Khi một câu chuyện bắt ghen người thứ ba của cặp đôi nổi tiếng trên mạng xã hội được lan truyền, người ta lại chia sẻ và tung hê với nhau những nhận định về tình yêu và đàn ông, nào là đàn ông thì hay ngoại tình, tình yêu thật khó tin hay phụ nữ sao nhiều khổ sở…
Chúng ta có để ý rằng, những câu chuyện trên mạng xã hội đã và đang vô hình "tiêu cực hoá" những quan điểm của chúng ta về cuộc sống và tình yêu?
Hãy làm tấm khiên vững chắc bảo vệ năng lượng bản thân trước thông tin
Cuộc sống của chúng ta giờ đây gắn liền với mạng xã hội trong mỗi phút giây với hàng loạt tin tức được cập nhật liên tục mỗi ngày. Có khi nào chúng ta tự hỏi những thông tin này sẽ mang lại lợi hay hại gì cho người xem. Nếu tiếp thu không chọn lọc, đầu óc của chúng ta như một miếng xốp thấm hút tất cả sự tích cực, tiêu cực đầy hỗn loạn từ thế giới bên ngoài vào tâm trí.
Trong quyển sách Power & Force - Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần Và Sức Khoẻ Con Người của Tiến sĩ David R. Hawkins có viết, bạn chỉ cần có một ý nghĩ tiêu cực phát sinh trong đầu thì sẽ toả ra và thu hút những điều tiêu cực tương tự. Vậy việc tin và đưa ra bình luận tiêu cực trong những câu chuyện đánh ghen như trên chỉ làm bạn đến gần với những năng lượng không tốt và ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Thậm chí, dù bạn thấy câu chuyện bắt ghen kia thật đáng thương cho người phụ nữ và lên tiếng sỉ vả người đàn ông, thì những năng lượng mà bạn đang phát đi cũng bao hàm cả sự tức giận, chỉ trích, phản ánh sự phán xét trong chính bạn.
Để trở thành một người dùng thông minh, chúng ta cần xây dựng tấm khiên vững chãi để bảo toàn năng lượng của chính mình. Bắt đầu từ việc dọn dẹp lại Facebook cá nhân, danh sách bạn bè, lọc lại các trang đang theo dõi, chúng ta chỉ nên giữ lại những kênh thông tin hữu ích cho bản thân để phục vụ cho nhu cầu công việc, cuộc sống và giải trí lành mạnh. Hạn chế tiếp xúc và không để những thông tin tiêu cực xâm chiếm vào quỹ thời gian quý báu mỗi ngày.
Bên cạnh đó, bạn thử quản lý thời gian tiêu tốn dành cho mạng xã hội bằng các ứng dụng theo dõi, chắn chắn bạn sẽ bất ngờ vì thời lượng chúng ta dành cho chúng. Tôi đã từng trải nghiệm "cai" Facebook trong một tháng và kết quả cho thấy chẳng có thông tin nào mình bị bỏ lỡ như nhiều người vẫn sợ. Thực tế, những gì tôi bỏ lỡ là tin tức giật gân về "hoa hậu bán dâm", "chuyện bắt ghen tiểu tam" hay "mẹ chồng nàng dâu", những thứ chẳng giúp ích gì cho cuộc đời của chúng ta ngoài thoả mãn trí tò mò. Giờ đây, mỗi khi sử dụng mạng xã hội, tôi tự kích hoạt cho mình tấm màng chắn chỉ tiếp thu những thông tin và kiến thức giá trị, làm tốt đẹp hơn cuộc sống và các mối quan hệ của bản thân.
Ý thức về nhu cầu chia sẻ thông tin, nhất là chuyện tình yêu cá nhân
Bên cạnh việc tỉnh táo nhận ra những thông tin vô bổ đang đầu độc và chiếm lấy thời gian, nhu cầu được chia sẻ và bày tỏ trên mạng xã hội cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là thông tin về chuyện tình yêu cá nhân. Trong thời đại số ngày nay, dường như ai cũng thích khoe, thích phô bày chuyện tình cảm như một cách chứng tỏ niềm hạnh phúc với mọi người. Để rồi khi tan vỡ, nhiều người cũng sử dụng mạng xã hội như một công cụ để kết thúc mối quan hệ với những bài đăng chia tay, xoá hình và huỷ kết bạn đối phương. Hơn hết, những động thái ồn ào này sẽ trở thành miếng mồi ngon cho chuyện trà dư tửu hậu của mọi người và họ sẽ quên ngay sau buổi tụ họp. Chỉ có người trong cuộc sẽ còn sống giữa những hoài niệm, vấn vương hoặc đau khổ thời gian dài.
Thực tế, nhu cầu chia sẻ tình yêu trên mạng là hoàn toàn chính đáng. Nhưng điều chúng ta cần cân nhắc là động cơ bên trong sau mỗi nút post "câu chuyện tình tôi" là gì. Đây mới là điều làm nên sự khác biệt của các mối tình trên mạng đồng thời tránh cho bạn những tổn thương không đáng có về sau.
Danh ca nổi tiếng John Lennon từng nói: "Con người có hai động lực thúc đẩy cơ bản: sợ hãi và tình yêu". Chúng ta khoe về tình yêu đôi lứa, đối phương tốt với mình ra sao, gia đình đang hạnh phúc thế nào, nhưng chỉ để khoả lấp một khoảng trống đang rạn vỡ trong mối quan hệ hoặc chứng tỏ cho người khác thấy cuộc sống ta hoàn hảo. Hành động đó được thúc đẩy từ nỗi sợ: sợ đối diện sự thật, sợ thấy bản thân chưa đủ, còn thiếu nên phải tìm cách để chứng minh cho người khác biết. Nỗi sợ càng khiến cho chúng ta sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xoa dịu tổn thương ở bên trong. Phải khoe nhiều hơn, chứng tỏ hơn, đắp lên hạnh phúc ảo cho mối quan hệ lý tưởng, đến một ngày, chuyện tình tan vỡ sẽ tạo nên một cú sốc vì "mới thấy tụi nó còn đăng ảnh hạnh phúc kia mà".
Tôi có một người bạn thường xuyên chia sẻ những chuyến đi chơi, món hàng hiệu được người yêu chu cấp, cùng những lời khen hoa mỹ về đối phương. Chuyện tình của họ được cập nhật liên tục với rất nhiều ngày kỷ niệm khiến ai nhìn vào cũng thấy lãng mạn bất ngờ. Nhưng chỉ sau hai năm hôn nhân, người bạn chính thức ly hôn với một bài đăng Facebook tuyên bố khép lại chuyện tình và bắt đầu cuộc sống mới.
Ngược lại, nếu động lực chia sẻ xuất phát từ tình yêu, từ sự đủ đầy vững chãi của một mối quan hệ lành mạnh, chúng ta không cần chứng tỏ để người khác công nhận hạnh phúc cho mình qua những cái "like" hay "comment" chúc tụng. Bản thân người trong cuộc biết rõ tình trạng mối quan hệ của họ và chuyện hai người thì chỉ cần hai người thấu hiểu, cũng như xây đắp tình cảm cho nhau. Việc chia sẻ hay không chia sẻ tình cảm cá nhân chỉ là phút giây cảm hứng đến từ sự chân thành, vững tin và không cần "update" thường xuyên cho cả thế giới biết.
Tôi cũng có một chị bạn đang sống viên mãn cùng chồng ở Đan Mạch. Những hình ảnh chị chia sẻ hằng ngày chỉ là về bữa ăn của gia đình, cách chị quan tâm và nấu nhiều món ăn để hai vợ chồng thưởng thức. Chị cũng không chia sẻ nhiều về chuyện tình cảm vợ chồng, nhưng qua từng bữa ăn của hai người, bạn bè xung quanh đều cảm nhận được niềm hạnh phúc đơn giản của họ.
Ai cũng biết mạng xã hội chỉ là công cụ để phục vụ cuộc sống, nhưng mấy ai hiểu được cách sử dụng công cụ chính xác để chúng không quay lại kiểm soát và dẫn dắt bản thân. Hơn nữa nếu chưa hiểu thấu và ý thức về chính mình, mạng xã hội rất dễ trở thành vũ khí sát thương với nhiều hành động nông nổi và bộc phát khiến chúng ta hối tiếc.
Bảo vệ nguồn năng lượng của bản thân trước vô vàn thông tin trên mạng, cũng là cách chúng ta mở đường cho những gì mình muốn thấy, muốn tìm hiểu và định hình cho con người mình muốn trở thành.