Từ ổ viêm thành ung thư mất bao lâu?
Viêm thực chất là một phản ứng tự vệ của cơ thể khi phải khi đối mặt với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ở nhiều thời điểm, phản ứng này là có lợi cho sức khỏe, giúp cơ thể kích hoạt các tế bào miễn dịch và tế bào phi miễn dịch, từ đó loại bỏ các tác nhân gây bệnh và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của các mô bị tổn thương.
Nhưng đôi khi, phản ứng viêm lại gây hại cho cơ thể con người. Quá trình viêm xung huyết và phản ứng tiết dịch giúp làm loãng, bao vây và tiêu diệt yếu tố gây hại. Tuy nhiên, nếu quá trình này lặp lại kéo dài có thể dẫn đến ung thư tế bào. Theo các số liệu nghiên cứu, thời gian trung bình để viêm tiến triển thành ung thư là 10 năm.
Tuy quá trình diễn biến của bệnh không nhanh nhưng bệnh chuyển biến âm thầm nên không được xem nhẹ mà phải có những biện pháp đúng đắn, kịp thời để ngăn ngừa tối đa nguy cơ ung thư.
1/6 các bệnh ung thư xuất phát từ viêm
Theo dữ liệu được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Trung Quốc: Khoảng 1/6 số ca ung thư trên thế giới là do nhiễm vi khuẩn và vi rút, và hầu hết những bệnh nhiễm trùng này đều là những bệnh mà chúng ta gọi là “viêm”.
Vì vậy, hàng ngày mỗi người cần chú ý sức khỏe, đề phòng việc các bệnh viêm nhiễm trở thành “đồng phạm” của bệnh ung thư. Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng viêm nhiễm, hãy đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
1. Viêm ruột - ung thư ruột
Viêm ruột có rất nhiều loại, trong đó viêm loét đại tràng mãn tính là bệnh có khả năng tiến triển thành ung thư cao nhất nhưng lại không được chú ý. Hầu hết mọi người sẽ chỉ mua thuốc về uống, việc này vừa không tác dụng với bệnh, vừa làm lỡ mất cơ hội điều trị tốt nhất, dễ dẫn đến ung thư.
Vì vậy, những người có tiền sử gia đình bị ung thư ruột hoặc có các tổn thương tiền ung thư như viêm loét đại tràng, thường xuyên ăn nhiều chất béo, những người gặp phải các vấn đề về tiêu hóa trong độ tuổi 30-40 phải đặc biệt chú ý đến sức khỏe.
Hãy thường xuyên thực hiện tầm soát ung thư ruột, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả, nói không với thuốc lá và rượu bia, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhiều và kiểm soát tốt cân nặng.
2. Viêm gan - xơ gan - ung thư gan
Nếu bệnh viêm gan không được điều trị kịp thời, virus sẽ tiếp tục sinh sôi và gây tổn thương mãn tính cho gan. Về lâu dài, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, nặng hơn nữa có thể hình thành ung thư gan.
Vì vậy, những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan như người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư gan, người nghiện rượu lâu năm, bệnh nhân viêm gan virus mãn tính hoặc xơ gan nên tầm soát ung thư gan thường xuyên để phòng ngừa ung thư gan. Đồng thời, hãy hạn chế thức khuya, tránh xa rượu bia và những thực phẩm có dấu hiệu ẩm mốc.
3. Viêm dạ dày - ung thư dạ dày
Khi bị viêm dạ dày, nhiều người thường chủ quan vì ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe chưa lớn. Tuy nhiên, nếu bị thức ăn có hại kích thích lâu ngày hoặc nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori mãn tính, bệnh sẽ tiến triển thành viêm teo dạ dày mãn tính, khi không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành chuyển sản ruột và ung thư dạ dày.
Vì vậy, những người đã bị viêm dạ dày hoặc có nguy cơ viêm dạ dày nên thường xuyên nội soi, đồng thời có chế độ ăn uống điều độ, đảm bảo đủ 3 bữa. Đồng thời, hãy đặc biệt chú ý phòng chống vi khuẩn helicobacter pylori bằng cách thường xuyên rửa tay, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng.
Chế độ ăn ngăn ngừa các bệnh viêm
Ung thư và viêm thực sự có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống của chúng ta. Theo một nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 4 triệu người vào tháng 4 năm 2021, chế độ ăn không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc 27 bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư, cũng như nguy cơ tử vong sớm.
1. Hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ
Một nghiên cứu thử nghiệm trên chuột đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu về Lipid đã chỉ ra rằng, khi chuột ăn thức ăn có hàm lượng chất béo cao sẽ gây ra phản ứng căng thẳng ở ruột non cũng giống như phản ứng với các bệnh nhiễm trùng do virus, gây ra tình trạng viêm nhiễm toàn thân.
Vì vậy, mọi người nên chú ý kiểm soát lượng dầu ăn nạp vào cơ thể. Các bác sĩ khuyến cáo, một người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ 25-30g dầu ăn mỗi ngày.
2. Hạn chế thịt đỏ, thịt đóng hộp
Trong quá trình tiêu hóa thịt đỏ, dạ dày sẽ sản sinh ra các ion sắt và các hợp chất N-nitroso. Chất này có thể tạo ra các liên kết chéo giữa các cặp base DNA bổ sung để bắt đầu sinh ung thư tế bào khi bị viêm lặp đi lặp lại.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, hãy ưu tiên chọn thịt trắng, kiểm soát lượng thịt đỏ, thịt đóng hộp ở mức dưới 5 lần một tuần.
3. Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt
Kê, khoai lang, yến mạch,... là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ và tinh bột đề kháng, có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu sau ăn, đồng thời tạo ra axit béo chuỗi ngắn thông qua quá trình lên men trong ruột, có thể giúp cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột và từ đó cải thiện môi trường tiêu hóa.
4. Nên ăn nhiều trái cây và rau sẫm màu
Các loại rau quả sẫm màu như bông cải xanh, cà rốt, việt quất… chứa rất nhiều thành phần chống oxy hóa như anthocyanins, lycopene, carotene,… giúp giảm viêm nhiễm.
5. Ưu tiên các loại cá biển sâu
Cá thu đao, cá mòi, cá hồi,… là những thực phẩm rất giàu EPA, DHA, axit béo không bão hòa omega-3 nên có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời làm giảm tình trạng viêm nhiễm.