• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ khởi động cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

Thế giới 19/04/2024 11:20

(Tổ Quốc) - Cuộc tổng tuyển cử quy mô lớn nhất thế giới tại Ấn Độ bắt đầu vào ngày 19/4 với dự kiến khoảng 970 triệu cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu theo 7 giai đoạn (từ 19/4 đến 1/6).

Theo hãng CNN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang kỳ vọng sẽ giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp trong cuộc bầu cử năm nay.

Ấn Độ khởi động cuộc bầu cử lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: R. Satish Babu/AFP/Getty

Các chuyên gia nhận định khả năng sẽ có rất ít thay đổi về mặt chính trị khi đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi vẫn tiếp tục dẫn đầu các cuộc thăm dò gần đây.

Đảng Bharatiya Janata (BJP) đặt mục tiêu giành được số phiếu đa số với sứ mệnh mở rộng sự phát triển cũng như duy trì các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu được thiết lập trong suốt 10 năm cầm quyền của đảng này.

Trong thời gian qua, những chính sách của Thủ tướng Modi đã giúp Ấn Độ phát triển kinh tế và văn hóa, thúc đẩy vị thế của quốc gia Nam Á này trên thế giới.

Tuyên ngôn chiến dịch bầu cử của Đảng BJP tập trung vào tạo việc làm, các chương trình chống đói nghèo như mở rộng phân phát lương thực và chương trình nhà ở, cũng như phát triển quốc gia, đặc biệt tập trung vào phụ nữ, người nghèo, nông dân và thanh niên.

Trên trường quốc tế, Thủ tướng Ấn Độ Modi luôn tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ, chẳng hạn như thúc đẩy việc đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2036 và đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng.

Cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của 6 đảng quốc gia, 57 đảng tiểu bang và 2.597 đảng nhỏ hơn được phép bỏ phiếu nhưng không đáp ứng các điều khoản để được Ủy ban Bầu cử quốc gia chính thức công nhận.

Đảng Quốc đại Ấn Độ gây chú ý

Thách thức của Đảng BJP là Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC) trong bối cảnh đảng đối lập đang nghiên cứu cách tiếp cận thống nhất để đối phó với Đảng BJP đã duy trì trong thập kỷ qua.

Chiến dịch của Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC) hứa hẹn là sẽ "không còn sợ hãi" và cam kết bảo vệ các giá trị dân chủ như quyền tự do ngôn luận, sự biểu đạt và niềm tin tôn giáo được tán thành trong hiến pháp.

Tuyên ngôn của INC cũng nhấn mạnh đến công lý, bình đẳng và phúc lợi, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số cũng như sự an toàn và trao quyền cho phụ nữ, cùng với các cam kết khác như học nghề cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Trong cuộc bầu cử kéo dài hơn 40 ngày, bắt đầu từ ngày 19/4, cử tri Ấn Độ bỏ phiếu bầu 543/545 nghị sĩ vào Hạ viện nhiệm kỳ 5 năm tới. Đảng giành được đa số ghế tại Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới.

Cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu

Vào ngày 19/4, cử tri từ các khu vực bầu cử ở 21 bang và vùng lãnh thổ liên bang trên khắp Ấn Độ sẽ đi bỏ phiếu điện tử. Một số bang lớn thậm chí sẽ phải tham gia bỏ phiếu trong 7 giai đoạn, trong khi những bang khác chỉ bỏ phiếu trong một ngày.

Trong số các bang quan trọng nhất về mặt chính trị là Uttar Pradesh, nơi có 240 triệu người bỏ phiếu ở cả 7 giai đoạn. Bang này cũng là bang lớn nhất Ấn Độ, được xem là một chiến trường quan trọng.

Bang Tây Bengal cũng sẽ bỏ phiếu theo cả 7 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 19/4.

Andaman và Nicobar là nhóm quần đảo tách biệt gồm 572 đảo nhiệt đới, nơi sinh sống của các bộ lạc bản địa trong số các cộng đồng biệt lập nhất thế giới, cũng sẽ tham gia bỏ phiếu vào ngày 19/4.

Do vị trí địa lý rộng lớn, cuộc bỏ phiếu không diễn ra trong một ngày mà sẽ được chia thành bảy giai đoạn ở các bang khác nhau, kéo dài khoảng 6 tuần. Ấn Độ sẽ sử dụng máy tính điện tử tại hơn một triệu phòng bỏ phiếu và Ủy ban bầu cử Ấn Độ sẽ triển khai 15 triệu người để giám sát hoạt động bầu cử. Việc bình chọn sẽ kết thúc vào ngày 1/6 và kết quả cuối cùng sẽ được tính và công bố vào ngày 4/6.

Năm nay, chi phí bầu cử dự kiến sẽ lên tới 1,2 nghìn tỷ rupee (12 tỷ bảng Anh), gần gấp đôi số tiền đã chi trong cuộc bầu cử năm 2019.

Theo hầu hết các nhà phân tích và thăm dò chính trị, ứng cử viên dẫn đầu vẫn là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thuộc đảng BharatiyaJanata (BJP). Thủ tướng Modi, 74 tuổi, lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2014 và đang kỳ vọng tái đắc cử trong nhiệm kỳ thứ ba.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, kết quả của cuộc bầu cử cũng sẽ có tác động trên phạm vi quốc tế. Ấn Độ đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng đối với các quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Pháp, những quốc gia gần đây đã ký kết các thỏa thuận và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với New Delhi./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ