10 năm tới, cần 300.000 tỉ đồng cho giao thông khu Đông Sài Gòn

Hạ Vy | 02-11-2020 - 09:03 AM

(Tổ Quốc) - Sở Giao thông Vận tải dự kiến cần 300.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông khu Đông Tp.HCM (quận 2, 9, Thủ Đức) theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới.

Theo đó, 5 nhóm dự án được Sở Giao thông Vận tải tập trung phát triển ở khu vực này đến năm 2030, gồm: chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ; metro, buýt nhanh (BRT), đường thuỷ; bến bãi và vận tải công cộng. Tổng nhu cầu vốn dự kiến hơn 300.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố hơn 83.000 tỉ đồng, còn lại các nguồn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Đối với nhóm giải pháp phát triển theo hướng đô thị thông minh, ở khu Đông sẽ tăng hệ thống camera; đèn tín hiệu; ứng dụng hệ thống giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo; số hóa dữ liệu giao thông. Những hệ thống này tích hợp về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị của thành phố để quản lý với mục đích giảm ùn tắc và tương lai hình thành giao thông hiện đại.

Về nhóm đầu tư kết cấu hạ tầng: Bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông ở khu Đông; ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng như: khép kín đường vành đai 2, 3; hoàn chỉnh đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng; xây cầu Thủ Thiêm 3, 4; cải tạo nút giao An Phú, Mỹ Thuỷ, Thủ Đức...; phát triển metro số 1, giai đoạn hai metro số 2, Metro Số 3b; các tuyến đường sắt nhẹ Trảng Bom - Hòa Hưng, Thủ Thiêm - sân bay Long Thành...

Nhóm giải pháp vận tải hành khách công cộng: Mở rộng mạng lưới xe buýt; đầu tư hệ thống buýt nhanh (BRT), trong đó năm 2021 đưa vào khai thác tuyến BRT số 1 và đề xuất thông qua chủ trương đầu tư tuyến BRT số 4; phát triển mạng lưới buýt thu gom dọc Metro Số 1; mở rộng hệ thống metro ở khu Đông và nghiên cứu kéo dài Metro Số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương. Giao thông công cộng ở đây đến năm 2040 cố gắng đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại của người dân.

10 năm tới, cần 300.000 tỉ đồng cho giao thông khu Đông Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhóm phát triển mạng lưới giao thông thủy: Đầu tư hạ tầng kết nối đường bộ, đường thủy với cảng biển; xây cảng cạn (ICD) Long Bình ở sông Đồng Nai và ICD trong Khu công nghệ cao trên rạch Ông Nhiêu (quận 9); xây dựng mạng lưới taxi thủy, buýt sông...; phát triển vận tải hàng hoá, hành khách và du lịch đường thuỷ; thu phí cảng biển tạo nguồn thu cho ngân sách...

Sở Giao thông Vận tải xác định 16 dự án đường bộ ở khu Đông chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư từ năm 2021 đến 2025 như: Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của, Đồng Văn Cống, nút giao Mỹ Thuỷ; cầu Tăng Long, Nam Lý...

Giai đoạn 2021-2030, các công trình trọng điểm ưu tiên là khép kín hai đoạn Vành đai 2 là từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái và từ Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; xây hai cầu trên đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; làm nút giao An Phú. Đồng thời, các dự án xây mới bằng hình thức đối tác công tư (PPP) như Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), cầu Cát Lái, mở rộng quốc lộ 13... sẽ được tập trung xây dựng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

MDU Fashion: Bộ sưu tập những mẫu váy thiết kế sang trọng dành riêng cho quý cô hiện đại

Bạn đang tìm kiếm một chiếc váy thiết kế thật sự đặc biệt? MDU Fashion sẽ đáp ứng mọi mong đợi của bạn với đa dạng các mẫu váy thiết kế, từ những thiết kế cổ điển thanh lịch đến những kiểu dáng trẻ trung, năng động. Hãy cùng theo dõi bài viết này để tìm thấy phong cách riêng của mình nhé.