150.000 tấn 'vàng đen' của Việt Nam vươn ra quốc tế: Lập kỷ lục ở nước láng giềng, nắm chắc ngôi đầu thế giới

Tùng Chi (Tổng hợp) | 27-07-2023 - 13:32 PM

(Tổ Quốc) - Những con số ấn tượng cho thấy Việt Nam đang dần khẳng định tên tuổi trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc cao kỷ lục

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế 152.700 tấn hồ tiêu - mặt hàng được ví như "vàng đen" của nước ta, và thu về 483,2 triệu USD.

Trung Quốc và Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của hồ tiêu Việt Nam, khi lần lượt chiếm 35% và 16% tổng sản lượng tiêu xuất khẩu 5 tháng đầu năm. Trong đó, Trung Quốc đã mua 46.169 tấn hồ tiêu, tăng 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau 3 năm hạn chế các giao dịch thương mại vì COVID-19, bước sang năm 2023, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu và gia vị từ Việt Nam, khiến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này tăng đột biến.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, Trung Quốc từ vị trí số 2 đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 2/2023, với sản lượng đạt 4.712 tấn, tăng 219,5% so với tháng 1/2023.

Sang tháng 3/2023, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc đạt tới 15.710 tấn, tăng trưởng 85,2% so với tháng 2, đồng thời chiếm 43,74% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước.

Theo đại diện VPA, đây là lượng hồ tiêu xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay trong 1 tháng, phá vỡ kỷ lục xuất khẩu cao nhất của tháng 4/2020 là 11.953 tấn.

150.000 tấn 'vàng đen' của Việt Nam vươn ra quốc tế: Lập kỷ lục ở nước láng giềng, nắm chắc ngôi đầu thế giới - Ảnh 1.

Nông dân Việt Nam thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu

Thống kê của VPA cho biết, lũy kế từ tháng 1 cho đến tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, lượng xuất khẩu này giảm 14,9% (tương đương hơn 37.000 tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9%, tương đương 34 triệu USD.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tính riêng trong tháng 11/2022, kim ngạch hồ tiêu xuất khẩu của thế giới là 2.149 triệu USD, nhưng hồ tiêu Việt Nam đã có kim ngạch xuất khẩu lên đến 950 triệu USD, chiếm 44,2% thị phần.

Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, đó là những kết quả thành công rất đáng được ghi nhận của ngành hồ tiêu. Những con số này cho thấy Việt Nam đang dần tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị thế giới.

Đặc biệt, hồ tiêu Việt Nam đang dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới, khi Việt Nam là quốc gia chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, luôn giữ vững vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu.

150.000 tấn 'vàng đen' của Việt Nam vươn ra quốc tế: Lập kỷ lục ở nước láng giềng, nắm chắc ngôi đầu thế giới - Ảnh 2.

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của một số quốc gia. Ảnh: Tạp chí Công Thương

Lợi thế của hồ tiêu Việt Nam

Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và đang có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đưa hồ tiêu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ví dụ, nhờ có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mà thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc hồ tiêu nghiền xuất sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%.

Châu Âu và Mỹ hiện là những nhà nhập khẩu hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu toàn cầu. Hiện nay mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam nên nước ta đang có lợi thế lớn khi xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này.

Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam có năng lực chế biến cao. Mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam có thể xử lý tới trên 140.000 tấn hồ tiêu. Tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, ngành hồ tiêu còn có thể hỗ trợ những nước xuất khẩu tiêu có công nghệ chế biến chưa phát triển như Indonesia, Campuchia, Brazil…

150.000 tấn 'vàng đen' của Việt Nam vươn ra quốc tế: Lập kỷ lục ở nước láng giềng, nắm chắc ngôi đầu thế giới - Ảnh 3.

Việt Nam có những lợi thế nhất định về xuất khẩu hồ tiêu. Ảnh: BM

Không ngủ quên trên chiến thắng

Theo VPA, mặc dù Trung Quốc đã thu mua một lượng lớn hồ tiêu của Việt Nam từ đầu năm tới nay, nhưng tính đến thời điểm này, việc thu mua liên tục cho thấy họ đã mua gần đủ nguồn hàng dự trữ.

Ngoài ra, việc EU quyết định không nhập khẩu các mặt hàng nông sản được trồng trên đất có do phá rừng đã phần nào tác động tiêu cực lên giá hồ tiêu. Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, giá tiêu xuất khẩu lao dốc do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm, áp lực từ đồng USD tăng, và do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nhập khẩu tiêu của nhiều thị trường.

Dự kiến, những tháng cuối năm, xuất khẩu hồ tiêu sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. VPA khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc kỹ và cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa với giá thấp, tránh thiếu tỉnh táo do tâm lý chờ đợi đơn hàng từ thị trường.