Tranh cãi Thần Đồng Đất Việt dạy trẻ khôn lỏi, ít giá trị giáo dục: "Lỗi lớn nằm ở việc cha mẹ không dạy con phản biện tốt"

Hạ Uyên | 02-02-2021 - 00:04 AM

(Tổ Quốc) - Ý kiến của đạo diễn phim Trạng Tí về bộ truyện Thần đồng Đất Việt không chỉ gây tranh cãi trong cộng đồng mạng mà còn thu hút sự chú ý và phản biện của rất nhiều chuyên gia giáo dục lẫn phụ huynh.

Thần đồng Đất Việt là một bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập được độc giả yêu thích. Hầu hết những sự kiện chính xảy ra trong Thần Đồng Đất Việt đều dựa trên những câu truyện, điển tích lịch sử có thật của Việt Nam. Cũng vì yếu tố này mà bộ truyện nhanh chóng được đón nhận và hưởng ứng.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo ra mắt phim Trạng Tí, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chê nguyên tác Thần đồng Đất Việt: "Toàn dạy con nít những trò khôn lỏi, ranh mãnh".

Ngày 27/1, đạo diễn này tiếp tục đăng tải dòng trạng thái dài trên mạng xã hội, giải thích về phát ngôn của mình: "Một trong những điều mình không thích ở bộ truyện Thần đồng Đất Việt chính là việc truyện dựa vào nhiều tích dân gian, trong đó có nhiều mẩu truyện dạy con nít những trò khôn lỏi, khôn vặt, ranh mãnh, chứ không bằng trí thông minh để giải quyết vấn đề".

Tranh cãi Thần Đồng Đất Việt dạy trẻ khôn lỏi, ít giá trị giáo dục: Lỗi lớn nằm ở cha mẹ đã không dạy con phản biện tốt - Ảnh 1.

Tạo hình của 4 nhân vật chính trong phim Trạng Tí.

Phát ngôn trên nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Người đồng tình, người phản đối và gây ra cuộc tranh cãi gay gắt những ngày qua, nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Anh T.A (TP. HCM), một phụ huynh có con nhỏ 5 tuổi, đồng thời là người theo dõi và quan tâm sát sao câu chuyện này cho rằng:

 Việc con đọc sách mà trở nên khôn lỏi thì lỗi lớn nằm ở cha mẹ

Mình không nói riêng truyện Thần đồng Đất Việt, nhưng xét chung các tích trạng của Việt Nam xưa, chuyện dạy trẻ khôn lỏi vốn không phải là vấn đề quá mới. 

Tuy nhiên, nếu đặt trường hợp đúng là bộ truyện Thần đồng đất Việt có dạy trẻ khôn lỏi thật thì có thể vẫn có giá trị nếu hướng dẫn con đọc "đúng cách". Ví dụ, ai cũng kể chuyện Tấm Cám trả thù, nhưng làm gì có đứa bé nào đi giết em kế mình làm mắm. Mình kể chuyện này cho con mình 5 tuổi xong, nó bảo truyện gì kỳ cục không hay, và nó không bao giờ muốn nghe lại chi tiết Tấm trả thù nữa. 

Điều quan trọng là lúc bạn đọc sách cùng con, bạn để trẻ phát biểu quan điểm như thế nào và nói chuyện với con mình ra sao. Chẳng hạn, sau khi mình tự tin vào độ phản biện của con, mình sẽ cho con tiếp cận với truyện và hỏi phản ứng. Theo mình thì tác phẩm dù tốt hay xấu gì cũng là tác phẩm, không nên đổ lỗi vì nó mà tôi xấu đi hay con tôi tệ đi. Bạn phải chấp nhận hấp thụ thì cái xấu mới thấm vào bạn được. Cho nên vấn đề luôn ở bản thân bạn, không nằm ở tác phẩm.

Nếu truyện Thần đồng Đất Việt có dạy con khôn lỏi và việc con bạn đọc trở nên khôn lỏi thì lỗi lớn nằm ở cha mẹ đã không dạy con phản biện tốt chứ không phải ở bộ truyện này. Nói cách khác, bản chất "khôn lỏi" nếu có của bộ truyện chỉ thể hiện chất lượng nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm tới đâu mà thôi, không có nghĩa vụ giáo dục gì ở đây cả.

Anh T.A

Nếu truyện Thần đồng Đất Việt có dạy con khôn lỏi và việc con bạn đọc trở nên khôn lỏi thì lỗi lớn nằm ở cha mẹ đã không dạy con phản biện tốt chứ không phải ở bộ truyện này. Nói cách khác, bản chất "khôn lỏi" nếu có của bộ truyện chỉ thể hiện chất lượng nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm tới đâu mà thôi, không có nghĩa vụ giáo dục gì ở đây cả.

Khi đạo diễn Nhật Linh nhận xét Thần đồng Đất Việt dạy trẻ khôn lỏi, đó là đánh giá chất lượng nghệ thuật, tư tưởng của một tác phẩm đứng trên lập trường một nghệ sĩ có chính kiến riêng. Đừng lầm tưởng và hướng nó vào vấn đề bản chất giáo dục.

Tranh cãi Thần Đồng Đất Việt dạy trẻ khôn lỏi, ít giá trị giáo dục: "Lỗi lớn nằm ở việc cha mẹ không dạy con phản biện tốt" - Ảnh 3.

Còn muốn con phát triển tư duy phản biện thì chính bố mẹ phải tạo điều kiện và đồng hành cùng con mà thôi. Ở nhà, mình liên tục "cà khịa", mở rộng vấn đề, đẩy con vào paradox (nghịch lý). Ví dụ khi con không biết vì sao được dạy là phải nghe lời người lớn, mình bảo ba cấm con cười rồi chọc lét. Con sẽ rơi vào paradox và phản biện lại. Từ đó nhận ra lời dạy luôn nghe lời người lớn là tầm bậy mà chỉ nghe cái đúng.

Dạy con 1 bộ lọc tốt để tự lựa chọn và quyết định

Định hướng như thế nào còn tùy vào lứa tuổi. Ví dụ dưới 6 tuổi thì bạn phải kiểm soát hoàn toàn những gì con tiếp xúc vì thời đại này đang dư thừa sản phẩm và quá nhiều thứ lệch lạc, núp bóng "giải trí" mà làm hại đến tư duy con trẻ. 

Còn trên 6 tuổi, con bắt đầu biết đọc thì phải nới rộng dần vòng kiểm soát. Mình không thể và không nên kiểm duyệt mọi thứ. Từ 12 tuổi trở lên, bé đã vào internet sành sõi rồi thì cha mẹ coi như hết năng lực kiểm soát.

Tranh cãi Thần Đồng Đất Việt dạy trẻ khôn lỏi, ít giá trị giáo dục: "Lỗi lớn nằm ở việc cha mẹ không dạy con phản biện tốt" - Ảnh 4.

Cho nên chiến lược hiệu quả nhất là: Dạy con một bộ lọc tốt để tự lựa chọn và quyết định. Con có thể mua nhầm vài đầu sách tệ nhưng đọc xong biết dừng lại thì không phải lo. Đồng thời, luôn cởi mở để con không giấu diếm mình bất cứ điều gì. Trò chuyện mỗi ngày thì ta luôn biết chắc tư duy con có gì sai không. Chỉ có thể giáo dục tốt và luôn đồng hành cùng con mà thôi. 

Nhiều năm tìm sách và tuyển chọn sách hay cho con, ông bố này cho rằng, hiện tại sách thiếu nhi khá nhiều và đẹp, nhưng phải rất mất công mới lọc ra được một tác phẩm đáng đọc. Thành ra vấn đề bây giờ không phải là thiếu sách mà là thiếu các nhà tuyển chọn sách hay. Việt Nam bây giờ cần xuất hiện nhiều tác giả viết bình luận sách, tạo ra "playlist" (danh sách) để phụ huynh tham khảo.

"Tóm lại, phụ huynh cần dạy con tự tạo bộ lọc cho chính mình và thị trường cần xuất hiện các chuyên gia đi lọc sách hộ trên tư cách gợi ý chứ không phải kiểm duyệt, đây là hai yếu tố cần thiết để trẻ em tiếp cận được các đầu sách hay và hữu ích", anh T.A nhận định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM