16 tuổi, Phan Đăng Hoàng thu hút quan tâm nhờ tài vẽ tranh truyền thần và được tạp chí Art People của Mỹ vinh danh.
6 năm trôi qua, Phan Đăng Hoàng tiếp tục được truyền thông quốc tế khen ngợi, nhưng với vai trò nhà thiết kế thời trang. Hoàng có hai bộ sưu tập trình diễn tại Afro Fashion Week (thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang Milan), được giới mộ điệu tích cực đón nhận. Thành tựu ấy đã giúp tên tuổi chàng trai gốc Nghệ An được lan tỏa rộng rãi.
Anh "chạm ngõ" hội hoạ và thời trang như thế nào?
Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên hội họa đi theo cả cuộc sống. Nếu mọi người biết đi, biết nói đầu tiên, cái biết đầu tiên của tôi là cảm nhận hội họa. Nhà ông bà nội ngoại của tôi sát nhau, tôi thường được sang nhà ông bà để ông bà bồng bế. Xung quanh tôi khi đó đều là những tác phẩm hội hoạ.
Giống như hội họa, thời trang tới rất tự nhiên, ngay từ khi tôi còn bé. Mọi thứ tôi làm đều xuất phát từ tình cảm, đam mê tự nhiên như thế. Khi lớn và làm công việc của một nhà thiết kế, tôi thấy tinh thần thoải mái.
Trước đây, tôi từng là hoạ sĩ vẽ tranh truyền thần nhưng là họa sĩ trẻ, không qua trường lớp đào tạo bài bản. Ông bà ngoại tôi là thành viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, đều là sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội và có những sự công nhận nhất định. Tôi thì không. Nhưng nhờ đam mê, tôi có những tranh vẽ được nhiều người đón nhận. Tôi ít khi tự nhận mình là họa sĩ. Tuy nhiên tôi đã có khoảng thời gian gần 6 năm vẽ tranh truyền thần, có nhiều tác phẩm được mọi người đón nhận và may mắn được mọi người gọi với danh xưng này.
Tình yêu hội họa và thời trang trong tôi luôn song hành. Tuy nhiên, tôi mong muốn đến với thời trang hơn là hội họa. May mắn tôi là họa sĩ và giờ là nhà thiết kế thời trang.
Cảm xúc của anh ra sao khi được biết đến với vai trò nhà thiết kế thời trang?
Tôi trân trọng tất cả danh xưng mà mình đã nỗ lực để đạt được danh xưng đó. Tôi không muốn tùy tiện đặt danh xưng cho bản thân mà không có sự công nhận của khán giả, giới chuyên môn. Năm 18 tuổi đi du học ở Italy, tôi không có nền tảng về may vá và bắt đầu từ con số 0. 4 năm ở trời Tây đã cho tôi những bài học trưởng thành. Tôi đã có tấm bằng đại học thời trang, bộ sưu tập được trình diễn, được ghi nhận là nhà thiết kế. Vì thế tôi tự tin gọi mình là nhà thiết kế thời trang.
Nhận học bổng của Học viện NABA và đến Italy du học, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ của anh là gì?
Tôi sinh ra ở Nghệ An, nơi không quá phát triển, tư tưởng của mọi người vẫn chưa hiện đại như Hà Nội hay Sài Gòn. May mắn, cha mẹ tôi có tư tưởng cởi mở và luôn ủng hộ con trai. Tôi được du lịch nước ngoài từ sớm nên ý thức rằng khi qua nước khác sẽ gặp nhiều điều mới lạ. Nói thật khi qua Italy học tập, tôi bị sốc văn hóa. Ở châu Âu, việc giao tiếp khác so với Việt Nam, làm tôi khó tránh khỏi bỡ ngỡ. Gần 6 tháng đầu, tôi chật vật với tất cả, phải tự làm mọi thứ, đối diện với khó khăn, không có cha mẹ hay bạn bè bên cạnh giúp đỡ. Có lúc tôi tuyệt vọng, mệt mỏi vì chưa bao giờ nghĩ cuộc sống bế tắc như vậy, rất muốn trở về Việt Nam và dừng con đường đấy lại.
Động lực nào đã giúp anh vượt qua?
Tình yêu của tôi dành cho thời trang quá lớn, tôi học tập và làm việc liên tục khiến sức khoẻ bị hao mòn. Đây là hy sinh lớn và giờ tôi đang trong quá trình điều trị sức khỏe. Thành thật mà nói, tôi nghĩ đó là điều tiêu cực và dại dột chứ không phải thông minh. Thế nhưng đổi lại, tôi có năm tháng thanh xuân đáng nhớ, được trải nghiệm ở đất nước mình đã mơ ước du học khi còn bé. Tôi có thành quả, trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác. Đó là điều tôi tự hào trong chặng đường gần 10 năm theo đuổi nghệ thuật.
Tôi nói vậy để thấy không có thành công nào đến dễ dàng. Nếu mọi người nỗ lực 100 lần, tôi phải cố gắng nhiều hơn thế. Ngoài ra, sự ủng hộ của gia đình đã giúp tôi vượt qua khó khăn, thử thách. Đó là tình yêu từ những ai đã tin và ủng hộ tôi.
Trong quá trình chuẩn bị cho 2 bộ sưu tập Quintessence và La Peinture, anh có gặp trở ngại gì không?
Nếu nói về khó khăn, chắc tôi dành cả một năm để nói về chúng vì 10 phút là không đủ (cười).
Tôi thực hiện bộ Quintessence (Tinh hoa) khi Italy đang trong thời điểm giãn cách xã hội, tất cả đều đóng cửa và tôi phải học cũng như làm việc online. Việc vận chuyển hàng từ Pháp đến Milan (Italy) rất khó khăn. Rồi có những đêm tôi thức trắng để làm. Lúc 2-3 giờ sáng, mắt bắt đầu mờ đi vì làm việc cả ngày khiến tôi chỉ muốn gục trên bàn may. Ngành học này thường xuyên phải thức khuya để chạy deadline, quá trình làm đồ lại có nhiều công đoạn từ ý tưởng chọn, xử lý chất liệu, lên form mộc rồi bắt đầu may… Có những bộ tôi phải thêu hoặc đính thủ công, ngồi hàng giờ để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Làm sai thì phải tháo ra toàn bộ và may lại, rất mất thời gian. Nhưng ngành học này giúp rèn luyện sự kiên nhẫn. Nếu thiếu sự kiên trì, bạn sẽ không có thành phẩm nào.
Bộ La Peinture có nhiều khó khăn hơn vì tôi làm nhiều sản phẩm. Khi thực hiện, chỉ có mình tôi ở Milan, đi chọn chất liệu và hoàn thành bộ sưu tập. Đôi lúc tôi cũng thấy kiệt sức vì vừa đi học vừa phải làm đồ, cũng phải tự nấu ăn vì không hợp khẩu vị. Làm thời trang rất khó và cần có đội ngũ hỗ trợ làm trang phục. Mà tôi làm một mình, khối lượng công việc phải giải quyết nhiều hơn và đôi khi cũng nản. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rằng con đường mình chọn không dễ dàng. Có giây phút nào tôi muốn từ bỏ thì nó chỉ là lúc tôi mệt mỏi thôi. Tôi vẫn luôn hướng đến mục tiêu là hoàn thiện nó bằng tất cả khả năng để không hối tiếc vì những gì mình đã làm.
Với Quintessence, anh lấy cảm hứng từ mây tre đan Việt Nam. Vậy anh có liên hệ với các nghệ nhân làng nghề ở Việt Nam không?
Bộ sưu tập này tôi không liên hệ với các nghệ nhân ở Việt Nam. Tôi sử dụng kỹ thuật in 2D để tái hiện lại hình ảnh đan lát. Bởi lúc đầu khi làm Tinh hoa, tôi chỉ lấy cảm hứng chứ chưa nghĩ nhiều.
Sau khi Tinh hoa được nhiều người đón nhận, tôi mới có những mối quan hệ mới và tìm được nghệ nhân để làm La Peinture. Tôi may mắn khi có những đơn vị hỗ trợ tôi sản xuất sản phẩm theo những thiết kế của tôi.
Một bên ở Italy, một bên ở Việt Nam, vậy sẽ có xung đột giờ giấc. Anh đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Italy và Việt Nam cách nhau 5-6 tiếng. Thường, tôi phải thức muộn, dậy sớm để làm và kiểm tra các đầu việc, quan trọng là phải cân đối thời gian. Tôi cần phải truyền tải được mong muốn của bản thân để họ nắm chắc tinh thần bởi làm việc online đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn. Bạn không thể đến trực tiếp để giải thích từng ý một, chỉ có thể thể hiện qua lời nói hoặc hình ảnh minh họa thôi.
Anh rút ra được điều gì qua hai bộ sưu tập Quintessence và La Peinture?
Tôi thấy thời trang là ngành khắc nghiệt, khốc liệt và có mức độ đào thải nhanh. Nếu ngủ quên trên thành quả, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Việc trình diễn hai bộ sưu tập giúp tôi nhận ra cần phấn đầu nhiều hơn nữa cho những mục tiêu tiếp theo. Tôi may mắn khi có cơ hội cọ xát tại tuần lễ thời trang, giúp tôi trưởng thành hơn. Đồng thời tôi cũng hình dung rõ hơn về con đường tương lai.
Anh đã có cơ duyên gặp gỡ "bà đầm thép" Anna Wintour và siêu mẫu Naomi Campbell, hai người phụ nữ quyền lực hàng đầu trong giới thời trang. Điều gì ở họ khiến anh nhớ nhất?
Khi Afro Fashion Week diễn ra, tôi mới biết mình được gặp hai nhân vật ấy, thấy rất vui và hào hứng. Anna Wintour như tượng đài, là niềm ao ước của những ai làm thời trang, không chỉ riêng tôi. Không phải ai cũng có cơ hội gặp bà dù chỉ một lần, huống hồ tôi còn được trình bày bộ sưu tập của mình. Đây cũng là cơ hội để tôi hiểu hơn về thế giới thời trang và nhận thấy cần cố gắng nhiều hơn nữa. Đó cũng là động lực để bước tiếp trên con đường thời trang.
Trên con đường làm thời trang, anh có đặt nhà thiết kế nào làm hình mẫu phát triển không?
Trước đây, tôi sẽ trả lời là có. Nhưng giờ, câu trả lời của tôi là không. Vì tôi sẽ tự tạo nên thương hiệu yêu thích cho bản thân và để lại dấu ấn riêng. Tôi tâm đắc câu nói: "Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết đi như một bản sao". Nếu có học hỏi, tôi sẽ học hỏi từ bài học trưởng thành của các thương hiệu chứ không phải phong cách của họ. Nhà thiết kế muốn tồn tại lâu là nhà thiết kế tạo được phong cách cho chính mình, không phải lấy hình tượng của thương hiệu nào đó để học hỏi. Đó là quan điểm cá nhân của tôi, có thể đúng với người này hoặc sai với người kia.
Thời trang là ngành đang phát triển ở cả Việt Nam và trên thế giới. Vậy nên việc định hình phong cách cá nhân và phong cách thương hiệu cần chặng đường thời gian. Tôi luôn muốn sản phẩm của mình phải độc nhất, có sự ấn tượng và dấu ấn mang tên mình.
Phong cách cá nhân có gì khác biệt so với phong cách thiết kế của anh?
Ngoài đời, tôi diện đồ khá đơn giản, có thể hơi giản dị so với người làm thiết kế thời trang. Sự giản dị ở đây có nghĩa tôi không chú trọng thể hiện bản thân. Tôi muốn mình trầm lắng, đơn giản hơn để có sự cân bằng. Nếu đời thường tôi cũng màu sắc như khi thiết kế, chắc mọi người sẽ rất ngợp. Tôi muốn tập trung năng lượng cho sự sáng tạo, những cái "điên rồ" nhất trong thời trang.
Có ý kiến cho rằng "Thời trang là vòng lặp" khi một trong những xu hướng hiện nay là Y2K. Anh nhận xét thế nào về ý kiến này?
Không sai khi nói thời trang là vòng lặp. Bởi nhiều nhà mốt vẫn duy trì di sản của họ để tạo nên những bộ sưu tập mới. Ví dụ như Donatella Versace kế thừa di sản của người anh trai quá cố Gianni Versace cho những bộ sưu tập của bà. Tôi nghĩ việc sử dụng lại hình ảnh, câu chuyện hay di sản đáng hoan nghênh, vì nó giúp chúng ta nhìn lại thời kỳ, giai đoạn phát triển trong thời trang. Khi không tạo được xu hướng, ta có thể làm mới lại xu hướng trong quá khứ. Do đó, từ "vòng lặp" có thể nói là sự tiếp nối, quá trình vận động và phát triển, tái tạo thành nguồn năng lượng mới.
Dự định trong năm 2022 của anh là gì?
Cuối năm nay, tôi sẽ ra mắt thêm bộ sưu tập và năm sau cũng sẽ có nhiều dự án chắc chắn sẽ tạo nên bất ngờ cho mọi người. Tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận dự án đó.
Cảm ơn chia sẻ của anh!