Volvo sẽ sử dụng Unreal Engine để mang đến trải nghiệm mới cho xe điện tương lai

Tấn Minh | 04-06-2022 - 11:12 AM

(Tổ Quốc) - Mối quan hệ đối tác mới này sẽ giúp các mẫu xe điện trong tương lai có được giao diện người - máy (HMI) tốt hơn, ít gây phân tâm hơn.

Volvo là nhà sản xuất ô tô tiếp theo muốn tận dụng sức mạnh đồ họa từ Unreal Engine của Epic Games. Công ty Thụy Điển cho biết sẽ hợp tác với cha đẻ Fortnite để mang "hiệu ứng đồ họa ảnh hiện thực" lên các mẫu xe điện (EV) thế hệ tiếp theo của mình.

Theo TheVerge, mấu chốt trong mối quan hệ đối tác Volvo - Epic sẽ là "giao diện người - máy" (human - machine interface, viết tắt HMI), mà dưới góc nhìn của người điều khiển phương tiện có nghĩa là phương thức chủ xe tương tác với phần mềm trong chính chiếc xe của họ. Volvo cho biết Epic sẽ hỗ trợ quá trình xây dựng một nền tảng mới, cho phép các kỹ sư của Volvo thiết kế phần mềm giúp cải thiện HMI, đồng thời duy trì được đặc tính an toàn vốn đã tạo nên uy tín cho Volvo trên thị trường ô tô.

"Công nghệ này mang lại cho chúng tôi khả năng tạo nên những hiệu ứng đồ họa nhạy bén, chất lượng rất cao mà chúng tôi có thể tùy biến và chèn vào nhiều lớp thông tin, tạo nên những mô hình chân thực khi cần thiết" - theo Thomas Stovicek, giám đốc mảng UX tại Volvo Cars. "Nói chung, tất cả là nhằm tạo nên HMI thế hệ mới dành cho khách hàng của chúng tôi"

Vivo sẽ sử dụng Unreal Engine để mang đồ họa “ảnh hiện thực” lên xe điện - Ảnh 1.

Tính an toàn sẽ là một khía cạnh cốt lõi trong mối quan hệ đối tác mới. Qua nhiều năm, Volvo đã tạo dựng được danh tiếng nhờ những tính năng an toàn và thiết kế mới lạ, và công bố hợp tác với Epic lần này được xem là sự tái khẳng định cho hướng đi đó. Volvo muốn sử dụng Unreal Engine để dựng hình và truyền tải những thứ mà cảm biến ngoài của xe, như camera, radar, và trong tương lai là lidar, đang nhìn thấy đến tài xế mà không khiến họ bị "quá tải" thông tin. "Những thứ đó có thể rất khó để xử lý" - Stovicek nói thêm.

Những mẩu thông tin khác, như điều hướng và thời lượng pin, cũng như hình thức hiển thị của chúng, bao gồm đèn, màu sắc, và đồ họa động, cũng sẽ được cải thiện như Unreal Engine.

Unreal Engine là công cụ chính được Epic sử dụng để tạo nên đồ họa 3D chân thực, lần đầu được trình diễn trong tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất mang tên Unreal vào năm 1998. Kể từ đó, nó đã được sử dụng trong hàng loạt game thuộc đủ mọi thể loại, và được ứng dụng trong cả các ngành công nghiệp khác, đáng chú ý nhất là ngành phim ảnh và truyền hình.

Ngành công nghiệp ô tô là một mục tiêu đặc biệt hấp dẫn đối với Epic Games, chủ yếu bởi ô tô dễ được dựng hình thực tế hơn con người (điều này cũng được thể hiện qua sự phổ biến rộng rãi của các game đua xe). Gần đây nhất, Epic tiết lộ đang hợp tác với GMC để cung cấp phần mềm HMI cho mẫu bán tải chạy điện Hummer EV 2022.

Vivo sẽ sử dụng Unreal Engine để mang đồ họa “ảnh hiện thực” lên xe điện - Ảnh 2.

Nhưng lý do thực sự khiến Epic ngày càng chú ý đến ngành công nghiệp ô tô thì đơn giản hơn: các mẫu xe hiện đại chủ yếu được thiết kế bằng phần mềm và được trang bị hệ thống máy tính tân tiến, với hệ thống thông tin giải trí điều khiển thông qua màn hình cảm ứng và giao diện kỹ thuật số. Và Unreal Engine là một nền tảng tuyệt vời để xây dựng phần mềm, vậy tại sao lại không đưa phần mềm này vào ô tô?

"Những phần cứng mới tích hợp trong ô tô ngày càng trở nên rất hấp dẫn, và ô tô như một nền tảng mới mà chúng ta nên để ý" - theo Heiko Wenczel, giám đốc phòng thí nghiệm Detroit của Epic Games. Ông nói thêm rằng "hãy tưởng tượng những tính năng game có thể thực sự được mang vào trải nghiệm người dùng trong một chiếc ô tô"

Cả Volvo lẫn Epic đều chưa tiết lộ những mẫu xe nào sẽ được tiên phong trang bị phần mềm sử dụng Unreal Engine, hay thời điểm mà khách hàng sẽ được thấy những tính năng đó hiện diện trên những mẫu Volvo sau này.

Volvo cho biết họ dự kiến bán được 600.000 EV tính đến giữa thập kỷ này, và sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở châu Âu vào năm 2026. Công ty còn cho biết đang hợp tác với đối tác Thụy Điển là Northvolt để phát triển pin thế hệ mới với mật độ lưu trữ năng lượng cao hơn, nhằm tích hợp vào ô tô. Loại pin mới này, có thể ra mắt sau năm 2025, sẽ giúp xe chạy được xa hơn sau mỗi lần sạc - lên đến 1.006km - và có thời gian sạc nhanh hơn nhiều.

Volvo cũng sẽ chuyển sang tự phát triển phần mềm để tăng tốc độ cập nhật phần mềm mới, cũng như sửa lỗi hệ thống, cho các phương tiện của mình. Hệ điều hành mới, VolvoCars.OS, sẽ được tích hợp vào các mẫu EV thế hệ tiếp theo và mang lại cho chúng khả năng lái không cần giám sát trên cao tốc.

Vivo sẽ sử dụng Unreal Engine để mang đồ họa “ảnh hiện thực” lên xe điện - Ảnh 3.

Hệ điều hành mới nói trên sẽ đóng vai trò như một "hệ thống dù", quản lý tất cả các hệ thống con trên phương tiện, bao gồm Android Automotive OS, BlackBerry QNX, Linux, và AUTOSAR. Công ty cho biết kiến trúc mới sẽ có một máy tính trung tâm cấu thành bởi 2 SoC do Nvidia cung cấp. Trong đó, một SoC sẽ tập trung vào các chức năng lái cơ bản, và SoC còn lại sẽ điều khiển các tính năng bán tự hành và các chức năng tiên tiến hơn khác. Trong tương lai, Volvo kỳ vọng sẽ hợp nhất hai máy tính này thành một hệ thống đơn nhất để tăng tính hiệu quả trong khâu xử lý.

Tóm lại, Volvo muốn Epic Games hỗ trợ hiện đại hóa các mẫu EV thế hệ mới, đồng thời nhận thức rõ sự thừa thãi tính năng là một vấn đề thực sự cần giải quyết. Hiệu ứng 3D mới mẻ, sắc nét, giàu màu sắc hơn là yếu tố không thể thiếu. Nhưng bất kỳ thứ gì gây mất tập trung cho tài xế sẽ bị loại bỏ.

"Không có gì nằm ngoài dự tính của chúng tôi cả. Điều quan trọng với chúng tôi là sẽ giới thiệu chúng vào một thời điểm hợp lý, trong khi đảm bảo được trải nghiệm lái xe an toàn và giúp khách hàng không bị phân tâm do những tính năng mới mẻ" - Stovicek.

Tham khảo: TheVerge

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM