậu này" được nhắc mãi cho tới tận ngày nay. Và thậm chí có câu nói đùa rằng sau khi vít cổ "Ó đêm", phòng không Nam Tư đã "Xin lỗi, chúng tôi không biết rằng đó là máy bay tàng hình".
... nhưng có tới tận 2 F-117 trúng đạn
Những tưởng sự việc chỉ dừng ở đó, nhưng mới đây, một cựu phi công Mỹ điều khiển F-117 cũng tham gia cuộc chiến đó đã tiết lộ rằng có thêm 1 "Ó đêm" khác bị tên lửa phòng không bắn trúng cho dù chiếc máy bay ném bom tàng hình này vẫn cố lết được về tới căn cứ.
Tên lửa phòng không SA-3 (Pechora) của Nam tư bắn hạ máy bay ném bom tàng hình F-117 Mỹ năm 1999.
Trung tá - Cựu phi công Không quân Mỹ Charlie 'Tuna' Hainline đã bất ngờ công khai thông tin gây sốc này.
Theo Hainline, người từng lái dòng chiến đấu cơ tàng hình được phủ lớp sơn "đen xì" đặc biệt này cho biết khi tiến hành nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất ở Nam Tư, F-117 "Ó đêm" thường bay thành cặp. Với phi đội của mình, các máy bay cất cánh từ căn cứ sân bay Spangdahlem để thực hiện phi vụ trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Trong một phi vụ trên vùng trời phía Tây Belgrade, mặc dù Hainline không tiết lộ ngày tháng cụ thể, nhưng đó có thể là vào ngày 30/04/1999, khi máy bay ông cùng 1 chiếc khác trong biên đội bay song song, giãn cách với nhau khoảng 10 dăm (16km) để tiến hành không kích thì bất ngờ lọt vào lưới lửa phòng không, bao gồm cả tên lửa đất đối không.
Bất chấp danh tiếng "không thể nhìn thấy', chiếc máy bay tàng hình này không thể đảm bảo rằng bịt mắt được 100% radar, nhưng chúng được bao bọc trong màn nhiễu cực mạnh do các máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowlers hoặc E/A-18 Growlers đời mới hơn bảo vệ, Tờ The War Zone cho biết.
Tuy nhiên, vào đêm đó, các chiến đấu cơ tàng hình đã không có được lớp màn bảo vệ vững chắc như mọi khi. "Tôi đã sửng sốt khi máy bay đang bay trên vùng trời Belgrade, và phát hiện hàng loạt tên lửa phòng không đang lao tới - trông giống như tên lửa đẩy Saturn V”, Hainline thốt lên khi chia sẻ với người dẫn chương trình John “Rain” Waters, khi so sáng chúng với loại tên lửa đẩymà người Mỹ sử dụng để làm nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng.
Máy bay ném bom tàng hình F-117 Mỹ bị bắn hạ ở Nam Tư năm 1999.
"Tôi biết rằng đồng sự thứ 2 (chiếc F-117 khác trong biên đội) của tôi đang ở đâu đó gần đấy. Sau đó tôi nhìn thấy một đợt phóng khác - đó là một chùm sáng rực rỡ rất lớn, có lẽ là nếu bạn có đứng ở rất xa thì vẫn có thể nhìn thất rõ.
Quả cầu lửa không lồ nóng rực với đuôi khói dài đang lao về phía mình... Khi tôi đang hướng vào mục tiêu, một quả tên lửa phòng không đã phát nổ và gây ra một cảnh tượng khác kinh hoàng trên không", ông nói tiếp. "Tôi không biết liệu nó có nổ trúng đồng đội mình hay không".
Mặc dù máy bay của mình không trúng đạn, nhưng chiếc F-117 bay cùng không được may mắn như vậy. Hainline cho biết mình đã mất liên lạc với đồng đội trong một khoảng thời gian, cho tới khi chiếc "Ó đêm" đột ngột lại xuất hiện tại "điểm hẹn" tiếp dầu trên không, nhưng toàn bộ đèn đã tắt và không thể bắt kịp tốc độ của chiếc KC-135 Stratotanker để nhận nhiên liệu.
"Máy bay của anh ấy không ổn", Hainline nhớ lại. Tuy nhiên, viên phi công ấy đã có gắng bắt được ông tiếp liệu sau khi "thùng xăng bay" giảm tốc độ tối đa, và chiếc máy bay "lại mất tích lần nữa" cho tới khi nó lết được về hạ cánh tại sân bay Spangdahlem.
Với những nỗ lực tuyệt vời dìu đồng đội về tới căn cứ an toàn, Trung tá Hainline đã được tặng thưởng Distinguished Flying Cross - Huân chương "Thập tự" chỉ dành cho những quân nhân anh dũng đặc biệt phi thường.