Thị trường ngày 7/9: Giá dầu và vàng giảm, quặng sắt chạm đáy 7 tháng, nhôm đạt đỉnh 10 tháng

Minh Quân | 07-09-2021 - 07:21 AM

(Tổ Quốc) - Phiên giao dịch 6/9, giá dầu đi xuống, vàng cũng giảm nhẹ những vẫn ở sát mức cao nhất 2,5 năm, quặng sắt mất gần 6% xuống thấp nhất 7 tháng; trái lại, giá nhôm cao nhất 10 năm, cà phê robusta cao nhất 4 năm, đường và cacao cũng tăng. Một số thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu giảm do Saudi Arabia hạ giá

Giá dầu thế giới phiên 6/9 giảm do Saudi Arabia giảm giá đối với các hợp đồng dầu thô bán cho khách hàng Châu Á làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu có thể sẽ tiếp tục yếu đi.

Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 39 US cent xuống 72,22 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 40 US cent xuống 68,89 USD/thùng.

Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia, Aramco, hôm Chủ nhật (5/9) đã phát đi thông báo tới khách hàng rằng họ sẽ giảm giá bán chính thức cho tất cả các loại dầu thô bán cho khách hàng Châu Á trong tháng 10 với mức giảm ít nhất là 1 USD/thùng. Châu Á là khu vực mua nhiều dầu thô nhất của nước này. Mức giảm giá 1 USD cao hơn so với dự kiến của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.

Trong khi đó, công suất sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô sản xuất mỗi ngày ở Vịnh Mexico vẫn bị gián đoạn sau cơn bão Ida.

Vàng gần cao nhất nhiều tháng

Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do USD vững lên, nhưng với tâm lý đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ trì hoãn việc rút dần các biện pháp kích thích kinh tế do đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngăn giá vàng giảm xa khỏi mức cao nhất trong vòng 2,5 tháng.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.822,86 USD/ounce, không xa nhiều so với mức 1.833,80 USD của phiên liền trước (3/9); vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,5% xuống 1.825,10 USD.

Chỉ số đô la Mỹ tăng lên so với các tiền tệ đối tác chủ chốt khác làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các tiền tệ khác.

Nhôm cao nhất 10 năm

Giá nhôm tăng trong phiên vừa qua do cuộc đảo chính ở Guinea gây lo ngại rằng nguồn cung bauxite – nguyên liệu để sản xuất nhôm – có thể bị gián đoạn.

Các nhà phân tích cho biết Guinea sản xuất khoảng 1/4 lượng bauxite trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguồn cung ở nước này bị gián đoạn. Một phát ngôn viên quân đội hôm 6/9 cho biết nước này đã mở lại biên giới trên bộ và trên không một ngày sau khi các binh sĩ lực lượng đặc biệt cho thông báo đã giải tán chính phủ và đình chỉ hiến pháp.

Theo đó, giá nhôm trên sàn London kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên tăng 1,6% lên 2.769,50 USD/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2011, là 2,782 USD.

Giá nhôm đã tăng khoảng 40% trong năm nay.

Cà phê robusta cao nhất 4 năm

Giá cà phê robusta tăng mạnh do nguồn cung bị thắt chặt. Hợp đồng robusta kỳ hạn tháng 11 kết thúc phiên này tăng 1,4% lên 2.087 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm là 2.094 USD.

Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19 là nguyên nhân chính đẩy giá robusta tăng lên.

Sàn giao dịch cà phê Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Giá arabica hôm thứ Sáu (3/9) giảm 0,7% xuống 1,93 USD/lb, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng 0,4%.

Cacao đạt đỉnh 6 tháng

Giá cacao kỳ hạn tháng 12 trên sàn London kết thúc phiên tăng 0,8% lên 1.815 GBP/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 là 1.818 GBP.

Mức chênh lệch giá của hợp đồng kỳ hạn tháng 12 so với kỳ hạn tháng 3 năm sau đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3, do dự đoán nguồn cung sẽ bị thắt chặt trong niên vụ 2021/22 (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 9).

Đường tăng

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 trên sàn London tăng 0,5% lên 487,60 USD/tấn. Sản lượng đường tinh luyện từ củ cải đường của Đức trong niên vụ mới 2021/22 được dự báo sẽ tăng lên khoảng 4,38 triệu tấn, so với 4,10 triệu tấn của niên vụ trước.

Nhà môi giới Marex Spectron dự báo triển vọng dài hạn của thị trường đường vẫn là giá sẽ tăng do sản lượng giảm ở Brazil.

Cao su giảm do lo ngại về nhu cầu

Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua do dữ liệu việc làm của Mỹ yếu và các chỉ báo kinh tế ở Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới – cũng không khả quan làm gia tăng lo ngại về khả năng nhu cầu cao su trên toàn cầu sẽ chậm lại, mặc dù kỳ vọng tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tăng cường kích thích kinh tế giúp ngăn giá giảm mạnh.

Cao su kỳ hạn tháng 2 trên sàn Osaka phiên này giảm 1,0 yên, tương đương 0,5%, xuống 211,0 yên (1,9 USD)/kg.

Ở những sàn giao dịch khác, cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Thượng Hải tăng 80 CNY lên 13.820 CNY (2.140 USD)/tấn; kỳ hạn tháng 10 trên sàn Singapore vững ở 164,5 US cent/kg.

Lúa mì tăng tuần thứ 8 liên tiếp

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tăng tuần thứ 8 liên tiếp do thuế xuất khẩu tăng, nhu cầu nội địa cao, sản lượng vụ mùa năm 2021 giảm và tỷ giá đồng RUB mạnh lên.

Lúa mì Nga hàm lượng 12,5% protein FOB Biển Đen kỳ hạn cuối tháng 9 hiện đạt 299,50 USD/tấn, tăng 0,50 USD so với tuần trước.

Thuế xuất khẩu lúa mì của Nga – được định ra hàng tuần - tăng lên 46,50 USD/tấn trong tuần 8-14/9, so với 39,40 USD một tuần trước đó. Chỉ số giá tính thuế vẫn thấp hơn so với giá FOB thực tế.

Quặng sắt giảm hơn 5%

Giá quặng sắt Châu Á giảm hơn 5% trong phiên vừa qua, với giá trên sàn Đại Liên chạm mức thấp nhất 7 tháng do lượng tồn trữ ở Trung Quốc tăng mạnh bởi nhập khẩu tăng và nhu cầu trong nước yếu.

Quặng sắt kỳ hạn giao tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 5,6% xuống 731 CNY (113,26 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 4/2. Tương tự, quặng kỳ hạn tháng 10 trên sàn Singapore cũng giảm 5,1% xuống 135,7 USD/tấn, thấp nhất kể từ 24/8.

Dữ liệu của công ty tư vấn của SteelHome cho thấy quặng sắt nhập khẩu dự trữ tại các cảng ở Trung Quốc đã tăng lên 133,40 triệu tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.

Quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay vào Trung Quốc giảm xuống 145,50 USD/tấn trong phiên 3/9, mức thấp nhất kể từ ngày 23/8, so với 156 USD một tuần trước đó, dữ liệu của SteelHome cho thấy.

Dầu thực vật tăng

Giá dầu cọ Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp theo xu hướng giá giao dịch trên sàn Đại Liên, mặc dù dự báo lượng dự trữ tăng lên.

Theo đó, dầu cọ giao tháng 11 trên sàn Bursa (Malaysia) giữa phiên 6/9 tăng 23 ringgit, tương đương 0,53%, lên 4.333 ringgit (1.045,86 USD)/tấn.

Dự trữ dầu cọ cuối tháng 8 của Malaysia tăng 16,3% so với tháng 7 lên 1,74 triệu tấn, cao nhất trong hơn một năm, theo kết quả khảo sát của Reuters. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sản lượng tháng này cũng tăng 11,2% lên 1,7 triệu tấn, trong khi xuất khẩu giảm 12,3% xuống 1,24 triệu tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 7/9

Thị trường ngày 7/9: Giá dầu và vàng giảm, quặng sắt chạm đáy 7 tháng, nhôm đạt đỉnh 10 tháng - Ảnh 1.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM