Rời thành phố để về quê sinh sống không còn là chuyện hiếm gặp. Nhưng đây vẫn là bước ngoặt trong cuộc đời và mỗi người lại có một lý do khác nhau để đưa ra quyết định quan trọng này. Có người đã quá mệt mỏi với khói bụi thành phố nên tìm về chốn bình yên, có người muốn được chữa lành và cũng có người vì muốn làm tròn chữ hiếu với gia đình.
Vợ chồng Lê Thị Thanh Hảo (33 tuổi, đang sinh sống ở Đắk Lắk) thuộc kiểu hướng về gia đình. Hiện tại công việc chính của cô là trợ lý cho chồng, phụ giúp chồng việc kinh doanh. Ngoài ra cô cũng là tác giả một cuốn sách chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong quá trình đồng hành cùng con trong việc học tiếng Anh, được nhiều phụ huynh phản hồi tích cực.
Đặt mục tiêu về quê, có tiền dư mua đất
Chồng Hảo là người Bình Định nhưng trước khi cưới, hai vợ chồng đã hứa với bố mẹ Hảo rằng sẽ về quê ngoại duy trì việc kinh doanh của gia đình nên ngay từ đầu đây đã là sự chuẩn bị dài hơi.
Khi dự định kết hôn Lê Hảo đã dành thời gian thủ thỉ với chồng về quê mình sinh sống lâu dài. Ban đầu, cô cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục chồng nhưng sau vài lần về quê vợ, được cảm nhận rõ ràng hơn về khí hậu, thổ nhưỡng và con người nơi đây nên cũng dần xuôi lòng.
Vợ chồng Hảo không về ngay mà cần thời gian ở TP.HCM làm việc để có kinh nghiệm và tạo được nguồn thu nhập thụ động rồi mới về quê. Ngoài ra chồng cô cũng muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực mới là nông sản, cụ thể là sầu riêng. Đắk Lắk là “thủ phủ” của sầu riêng nên chồng Hảo nhận thấy nhiều cơ hội trong ngành này với dự định dài hơi là về quê vợ.
“Năm 2015, vợ chồng mình kết hôn và xác định sẽ về quê trong tương lai. Ban đầu khi nghe chia sẻ của vợ chồng mình về chuyện sẽ về quê sống lâu dài, người thân ở thành phố đều khá lo lắng và còn thấy thương cảm, cho rằng cuộc sống ở quê sẽ thiếu thốn hơn, con cái thiệt thòi.
Và có lẽ nếu không có Covid-19 thì bọn mình vẫn chưa về đâu. Nhưng sau 6 tháng ở quê tránh dịch, bọn mình cảm thấy đây là lúc thích hợp. Vì đằng nào cũng sẽ về mà lúc đó hai vợ chồng và các con cũng dần thích nghi với nhịp sống ở quê. Đến tháng 11/2020, sau khi TP.HCM gỡ lệnh giãn cách, vợ chồng mình gửi các con cho ông bà ngoại, quay lại thành phố sắp xếp và dọn tất cả đồ đạc để chuyển hẳn về quê sinh sống” - Lê Hảo kể lại.
Vốn đã xác định tư tưởng từ trước, chỉ khác một chút là về sớm hơn dự định nên nhìn chung việc về quê của vợ chồng Hảo diễn ra khá ổn thoả, không có gì choáng ngợp hay buồn tẻ như suy nghĩ của mọi người. Bên cạnh đó, cô lý giải thêm rằng cuộc sống ở quê cũng khá phát triển về mọi mặt và thời đại 4.0 rồi nên mọi thứ đều dễ dàng được kết nối, học hỏi thông qua internet. Tuy nhiên vì vừa lo chi phí xây nhà vừa khởi nghiệp nên cũng không thể nói là không gặp khó khăn về kinh tế được.
Cũng vì xác định không sống ở TP.HCM mà từ năm 2018, vợ chồng Lê Hảo đã mua một mảnh đất ở quê. Còn ở thành phố, gia đình nhỏ vẫn đi thuê nhà, tiền có dư thì đem đi đầu tư BĐS.
“Thời điểm chung cư nội thành TP.HCM đang được xây dựng nhiều, vợ chồng mình đầu tư ít căn từ lúc mở móng. Đến khi hoàn thiện thì đem cho thuê và lúc dân cư ở đông, đạt đỉnh giá thì bán lấy tiền mua đất ở quê. Vợ chồng mình không có quan niệm giữ tài sản là chung cư nên chỉ đầu tư ngắn hạn, bán được là mua đất”.
Đến gần cuối năm 2022, sau khi về quê được khoảng 2 năm, vợ chồng cô quyết định xây dựng mái ấm nhỏ của gia đình trên mảnh đất đã mua từ năm 2018.
Chồng lo tài chính và kết cấu, vợ phụ trách thẩm mỹ làm nên căn nhà tuyệt đẹp
Căn nhà có diện tích 160m2 và diện tích sử dụng là khoảng 250m2 gồm 1 phòng khách, một bếp, 4 phòng ngủ, 3 WC, 1 phòng thờ và gác lửng. Thời gian xây dựng và hoàn thiện là 8 tháng với tổng chi phí tầm 2,3 tỷ đồng. Trong quá trình làm nhà, vợ chồng Hảo cũng phân chia nhiệm vụ rõ ràng, chồng lo tài chính, công năng và kết cấu còn vợ phụ trách thẩm mỹ của ngôi nhà.
Phòng khách, bàn ăn và bếp là không gian mở
Chia sẻ về ý tưởng một ngôi nhà có bên ngoài truyền thống mộc mạc, bên trong hiện đại, Lê Hảo cho biết: “Câu chuyện bắt đầu từ những chuyến xe về quê. Khi đi qua các tỉnh miền Trung, mình bị mê mẩn bởi hình ảnh mái ngói đỏ nhấp nhô xen giữa những rặng dừa, cánh đồng lúa xanh, cảm thấy rất bình yên và dễ chịu… Trong đầu cứ mơ tưởng, nếu sau này mình có một ngôi nhà, có lẽ đó sẽ là một ngôi nhà mái ngói đỏ như ở vùng quê vậy”.
Sau đó khi quyết định làm nhà, vợ chồng Hảo thường lên mạng tìm ảnh tham khảo, còn lập một nhóm chat mới chỉ để thả những hình ảnh ưng ý vào. Đó đều là những hình ảnh không gian mở, nhà mái ngói và công trình mang phong cách mộc mạc. Sau khi thống nhất được phong cách nhà, cặp đôi đi tìm kiến trúc sư (KTS) và đơn vị thiết kế để bắt tay vào thực hiện căn nhà.
Chia sẻ về cách chọn KTS và quá trình làm việc, Lê Hảo cho biết: “Chỉ cần nhìn những công trình của KTS là biết bạn có phù hợp với mình hay không. Và vợ chồng mình đã tìm được đúng người. Gu thẩm mỹ của bạn KTS rất hợp với mình, ưa chuộng những đường nét mềm mại, chất liệu mộc mạc tự nhiên nên có rất ít bất đồng trong quá trình thiết kế xây dựng.
Trong quá trình làm việc, chồng mình lên trước phần bố trí công năng rồi nhóm thiết kế dựa vào đó để tư vấn và lên bản vẽ cơ bản. Còn mình tham khảo các chi tiết thẩm mỹ trên Internet rồi hỏi ý kiến KTS, nếu ổn thì tiến hành luôn.
Mình cũng không thích những gì người khác vẽ sẵn mà tự tìm kiếm ý tưởng theo ý thích rồi ghép vào ngôi nhà của mình. Tuy chắp vá nhưng nhờ có sự tư vấn của KTS nên mọi thứ trong nhà vẫn có sự liên kết, hài hòa”.
Những bước hoàn thiện cuối cùng của căn nhà
“May mắn cho mình, có anh chồng cơ bản là dễ tính, một phần là chiều theo ý vợ và một phần nữa là anh ấy cũng tin vào gu thẩm mỹ của mình. Mình thích làm gì cũng được nhưng những quyết định và mong muốn của mình cũng đều có cái gật đầu đồng tình của chồng. Và cuối cùng Nhà An Yên của hai vợ chồng cũng đã hoàn thiện, một ngôi nhà mộc mạc tối giản, cảm thấy bình yên ấm cúng khi trở về” - Lê Hảo nói thêm.
Mỗi căn nhà thể hiện rất nhiều điều về chủ nhân và Nhà An Yên của vợ chồng Lê Hảo cũng vậy. Cô tâm sự: “Cảm nhận của mọi người khi nhìn vào ngôi nhà chính là cảm nhận về bọn mình. Về phần mình, mình muốn căn nhà thể hiện tính cách đơn giản mộc mạc, gần gũi của hai vợ chồng đồng thời xen một chút kỹ tính, rõ ràng và cầu toàn”.
Nhìn lại hành trình của hai vợ chồng, Lê Hảo cho rằng nếu về quê mà có vốn thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn nhưng cũng không có nghĩa là về quê phải cần nhiều tiền. “Về quê thì đỡ áp lực tiền nhà trọ, tiền ăn uống vì có thể nhờ bố mẹ ở thời gian đầu. Và quan trọng nhất bình yên không hoàn toàn nằm ở vấn đề tiền bạc mà bình yên chính là trong tâm hồn chúng ta” - cô tâm sự.
Hình ảnh mộc mạc mang đậm phong cách làng quê Việt Nam
Bên cạnh đó, Lê Hảo cũng có những lời khuyên dành cho những cặp đôi hay gia đình trẻ muốn về quê: “Theo mình độ tuổi ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định này. Lý tưởng nhất là sau khi tốt nghiệp và đi làm ở thành phố một thời gian để lấy trải nghiệm, kinh nghiệm. Vì như doanh nghiệp của vợ chồng mình vẫn ưu tiên tuyển dụng các bạn đã có kinh nghiệm làm việc ở các thành phố lớn.
Nếu các bạn lo lắng rằng về quê sẽ thiệt thòi cho con cái thì mình nghĩ sự thiệt thòi này không đáng kể. Đúng là có một số thứ thiếu thốn nhưng về quê thì các con sẽ có được một tuổi thơ đúng nghĩa hơn, được gần gũi với thiên nhiên hơn. Bản thân mình từ một đứa trẻ lớn lên ở quê, khi lớn vào thành phố học đại học và đi làm một thời gian cũng thấy bản thân không khác biệt nhiều so với các bạn ở thành phố, kể cả kiến thức, tư duy và văn hóa. Nếu chịu khó học hành, trau dồi kiến thức văn hóa, chăm chỉ thì cơ hội của con bạn khi lớn lên ở quê hay ở thành phố cũng không khác là mấy.
Cuối cùng, khi bạn có năng lực và về quê nữa thì lại càng tốt vì có thể đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Thậm chí ở quê còn có điều kiện khởi nghiệp thuận lợi hơn vì chi phí xưởng kho và nhân công thấp hơn nên giá vốn sản phẩm sẽ thấp hơn mà chất lượng cũng không thua kém gì các nơi khác”.
Một số hình ảnh khác trong căn nhà:
Lối đi bên hông nhà và cầu thang
Tủ quần áo và lối đi trong nhà