Thương hiệu BigAlly: Hành trình kết nối thời trang với nghề dệt thổ cẩm Tây Bắc và Tây Nguyên

Quang Vũ | 15-01-2024 - 12:00 PM

(Tổ Quốc) - Những năm trở lại đây, thương hiệu thời trang bền vững BigAlly thu hút được sự chú ý đặc biệt ở các diễn đàn sáng tạo bởi lối đi riêng. Các thiết kế của BigAlly dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống Việt Nam. Hành trình phục hồi những chất liệu cũ theo cách truyền thống của BigAlly đã mang đến cho cộng đồng nhiều câu chuyện truyền cảm hứng.

Từ những tâm huyết và niềm tin kì lạ

Từ xưa đến nay, làng thời trang Việt không hiếm những nhà thiết kế hay thương hiệu theo đuổi việc đưa chất liệu truyền thống, họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử dân tộc vào thời trang ứng dụng. Và trong số đó có thương hiệu BigAlly của founder Trần Thị Ngọc Bích.

photo-1

Vải thổ cẩm Tây Bắc

photo-1

Vải thổ cẩm Tây Nguyên

Theo chị Ngọc Bích, hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các chất liệu truyền thống, cũng như những trang phục được làm hoàn toàn thủ công. Những bộ sưu tập thời trang cao cấp nhất trên thế giới (haute couture) đều được làm bằng tay, rất công phu, tốn kém. Chị cảm thấy tiếc nuối khi kỹ thuật chế tác thủ công của người Việt không được truyền lại cho thế hệ sau ở những môi trường liên quan đến truyền thống, trong đó có môi trường thiết kế.

Điều đó thôi thúc nhà sáng lập BigAlly phải làm gì đó trước khi vốn tri thức dân gian quý báu của các cộng đồng biến mất trong cuộc sống đương đại.Và công cuộc đồng hành cùng các cộng đồng bản địa trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho chính thương hiệu đã bắt đầu như thế. Hơn 5 năm qua, chị Ngọc Bích miệt mài chọn cho mình một lối đi riêng, chị đã lặn lội đến các bản làng vùng núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên để tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng họa tiết trên vải thổ cẩm của các dân tộc thiểu số, hướng đến những giá trị và tinh thần văn hóa bản địa. Bởi với chị, những điều đó mới làm nên bản sắc để định vị thiết kế thời trang Việt trên bản đồ thế giới.

Đến những thiết kế thời trang độc đáo từ thổ cẩm

Nói về hoa văn thổ cẩm thì đã được ứng dụng nhiều trong thiết kế bằng những chất liệu in hoặc thêu, nhưng dùng đúng vải thổ cẩm của đồng bào dệt thì chưa có nhiều, bởi chất liệu này, nếu không thật khéo thì không thể có một sản phẩm đẹp được. Hiện nay, đời sống của các nghệ nhân vẫn gặp nhiều khó khăn do không tìm được thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm hoàn thiện ít được ưa chuộng. Với mong muốn cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống bằng nghề dệt thổ cẩm, cũng như lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống và chấp nhận thách thức để tiếp cận những bí quyết truyền thống thế là chị Ngọc Bích đã bắt tay vào việc nghiên cứu và khám phá nghệ thuật thổ cẩm của đồng bào Tây Bắc và Tây Nguyên.

Sau thời gian dày công học hỏi và trải nghiệm, đội ngũ nhà thiết kế của thương hiệu đã biến những tấm vải thổ cẩm truyền thống thành những tác phẩm thời trang độc đáo. Những bộ trang phục mang dấu ấn của người sáng lập và thương hiệu BigAlly đem lại không chỉ vẻ đẹp mà còn là sự kết nối mạnh mẽ với văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Tây Bắc và Tây Nguyên. Những thiết kế này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và yêu quý di sản văn hóa mà còn giúp đưa nghề dệt thổ cẩm lên tầm cao mới.

photo-2

BigAlly ra mắt bộ sưu tập "Sắc màu ruộng bậc thang" tại sàn diễn 9 Fashion Show

Chị Ngọc Bích không chỉ là một nhà thiết kế thời trang mà còn là một người gửi gắm thông điệp về tình yêu và bảo tồn di sản văn hóa. Sứ mệnh của chị là giúp động viên, phát triển và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong tương lai, chị hy vọng nghề này trở nên phổ biến hơn, và vẻ đẹp của thổ cẩm Tây Bắc, Tây Nguyên được truyền tải đến mọi người thông qua những bộ trang phục độc đáo và tinh tế.

photo-3

Các người mẫu của BigAlly mang màu sắc Tây Bắc tham dự Festival Thu Hà Nội 2023

photo-4

Mẫu nhí mặc trang phục được BigAlly lấy cảm hứng từ thổ cẩm Tây Nguyên

Chị đã biến những tấm thổ cẩm rực rỡ, được làm thủ công từ chất liệu tự nhiên, thành những tác phẩm thời trang tinh tế, độc nhất vô nhị. Sắc màu và họa tiết truyền thống nay được đưa lên sàn diễn thời trang, mang đến cho người mặc cảm giác thời trang không chỉ đẹp mắt mà còn đậm đà văn hóa và giá trị của các vùng đất dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên.

photo-5

Chị Ngọc Bích trong trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên

Với sứ mệnh bảo tồn di sản và tình yêu sâu đậm đối với vùng đất Tây Bắc, Tây Nguyên, founder Trần Thị Ngọc Bích tiếp tục lan tỏa sự sáng tạo và ý nghĩa văn hóa của mình, để giữ cho di sản này sống mãi trong lòng mọi người và thế hệ mai sau.

Rõ ràng, khi thế giới càng phát triển thì yếu tố bản sắc càng được đề cao. Việc tìm về với truyền thống còn là câu trả lời hiệu quả cho phát triển kinh tế bền vững nói chung và thiết kế bền vững nói riêng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM