Tuy có mức thu nhập không thấp, nhưng bà Đổng, 58 tuổi, ở Thượng Hải, Trung Quốc lại có niềm đam mê đặc biệt với việc nhặt nhạnh các loại phế liệu rồi đem bán kiếm tiền. Trong suốt 10 năm trời, bà đã thu gom đồng nát chất đầy 2 căn nhà có diện tích hơn 50m2 của mình. Không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, hàng xóm của bà Đổng đã quyết tâm kiện bà ra Toà.
Quá sức chịu đựng của hàng xóm
Tháng 11/2020, Toà án quận Bảo Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc tiếp nhận đồng thời 2 đơn kiện khá hi hữu giữa những người hàng xóm trong 1 khu nhà ở thành phố này. Theo đó, căn hộ số 103 của người phụ nữ họ Đổng và căn hộ số 104 do chồng bà Đổng đứng tên thuê nhà hiện đang chất đầy rác thải, phế liệu bên trong. Và tuy là nhà đã đầy rác, nhưng bà Đổng vẫn tiếp tục nhặt nhạnh mỗi ngày. Có những lúc trong nhà hết chỗ nhồi nhét, bà Đổng còn đem những thứ đồ bỏ đi ấy để đầy hành lang và lối đi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng xóm xung quanh.
Không chỉ gây mất mỹ quan và toả ra mùi hương vô cùng khó chịu, đống đồ phế thải của bà Đổng còn là nơi để ruồi muỗi, côn trùng, chuột hay gián bâu đến làm tổ, chưa kể trong đó còn có rất nhiều vật dễ bắt lửa, có thể dẫn tới hoả hoạn bất cứ lúc nào.
Ban quản lý khu nhà cho biết, họ đã nhiều lần nhận được phản ánh của dân cư và đến nhà bà Đổng thương lượng về việc xử lý rác thải, tuy nhiên lần nào cũng bị bà phản đối kịch liệt. Bởi không có quyền cưỡng chế bà Đổng dọn dẹp nhà cửa, nên họ chỉ đành dọn dẹp khu vực phía bên ngoài nhà bà. Thế nhưng, cứ mỗi lần người ta dọn dẹp sạch sẽ xong, bà Đổng lại ra thùng rác nhặt hết đống phế thải ấy về, tiếp tục chất đống trong nhà mình.
Trải qua 1 thời gian dài chịu đựng, hàng xóm ở tầng 1 và tầng 2 của bà Đổng không thể tiếp tục làm ngơ được nữa. Cả 2 hộ gia đình quyết định đâm đơn kiện bà Đổng ra Toà cùng lúc.
Tháng 12/2020, dưới sự chủ trì của Toà án, các bên đã đạt được thoả thuận hoà giải, thống nhất việc vợ chồng bà Đổng sẽ phải dọn dẹp sạch sẽ rác thải trong 2 căn nhà trước ngày 31/1/2021.
Sau đó, bà Đổng quả thật đã bán bớt số phế liệu trong nhà mình đi, tuy nhiên tốc độ bán đồ đồng nát không thể so sánh được với tốc độ nhặt rác của bà. Đến ngày giao ước, lượng rác trong căn nhà của bà Đổng chẳng những không giảm mà còn tăng thêm.
Nhặt rác vì đam mê
Tháng 2/2021, hàng xóm của bà Đổng tiếp tục nộp đơn đề nghị Toà án Bảo Sơn tiến hành cưỡng chế người phụ nữ này dọn dẹp nhà cửa.
Ngày 3/3, lực lượng chức năng tới nhà bà Đổng kiểm tra tình hình thực tế. Khi đến nơi, họ không thể vào bên trong bởi rác thải quá nhiều khiến cho cửa ra vào gần như không mở được. Cách 1 lớp cửa, cán bộ thông báo về quyết định cưỡng chế của Toà án dành cho bà Đổng.
Ngày 2/4, lực lượng chức năng lại đến kiểm tra và cho biết bà Đổng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vẫn không chịu dọn dẹp nhà cửa theo quy định.
Được biết, bà Đổng đã duy trì thói quen nhặt nhạnh suốt 10 năm qua. Ban đầu, bà chỉ nhặt những món đồ có giá trị, nhưng sau đó trong mắt bà thứ gì cũng đều trở nên có giá trị hết, bởi vậy mà lượng phế liệu, rác thải trong nhà bà không ngừng tăng lên mỗi ngày. Cho đến khi cả 2 căn nhà của vợ chồng bà đều ngập trong rác thải, bà Đổng vẫn không chịu từ bỏ đam mê khi xưa.
Nhiều người thấy bà Đổng lọ mọ nhặt nhạnh, cho rằng bà có cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn. Nhưng ngược lại, bà Đổng sở hữu rất nhiều tài sản giá trị, bà thậm chí còn đứng tên tới mấy căn nhà. Chỉ tính riêng tiền cho thuê nhà và tiền hưu trí, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng bà Đổng lên tới gần 20 nghìn tệ (tương đương 72,2 triệu đồng), dư sức cho 2 ông bà sống 1 cuộc đời an nhàn, thoải mái.
Bà Đổng chia sẻ: "Trong mắt người khác là rác thải, còn trong mắt tôi lại là tiền đấy. Mỗi ngày tôi có thể bán được hơn 200 tệ (tương đương 722 nghìn đồng), có lúc còn hơn thế nhiều."
Bà tỏ ra khá phối hợp với lực lượng chức năng, đồng ý để người ta đến dọn dẹp nhà mình. Bên cạnh đó, bà cũng thổ lộ chỉ cần nhìn thấy rác thải thì bà sẽ không nhịn được mà nhặt về. Tuy nhiên, khi đối mặt với những lời chỉ trích của hàng xóm, bà Đổng lại khá giận dữ: "Việc nhà tôi thế nào thì kệ nhà tôi, liên quan gì đến mấy người? Đây là quyền tự do của tôi.", "Tôi cũng đâu có nuôi gián. Làm gì có ai nuôi gián cơ chứ!", "Mấy người ghen ăn tức ở với tôi vì tôi giàu hơn mấy người chứ gì? Mấy người sống cũng có tốt đẹp gì đâu, có tư cách gì mà nói tôi?"...
Mải mê kiếm tiền lẻ, báo hại người xung quanh
Mùa hè đang đến rất gần, mà rác thải trong nhà bà Đổng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Bởi vậy, Toà án Bảo Sơn quyết định xử phạt bà Đổng theo quy định, đồng thời có biện pháp cưỡng chế bà dọn dẹp nhà cửa.
Ngày 25/5, 10 nhân viên vệ sinh cùng 12 nhân viên dọn dẹp chuyên nghiệp đã được điều động đến nhà bà Đổng. Dưới sự giám sát của lực lượng chức năng, bà Đổng chỉ được phép giữ lại những món đồ có giá trị, không được để rác lưu cữu trong nhà thêm nữa.
Trong quá trình dọn dẹp, mùi rác thải phân huỷ toả ra khiến ai nấy đều cảm thấy kinh hoàng, nhưng bà Đổng lại quá quen thuộc với mùi hương này nên chỉ cảm thấy nó giống như mùi giấm. Bà cũng tiết lộ thường vẩy giấm ra nhà, bởi giấm "có khả năng khử trùng". Nhìn từng túi rác được chất lên xe, bà Đổng không khỏi tiếc nuối: "Đây đều là bảo bối của tôi cả đấy."
Bà cho biết chồng bà cũng không thích bà nhặt rác về, nhưng ông nói chỉ cần bà vui là được và không bao giờ ngăn cản vợ. Con gái bà thường ngày không cho bà bế cháu, hiếm hoi lắm mới có dịp ôm cháu vào lòng thì bà phải tắm rửa thật sạch sẽ trước đó. Khi lực lượng chức năng đến dọn dẹp nhà cửa, bà Đổng có thông báo cho con gái và em gái, nhưng không ai nguyện ý đến giúp bà 1 tay.
Người phụ nữ 58 tuổi ngậm ngùi: "Tôi vừa yêu lại vừa hận đồng tiền. Tôi yêu nó là bởi tôi thích cái cảm giác sung sướng khi kiếm được tiền. Còn tôi hận nó là vì mỗi lần tiêu tiền, tôi luôn có cảm giác đang bị người khác lừa bịp, bóc lột vậy, thế nên tôi không tiêu tiền."
Qua 9 tiếng đồng hồ miệt mài thu dọn, số rác thải trong nhà bà Đổng đã được chất đầy 15 chiếc xe chuyên chở, trong đó chiếc xe có trọng tải lớn nhất lên tới 8 tấn. Cuối cùng thì người ta cũng có thể nhìn ra căn nhà của bà Đổng trông như thế nào. Bà Đổng đã phải cam kết với Toà án rằng sau này sẽ không nhặt nhạnh, tích cóp rác thải trong nhà nữa, đồng thời phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.
Nguồn: 163