Khái niệm metaverse đã được các hãng công nghệ và nhiều chuyên gia trong ngành ca ngợi là tương lai của công việc, các cuộc họp và thậm chí là cách mà các công ty tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, kết quả của một thử nghiệm gần đây cho thấy nó vẫn còn một khoảng cách xa so với thực tế.
18 nhân viên của một trường đại học đã đăng nhập vào metaverse trong suốt một tuần làm việc. Hai người trong số họ đã phải bỏ cuộc sớm chỉ sau vài giờ do buồn nôn, trong khi những người còn lại cho biết họ cảm thấy thất vọng, lo lắng hơn và cho biết mắt họ bị tổn thương.
Về cơ bản, metaverse - được biết đến nhiều hơn kể từ khi Facebook được đổi tên thành Meta vào năm 2021 - là phiên bản vật lý của Internet, nơi mọi người tương tác thông qua hình đại diện và công nghệ thực tế ảo.
Đối với thử nghiệm trên, các nhà nghiên cứu muốn hiểu tác động của quá trình làm việc trong thế giới ảo trong thời gian dài và điều này khác với làm việc trong môi trường vật lý như thế nào.
Họ yêu cầu các tình nguyện viên, tất cả đều là nhân viên trường đại học hoặc nhà nghiên cứu dành cả năm ngày làm việc trong tuần trong một văn phòng thực tế ảo được tái tạo lại. Thời gian làm việc kéo dài 8 giờ một ngày, với 45 phút nghỉ trưa. Sau đó, họ có thể dành thời gian trong môi trường làm việc trong thế giới thực.
Những người tham gia không được giao các nhiệm vụ phải hoàn thành, nghĩa là họ có thể tự do kiểm soát ngày làm việc của mình. Tuy nhiên, họ được cung cấp các thiết bị giống hệt nhau.
Hai trong số những người tham gia đã bỏ cuộc trong vòng vài giờ, với những lời phàn nàn về cảm giác buồn nôn, lo lắng và đau nửa đầu. Nguyên nhân một phần là do trọng lượng của tai nghe Oculus Quest 2 khá nặng. Còn buồn nôn là một tác dụng phụ phổ biến của trải nghiệm thực tế ảo.
Số còn tiếp tục thử nghiệm trong những ngày tiếp theo, nhưng các báo cáo cho thấy một số tác dụng tiêu cực. So với môi trường làm việc thể chất, những người tham gia nói rằng mức độ thất vọng của họ tăng trung bình 42% và việc mỏi mắt tăng 48%.
Họ cũng nói rằng họ cảm thấy lo lắng hơn, tỷ lệ gần 1/5 và nhìn chung, mức độ hạnh phúc của họ bị giảm 20% vào giữa tuần so với môi trường làm việc thực tế.
Những người tham gia cũng lưu ý rằng họ cảm thấy trải nghiệm dần kém hiệu quả hơn, chẳng hạn như nhấn mạnh rằng rất khó để tiến hành ghi chú khi ở trong thực tế ảo. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng việc đó có thể sẽ hoạt động tốt hơn, theo một cách nào đó trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng nhiều vấn đề có thể biến mất với những cải tiến trong công nghệ và khi mọi người quen với việc sử dụng công nghệ này thì mức độ nghiêm trọng của chứng mỏi mắt cũng sẽ giảm dần. Báo cáo cũng lưu ý rằng kết quả của nghiên cứu tương đối nhỏ, bởi nó phụ thuộc vào kinh nghiệm chủ quan của từng cá nhân tham gia.
“Nhìn chung, nghiên cứu này giúp tạo nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo, làm nổi bật những thiếu sót hiện tại và xác định các cơ hội để cải thiện trải nghiệm làm việc trong VR", các nhà nghiên cứu cho biết. "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ kích thích các nghiên cứu sâu hơn nhằm điều tra cách làm việc hiệu quả và lâu dài hơn trong thực tế ảo."
Tham khảo BI