Giá dầu tăng
Giá dầu tăng, do lo ngại nguồn cung mới sau khi các nhà sản xuất OPEC từ chối lời kêu gọi của Mỹ, để đẩy nhanh sản lượng tăng ngay cả khi nhu cầu về gần mức trước đại dịch.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/11, dầu thô Brent tăng 2,2 USD lên 82,74 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2,46 USD lên 81,27 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu Brent giảm khoảng 2% và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, dầu WTI giảm 2,7%.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC đã đồng ý kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.00 thùng/ngày kể từ tháng 12/2021. Tổng thống Joe Biden kêu gọi tăng thêm sản lượng để hạ nhiệt giá dầu tăng. Bob Yawger, giám đốc năng lượng thuộc Mizuho cho biết, OPEC quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng và chính quyền Biden không có phản ứng đáng kể đã đẩy giá dầu tiếp tục tăng.
Giá khí tự nhiên giảm gần 4%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm khoảng 4%, do sản lượng đạt gần mức cao kỷ lục và kỳ vọng các công ty tiện ích của Mỹ sẽ dự trữ khí đốt trong vài tuần nữa.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York giảm 20 US cent tương đương 3,5% xuống 5,516 USD/mmBtu. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 2% sau khi tăng 3% trong tuần trước đó.
Giá khí tự nhiên giảm bất chấp dự báo thời tiết lạnh hơn so với dự kiến, sẽ thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm đến giữa tháng 11/2021.
Giá vàng cao nhất gần 2 tháng
Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất gần 2 tháng, khi các ngân hàng trung ương lớn giữ thái độ ôn hòa đối với lãi suất trong tuần này, thúc đẩy nhu cầu vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,2% lên 1.813,36 USD/ounce, sau khi giảm 0,3% bởi số liệu cho thấy việc làm của Mỹ trong tháng 10/2021 tăng nhanh hơn so với dự kiến và vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York tăng 1,3% lên 1.816,8 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 1,8% và có tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Giá nhôm thấp nhất hơn 3 tháng
Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng, do sản lượng than đá tại Trung Quốc tăng, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung kim loại này từ các lò luyện bằng nhiên liệu hóa thạch.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm xuống 2.510 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Tính đến nay, giá nhôm giảm 20% kể từ mức cao nhất 13 năm hồi giữa tháng 10/2021.
Sản lượng than đá ngày tại Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – đạt gần mức cao kỷ lục (11,2 triệu tấn) hôm 3/11/2021, nhờ các biện pháp tăng cường sản xuất. Tính trạng thiếu than đá đã đẩy giá lên mức cao chưa từng có, làm tăng giá thành điện năng, trong đó điện chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất nhôm.
Giá quặng sắt có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, thép giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm và có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, khi nhu cầu ngành công nghiệp vẫn chậm chạp do các hạn chế sản lượng thép tại nước này.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 3,2% xuống 561 CNY (87,65 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 12,1%. Giá than luyện cốc giảm 0,8% xuống 2.390 CNY/tấn và giá than cốc giảm 1,9% xuống 3.046 CNY/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá than luyện cốc tăng 5,4% và giá than cốc tăng 2,3%.
Công suất sản xuất tại 163 lò cao tại các nhà máy thép Trung Quốc tính đến ngày 5/11/2021 đạt 62,39%, giảm so với 66,17% tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,6% xuống 4.247 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 2,2% xuống 4.569 CNY/tấn, giá thép không gỉ giảm 0,6% xuống 18.270 CNY/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 6 tuần, sau cuộc thăm dò cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có khả năng suy giảm trong quý gần đây nhất do đại dịch Covid-19.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 1 JPY tương đương 0,5% xuống 219,6 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 5,7%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 1,4% xuống 13.395 CNY/tấn.
Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ giảm trong quý 3/2021, do nguồn cung giảm và các hạn chế nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm Covid-19, ảnh hưởng đến tiêu thụ và sản lượng.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London giảm 1% xuống 2.182 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm (2.278 USD/tấn) trong tuần trước đó, do lo ngại về vụ thu hoạch tại nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu – Việt Nam.
Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn ICE giảm 1,9% xuống 2,0465 USD/lb, song có tuần tăng 0,3%.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1% lên 19,83 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 0,4% lên 508,7 USD/tấn.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều giảm
Giá đậu tương tại Chicago giảm phiên thứ 3 liên tiếp, bởi vụ thu hoạch bội thu và triển vọng trồng trọt tại Nam Mỹ tăng mạnh, làm gia tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu vào giữa tháng 1/2022.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 17-1/4 US cent xuống 12,05-1/2 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 3,52% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 20/8/2021. Giá ngô giảm 6-1/4 US cent xuống 5,53 USD/bushel, giá lúa mì giảm 7-1/4 US cent xuống 7,66-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm gần 4%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần và có tuần giảm thứ 3 liên tiếp trong 4 tuần, do giá dầu thực vật khác giảm mạnh và tồn trữ tính đến cuối tháng 10/2021 cao hơn so với dự kiến, gây áp lực thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 191 ringgit tương đương 3,77% xuống 4.880 ringgit (1.173,64 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 14/10/2021. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 2,9%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 6/11: