Cứ vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, các chị em nội trợ lại rôm rả bàn tán, mách nhau những địa chỉ mua cherry căng mọng, ngọt nước và quan trọng là có giá "rẻ bèo" so với các thời điểm khác trong năm.
Cherry có thể được sử dụng như một bữa tráng miệng tuyệt vời hoặc trở thành món mứt, sinh tố dầm kem... đều vô cùng hấp dẫn và bổ dưỡng.
Theo y học hiện đại, trong quả cherry có chứa chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn các gốc tự do gây tổn thương tế bào và mô. Ngoài ra, cherry còn chứa lượng vitamin A gấp 20 lần quả việt quất hoặc dâu tây. Chúng cũng chứa beta-carotene-vitamin rất có lợi cho hệ miễn dịch, thị lực và da.
Trong Đông y, cherry được sử dụng như một loại thuốc/món ăn có tác dụng ổn định tim mạch, tiểu đường, chữa bỏng, phòng ngừa và làm giảm viêm khớp, gút... Dù vậy, cherry vẫn có thể gây tổn hại cho sức khỏe nếu bạn dùng sai cách.
Trong quả cherry có 1 bộ phận chứa độc tố
Đó chính là hạt cherry! Theo cơ quan môi trường tại Anh, hạt cherry nằm trong top 10 các thực phẩm độc hại nhất chúng ta hay ăn.
Theo các nhà nghiên cứu, trong hạt cherry có chứa cyanogenic hoặc cyanide-forming glycosides có thể hình thành amygdalin nếu chúng ta nhai chúng, đây là dấu vết của chất xyanua (một trong những loại hóa chất cực độc, sẽ trực tiếp làm tổn thương hệ hô hấp của tế bào và gây tử vong cho người ăn).
Dấu hiệu ngộ độc xyanua khi ăn phải hạt cherry bao gồm cồn cào ruột, đau đầu, buồn nôn... Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới ngừng tim, suy hô hấp và tử vong.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, trường hợp ngộ độc chỉ xảy ra khi hạt cherry đã bị dập nát. Nếu bạn vô tình nuốt phải loại hạt này mà không cắn vỡ thì cũng không cần phải quá lo lắng vì hạt cherry có vỏ dày và rất cứng, có tác dụng ngăn không cho độc tố phát tán, sau đó sẽ được đào thải ra cùng phân.
Một số lưu ý quan trọng khi ăn cherry
1. Không nên ăn quá nhiều cherry một lúc
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), bất cứ thực phẩm nào ăn quá nhiều cũng sẽ phá vỡ sự mất cân bằng trao đổi chất trong cơ thể và gây khó chịu, cherry cũng là loại thực phẩm không ngoại lệ. Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 200- 400g cherry.
2. Không được ăn cherry kèm cà rốt
Trong khi cherry chứa rất nhiều vitamin C thì củ cà rốt lại chứa một chất ascorbate, nếu kết hợp với nhau sẽ làm giảm tác dụng của vitamin C đối với cơ thể con người.
3. Không được ăn cherry kèm quả dưa chuột
Quả cherry có chứa một lượng vitamin C cao, trong khi đó enzyme phân hủy có trong dưa chuột sẽ làm giảm vitamin C, ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin C của cơ thể.
4. Không ăn cherry kèm gan động vật
Các vitamin C có trong cherry sẽ bị oxy hóa bởi các ion đồng và sắt trong gan của động vật. Do đó, việc kết hợp này sẽ làm mất giá trị dinh dưỡng quý báu của cherry.
5. Không nên để cherry quá lâu
Lương y Sáng khuyên nên nhớ thời gian bảo quản của quả cherry ngắn, không nên để dưới ánh nắng trực tiếp. Quả cherry chỉ nên ăn khoảng 3 ngày, bảo quản trong tủ lạnh và không nên rửa nước để tránh bị hỏng.