Ung thư máu có di truyền không?

BS. Nguyễn Thị Như Ly, TS. Nguyễn Quốc Thục Phương | 18-12-2021 - 18:59 PM

(Tổ Quốc) - Xét chung mọi độ tuổi, ung thư máu không thuộc nhóm 5 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất hàng năm hay nhóm 5 loại ung thư phổ biến nhất cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới.

Tất cả các bệnh ung thư đều là kết quả của ít nhất một đột biến gien nào đó. Đúng như lo sợ của nhiều người, một số loại ung thư máu có tính di truyền-gien đột biến có thể truyền cho thế hệ sau, làm tăng nguy cơ bị ung thư máu của các thành viên trong gia đình.

Ngoài yếu tố di truyền còn có một vài yếu tố khác cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư như hút thuốc, thừa cân hoặc phơi nhiễm với một số chất diệt cỏ và hóa chất.

Xét chung mọi độ tuổi, ung thư máu không thuộc nhóm 5 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất hàng năm hay nhóm 5 loại ung thư phổ biến nhất cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới.

Thế nhưng, ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi thì nó chính là loại ung thư phổ biến nhất (hoặc nhì tùy giai đoạn). Dữ liệu 5 năm gần nhất từ 2013 đến 2017 cho thấy ung thư máu là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ nhì ở nhóm tuổi dưới 20 này, chỉ sau ung thư não.

Bệnh ung thư máu di truyền như thế nào?

Một số bệnh ung thư máu có tính di truyền. Tuy nhiên, việc thừa hưởng gien đột biến chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư máu.

Ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển một cách mất kiểm soát (thay vì bị phát hiện và tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của cơ thể). Một số đột biến gien (mutation) có thể ảnh hưởng đến cách tế bào ung thư phát triển.

Ví dụ, chúng ta có gien điều hoà giúp kiểm soát sự nhân lên của các tế bào trong cơ thể, ngăn chặn các tế bào nhân lên quá nhanh, giúp bảo vệ một cá thể khỏi bệnh ung thư.

Khi gien này bị đột biến, các tế bào phát triển quá nhanh có thể sẽ không còn bị kiểm soát hiệu quả nữa, dẫn tới sự phát triển của bệnh ung thư.

Ung thư máu có di truyền không? - Ảnh 1.

Nguồn: icarebase.

Cũng cần nhớ rằng thừa hưởng một gien đột biến không có nghĩa rằng người đó sẽ bị ung thư – nó chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư mà thôi.

Thống kê cho thấy thừa hưởng gien đột biến chỉ chiếm 5%–10% nguyên nhân gây ra ung thư. Bên cạnh yếu tố di truyền, các yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư của một người.

Bệnh ung thư máu nào có tính di truyền?

Đột biến gien gây ung thư có thể do di truyền hoặc mắc phải (khi các yếu tố môi trường và lối sống của một cá thể dẫn đến sự xuất hiện của đột biến gien mắc phải).

Mặc dù các đột biến mắc phải phổ biến hơn nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra được một số đột biến gien di truyền có liên quan đến một số bệnh ung thư máu.

Dưới đây là 3 loại ung thư máu thường gặp có tính di truyền:

Bệnh bạch cầu (Leukemia)

Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu bắt đầu từ tủy xương. Sau đó, bệnh sẽ lan sang các cơ quan khác.

Khi một người bị bệnh bạch cầu, tuỷ xương tạo ra nhiều tế bào bạch cầu bất thường (abnormal white blood cell). Đồng thời, tủy xương cũng giảm hoặc không tạo được hồng cầu (giúp vận chuyển oxy) và tiểu cầu (giúp tạo máu đông khi có vết thương hở).

Các loại bệnh bạch cầu nhìn chung được phân loại theo tốc độ bệnh (mạn tính hay cấp tính) và loại tế bào bị ảnh hưởng (tế bào lympho hay myeloid).

Ung thư máu có di truyền không? - Ảnh 2.

Béo phì gây ra rất nhiều chứng bệnh: tim, tiểu đường, tiêu hóa, khớp, kể cả tăng nguy cơ mắc ung thư máu …

Một nghiên cứu công bố trê tạp chí Aliotherapy Pharmacology & Therapeutics do một nhóm bác sĩ-nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC) đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì và tiêu chảy mãn tính. Người béo phì có nguy cơ bị tiêu chảy mãn tính cao hơn 60% so với người vừa cân.

Nguồn: The guardian

Một số loại bệnh bạch cầu có liên quan đến đột biến gen di truyền bao gồm:

- Leukemia dòng lympho mạn tính (Chronic lymphocytic leukemia - CLL): Bệnh xảy ra khi một số tế bào trong tủy sống phát triển mất kiểm soát thành những tế bào lympho bất thường. Chúng tích tụ trong tủy sống, lấn át các tế bào lành mạnh, sau cùng sẽ đi vào máu và xâm lấn các cơ quan khác.

- Leukemia dòng tuỷ cấp tính (Acute myeloid leukemia - AML): Đây là một dạng bệnh cấp tính liên quan đến các bạch cầu ngoại trừ tế bào lympho. Ví dụ, bệnh liên quan đến dòng bạch cầu hạt hoặc bạch cầu monocyte.

- Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic syndromes): Là một nhóm các rối loạn do các tế bào máu hình thành không bình thường hoặc hoạt động chức năng bất thường, dẫn đến số lượng của một hay nhiều loại tế bào máu giảm.

Ung thư máu có di truyền không? - Ảnh 3.

Hút thuốc là một yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây ra nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư máu. Ngay cả khi hút 1-2 điều mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi. Nguồn:Cleveland clinic.

- Bệnh bạch cầu dòng đơn cầu tủy mạn tính (Chronic myelomonocytic leukemia - CMML): Bệnh ung thư này gây ra do tăng trưởng mất kiểm soát của các tế bào đơn cầu (monocyte) chưa hoàn chỉnh. Chúng tích tụ trong tủy xương, lâu dần ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào máu bình thường. Bệnh CMML xảy ra ở người trưởng thành.

- Bệnh bạch cầu tuỷ bào thiếu niên (Juvenile myelomonocytic leukemia – JMML): Bệnh này cũng tương tự như bệnh CMML nhưng xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em.

U lympho (Lymphoma)

U lympho ảnh hưởng đến tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng.

Khác với ung thư bạch cầu bắt đầu xảy ra ở tủy rồi theo máu lan đi các cơ quan khác, ung thư hạch bạch huyết xảy ra ở hệ bạch huyết – bộ phận của hệ miễn dịch chống các mầm bệnh và "dọn dẹp" các tế bào ung thư.

Khi mắc bệnh u lympho, các tế bào lympho bất thường nhân lên và tích tụ trong các hạch bạch huyết và các mô khác, ngăn cản hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường.

Một số loại u lympho có thể di truyền bao gồm:

- U lympho Hodgkin: bệnh u lympho được phân lại vào nhóm u lympho Hodgkin khi phát hiện thấy một tế bào "khổng lồ" đặc biệt có tên gọi Reed sternberg trong hạch bạch huyết.

- U lympho không Hodgkin: Nếu không tìm thấy tế bào Reed sternberg trong hạch bạch huyết thì sẽ được phân loại vào nhóm u lympho không Hodgkin.

- Bệnh tăng globulin đại phân tử Waldenstrom (Waldenström’s macroglobulinemia): Một thể tiến triển chậm của u lympho không Hodgkin khi tế bào B tạo ra lượng kháng thể IgM đơn dòng quá mức.

U tủy xương (Myeloma)

U tủy xương ảnh hưởng đến huyết tương, phần chất lỏng của máu.

Các tế bào plasma (một loại tế bào lympho B) bình thường tạo ra các kháng thể chống lại nhiễm trùng. Khi mắc bệnh u tủy xương, các tế bào plasma bất thường không thể thực hiện chức năng này, làm cho suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể gây ra thiếu hụt các tế bào hồng cầu, nồng độ canxi cao và suy thận.

Một số loại u tủy xương có liên quan đến đột biến gen di truyền bao gồm:

- Đa u tủy xương (Multiple myeloma - MM): bệnh này ảnh hưởng đến các tế bào plasma.

- Tăng sinh tủy ác tính (Myeloproliferative neoplasm – MPN): Tủy xương tăng sinh quá mức, sinh ra lượng lớn các tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.

Các yếu tố nguy cơ khác của ung thư máu

Trong khi các đột biến gien di truyền là yếu tố nguy cơ gây ung thư (tăng khả năng mắc bệnh) thì các đột biến gien mắc phải lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh ung thư máu.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng khả năng xảy ra đột biến mắc phải.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bạch cầu bao gồm:

- Tiếp xúc với liều lượng lớn bức xạ ion hóa, chẳng hạn như tia X.

- Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc.

- Tiếp xúc với benzen.

- Hội chứng Down.

- Rối loạn máu, chẳng hạn như bệnh đa hồng cầu.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh u lympho bao gồm:

- HIV.

- Nhiễm virus bao gồm Epstein-Barr và virus gây bệnh trên bạch cầu lympho T ở người.

- Tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.

Ung thư máu có di truyền không? - Ảnh 4.

Nông dân Việt Nam từng tiếp xúc thường xuyên và rất gần với thuốc trừ sâu trong khi không có bảo hộ an toàn. Nguồn: cafebiz.

Các yếu tố nguy cơ đối của u tủy xương bao gồm:

- Giới tính nam.

- Tuổi từ 45 trở lên.

- Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi.

- Béo phì.

- Đã từng hoặc đang phơi nhiễm tia X và các loại bức xạ ion hóa khác.

Một người bị ung thư máu có thể sống được bao lâu?

Tiên lượng của một người phụ thuộc vào loại ung thư họ mắc phải, giai đoạn và cách bác sĩ điều trị.

Dưới đây là tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối của một số bệnh ung thư máu do Hiệp hội Bệnh bạch cầu & Ung thư hạch bạch huyết Mỹ thống kê (tính theo tỉ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh so với người không mắc bệnh):

- Leukemia dòng lympho cấp tính (acute lymphatic leukemia): 72,1%

- Leukemia dòng tủy cấp tính (AML): 29,8%

- Leukemia dòng lympho mạn tính (CLL): 88,6%

- Leukemia dòng tủy mạn tính (chronic myeloid leukemia): 71,7%

- U lympho Hodgkin: 89,6%

- U lympho không Hodgkin: 75,1%

- U tủy xương: 55,1%

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là tình trạng của mỗi cá thể không giống nhau. Do đó bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị và tư vấn chính xác chứ không nên nghe theo lời truyền miệng trên mạng mà tự chọn lựa các bài thuốc dân gian "thần kỳ".

Nguồn tham khảo:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/is-blood-cancer-hereditary?fbclid=IwAR1PRceoi6QkX7_0hRt_0w5syVZRIpPfxEYBCnBIfal8BnfSdGt4JOGT0xk

https://www.lls.org/facts-and-statistics/facts-and-statistics-overview

https://ungthuvietnam.com/cac-benh-ung-thu/ung-thu-mau/ty-le-mac-ung-thu-ung-thu-mau-o-viet-nam-dang-o-muc-bao-dong.html

https://www.lls.org/facts-and-statistics/childhood-and-adolescent-blood-cancer-facts-and-statistics

https://www.lls.org/ (định nghĩa các loại ung thư)

Biên dịch/tổng hợp: BS. Nguyễn Thị Như Ly, TS. Nguyễn Quốc Thục Phương

Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM