Vay nợ mua nhà rồi sẽ "không dám ăn, không dám mặc"? Người trong cuộc giãi bày!

Như Anh | 22-07-2022 - 08:00 AM

(Tổ Quốc) - Người trong cuộc chia sẻ những thay đổi trong tài chính cá nhân để thích nghi với thực tại vay nợ mua nhà.

Ngôi nhà là 1 tài sản lớn, để mua được nó, nhiều người đã phải tích cóp đến chục năm mới đủ. Song, hiện nay có rất nhiều chính sách vay thích hợp giúp người mua dễ dàng xoay sở tài chính mua nhà hơn. Bên cạnh đó, vay mượn người thân và bạn bè cũng là cách, vì vậy có rất nhiều người đã mua được nhà từ khi còn rất trẻ.

Tuy nhiên, đi vay nợ cũng đồng nghĩa với một thời gian khá dài sau đó, người mua nhà sẽ sống với 1 khoản nợ không hề nhỏ, luôn "treo lơ lửng" ở đó. Đặc biệt đối với những người trẻ, thu nhập chưa cao, đó là một kiểu áp lực không mấy dễ chịu. Chưa kể đến, không phải trả tiền mua nhà là xong mà còn phải đến chi phí thiết kế hay những lần bảo trì nhà cửa có thể lên tới chục triệu đồng.

Những người đang "cõng" trên lưng 1 khoản nợ mua nhà đã có những thay đổi gì trong chi tiêu, lập ngân sách và tài chính cá nhân nói chung để sống chung với áp lực tiền bạc mới này?

Vay nợ không quá áp lực, nhưng vẫn phải điều chỉnh bài toán tài chính cho phù hợp

Khi hỏi những người mua nhà có áp lực trước các khoản nợ vay không đều nhận được câu trả lời là cũng chỉ áp lực một chút. Nguyễn Chung (30 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) mua nhà 1,8 tỷ đồng, trả trước 600 triệu, vay nợ 1,2 tỷ. Anh chàng 30 tuổi chia sẻ rằng việc mua nhà trả góp nằm trong sự kiểm soát về tài chính cá nhân rồi. Mặc dù đủ sức để trả đứt 100% tiền nhà, Nguyễn Chung không muốn dồn toàn bộ tiền vào nhà cửa, nên đã chia nhỏ ra để đầu tư thêm.

"Tuy vậy, sau khi mua nhà thì bài toán tài chính cá nhân đương nhiên có sự điều chỉnh, vì mình gánh thêm những khoản nợ mới mà. Mình là người sống tối giản nhất có thể, công việc cũng không cho phép mình phụ thuộc quá nhiều đồ đạc, thế nên trong chuyện quản lý tài chính, mình không cần cắt bỏ thêm khoản chi nào. Nếu có, chỉ là làm sao để tăng thu nhập lên thôi".

Góc nhà xinh xắn của Nguyễn Chung

Còn đối với Thắng (27 tuổi, Hà Nội) đã chi "thẳng tay" 3,3 tỷ đồng để mua căn nhà 5 tầng với diện tích đất là 30m2 trên 1 con phố khá tấp nập ở thủ đô, cậu bạn đã vay ngân hàng để mua với mức lãi suất cũng phù hợp để chi trả. Hơn thế nữa, Thắng cho rằng bản thân mua nhà để sống trải nghiệm do vậy không có áp lực tài chính.

"Mình không có áp lực gì hết, bởi vì mình hiểu bản thân đang làm gì. Mọi người đa số trước khi mua nhà đều không làm kĩ bài toán tài chính thế nên họ bị áp lực trả nợ. Còn mình xấu nhất là bán đi để được trải nghiệm mà, quan trọng là do mục tiêu trả nợ. Nếu mình chỉ mong trả nợ để cầm quyển sổ đỏ về thì bản thân có lẽ cũng sẽ áp lực".

Vay nợ mua nhà rồi sẽ không dám ăn, không dám mặc? Người trong cuộc giãi bày! - Ảnh 2.
Thắng

Đặt ra nguyên tắc chi tiêu để không bị xáo trộn trong thời gian trả nợ

Dù không có quá nhiều áp lực, nhưng khi đã bước vào hoàn cảnh mới, chúng ta đều phải thay đổi một điều gì đó để phù hợp. Với những người mua nhà đang vay nợ, đó chính là cách quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là chi tiêu.

Tuyến (30 tuổi, Hà Nội) mua nhà 3,7 tỷ vay nợ 30% giá trị căn nhà chia sẻ rằng: "Việc mua nhà khiến gia đình mình có thêm những khoản nợ mới, đó là trả tiền gốc và lãi khi vay nợ mua nhà. Do vậy, để có thể kiểm soát được ngân sách sinh hoạt cũng như trả nợ, những khoản chi tiêu thuộc mong muốn, không cần thiết đều được cắt bỏ. Thậm chí, hiện tại vợ chồng mình đang cắt bớt khoản tiền xăng xe để tiết kiệm thêm vì giá xăng đang lên quá cao".

Còn về nguyên tắc quản lý tài chính chung, vợ chồng Tuyến vẫn giữ nguyên tắc từ trước rất phổ biến đó chính là 50/30/20. Cụ thể, 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho nhu cầu đi du lịch và duy trì các mối quan hệ, 20% tiết kiệm và đầu tư. Để trả nợ nhanh nhất, Tuyến lựa chọn cắt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết, nằm trong phần 50/30: như tiền xăng xe, hạn chế đi du lịch, xã giao ngoài,…

Vay nợ mua nhà rồi sẽ không dám ăn, không dám mặc? Người trong cuộc giãi bày! - Ảnh 3.

Vợ chồng Tuyến

Không có quá nhiều lo lắng trong vấn đề trả nợ, dù vậy Thắng vẫn có những nguyên tắc riêng cho bản thân và làm theo những điều đó để chắc chắn rằng nền tảng tài chính cá nhân sẽ không bị rối loạn bởi những khoản nợ.

"Khi đi vay tại ngân hàng, mình sẽ nhận được bảng excel cụ thể các khoản phải trả cho từng tháng. Từ đó, mình tính ra các quỹ và khoản chi tiêu trong 1 tháng. Mình có 6 số tài khoản ngân hàng, 1 tài khoản nhận tiền tổng thu nhập hàng tháng. Khi dòng tiền về, mình sẽ chia đều ra tất cả các tài khoản, như vậy sẽ không bị vấn đề tiêu tiền chồng chéo lên nhau. Vì mỗi tài khoản sẽ có tác dụng riêng của nó. Phải đặt ra quy định, nếu tiêu hết trong 1 tài khoản sẽ không được dùng cái khác bù vào".

Vay nợ mua nhà rồi sẽ không dám ăn, không dám mặc? Người trong cuộc giãi bày! - Ảnh 4.
Bảng phân chia các tài khoản của Thắng

Tối đa nên vay nợ bao nhiêu phần trăm?

Một trong những cách để giảm thiểu áp lực khi vay nợ mua nhà chính là xác định đúng con số mà mình có khả năng trả. Có nhiều người lựa chọn vay khả năng trả nợ hiện tại của bản thân vì nghĩ rằng có thể tìm thêm việc ngoài, tăng thu nhập. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ xảy ra và có thể đem đến nhiều rủi ro.

Trong câu chuyện này, Nguyễn Chung cho rằng "Theo mình, hãy lựa chọn đúng thời điểm phù hợp với mình nhất, và rồi sau đó, lên một kế hoạch hoàn hảo cho việc mua nhà và trả nợ. Khó có thể đưa ra 1 con số cụ thể cho nhiều người, mình chỉ có thể ước tính số tiền dựa trên bài toán tài chính cá nhân của mình. Mình sẽ cho phép bản thân vay nợ số tiền khoảng dưới 40% số tiền mình dành để tiết kiệm và đầu tư. Tất nhiên là tiền trả nợ không chiếm hết 40% này đâu nhé, nó chỉ chiếm khoảng 20% là vừa đủ".

Bên cạnh đó, khoản nợ phải trả nằm trong 20% tổng thu nhập là tốt nhất, tối đa cũng chỉ 30%, đây là con số mua để trải nghiệm. Còn mua để lấy sổ đỏ, nên dưới 20%, kể cả không có kênh kinh doanh, vay nợ luôn sổ đỏ là một lợi thế. Còn nếu biết kinh doanh, có thể cầm sổ đỏ lấy vốn để làm ăn "tiền đẻ ra tiền", còn để dòng tiền đứng im là không nên.

Căn nhà đầu tiên của vợ chồng Tuyến

Sở hữu 1 ngôi nhà nhưng có 1 khoản nợ dù có kế hoạch và nằm trong khả năng tài chính, đó vẫn không phải là tình trạng lý tưởng, đặc biệt trong thời gian bão giá như bây giờ. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng có hối tiếc với quyết định của mình không, Tuyến khẳng định rằng, chưa từng cảm thấy như vậy.

"Với mình, nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa. Việc mua nhà vốn dĩ nằm ngoài dự tính của chúng mình. Ban đầu tụi mình chọn ở nhà thuê, nhưng vì không tìm được căn nhà thuê như ý, nên mới quyết định mua trả góp căn nhà bây giờ. Mình không hối hận vì chuyện vay nợ, thay vào đó là sự đánh đổi xứng đáng. Giờ vợ chồng chẳng có gì nhiều ngoài ngôi nhà, vài món nợ và một đứa con siêu yêu cũng đủ cảm thấy cần cố gắng và giữ gìn hơn cả. Và giữa lúc con ốm như thế này, mình mới thấy nhà gần cơ quan thật đáng quý biết bao".

Vay nợ mua nhà rồi sẽ không dám ăn, không dám mặc? Người trong cuộc giãi bày! - Ảnh 6.

Ảnh: NVCC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM