Tàu ngầm Kilo: Tại sao Mỹ vẫn phải lo sợ “Hố Đen" Đại Dương của Hải quân Nga?

Anh Tú | 12-04-2022 - 07:13 AM

(Tổ Quốc) - Theo nhà bình luận quốc phòng Peter Suciu của chuyên trang 19fortyfive, các tàu ngầm lớp Kilo của Nga hiện vẫn là mối lo ngại thực sự đối với Washington.

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là quốc gia vận hành một trong những lực lượng tàu ngầm lớn nhất trên thế giới. Thời kỳ cao điểm nhất vào năm 1980, lực lượng này lên tới 480 chiếc.

Ngày nay, lớp tàu ngầm này vẫn là lực lượng “đáng gờm” sau các chương trình hiện đại hóa sâu rộng của Hải quân Nga.

Các tàu ngầm lớp Kilo ban đầu được Liên Xô phát triển theo Đề án 877 Paltus và vẫn được chế tạo cho đến giữa những năm 1990 khi Moscow chuyển sang Đề án 636 Varshavyanka tiên tiến hơn.

Lớp tàu ngầm này được thiết kế dùng cho cả tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tác chiến chống hạm (ASuW) cũng như để phục vụ cho các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát nói chung.

NavyRecognition đưa tin, đầu tháng 4/2022, tàu ngầm Ufa - chiếc thứ tư thuộc Đề án 636.3 Varshavyanka cải tiến đã được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Admiralty Wharves (công ty con của Nhà máy Đóng tàu Thống nhất - USC).

Tàu ngầm Kilo: Tại sao Mỹ vẫn phải lo sợ “Hố Đen Đại Dương của Hải quân Nga? - Ảnh 1.

Lễ hạ thủy tàu ngầm Ufa thuộc Đề án 636.3

Theo các phương tiện truyền thông Nga trước đây, một hợp đồng đóng 6 tàu ngầm diesel-điện Đề án 636.3 cho Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Nga đã được ký kết vào tháng 9/2016.

Petropavlovsk-Kamchatsky - tàu ngầm đầu của Đề án 636.3 đã được chuyển giao cho Hải quân Nga vào ngày 25/11/2019. Chiếc thứ hai thuộc Đề án 636.3 - tàu ngầm Volkhov được bàn giao cho Hạm đội Thái Bình Dương ngày 24/10/2020 còn tàu ngầm thứ ba Magadan được đưa vào thử nghiệm trên biển ngày 25/6/2021. Tàu này đã được chuyển giao cho Hải quân Nga vào tháng 10 năm ngoái.

Các tàu ngầm thuộc Dự án 636.3 Varshavyanka cải tiến (NATO gọi là Kilo-II cải tiến) được coi là tàu ngầm chạy bằng điện-diesel thế hệ thứ ba. Hải quân Mỹ mệnh danh các tàu ngầm lớp Kilo của Nga là những “Hố Đen” Đại Dương vì chúng được thiết kế để hoạt động ở những vùng nước nông hơn, ven biển và được giao cả nhiệm vụ chống ngầm và chống hạm.

Lớp Kilo-II cải tiến được chú ý nhờ hiệu quả chiến đấu cao hơn so với các lớp tiền nhiệm, trong đó có khả năng tàng hình thủy âm, phạm vi phát hiện mục tiêu lớn hơn, trang bị hệ thống điều hướng quán tính mới nhất, thông tin tự động tiên tiến, hệ thống điều khiển, ngư lôi tốc độ cao uy lực hơn và tên lửa cải tiến.

Các tàu ngầm lớp Kilo-II cải tiến có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương ở phạm vi lớn gấp 3 - 4 lần so với khả năng chúng có thể bị phát hiện.

Các tàu ngầm Đề án 636.3 dài 74 m, lượng choán nước hơn 3.900 tấn, và nhờ thân tàu được thiết kế chắc chắn, chúng có thể đạt độ sâu hoạt động là 240 m và lặn ở độ sâu tối đa 300 m, phạm vi hoạt động lên đến 7.500 dặm.

Các tàu ngầm của Nga vẫn được coi là một trong những tàu tuần dương dưới nước yên tĩnh nhất thế giới. Chúng có thể di chuyển với tốc độ lên đến 20 hải lý/giờ và hoạt động liên tục trên biển 45 ngày. Mỗi tàu ngầm lớp này mang theo 6 ống phóng ngư lôi cùng thủy thủ đoàn 52 người.

Các tàu ngầm Đề án 636.3 được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr/Club, tên lửa chống hạm và tên lửa chống ngầm.

3M-54 Kalibr hay còn được gọi là 3M54-1 Kalibr, 3M14 Biryuza, (SS-N-27 Sizzler và SS-N-30A), 91R1 và 91RT2 là dòng tên lửa hành trình được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator (OKB-8). Kalibr có thể được phóng từ các ống phóng ngư lôi khi tàu ngầm đang ở vị trí chìm.

Mỗi tàu ngầm lớp Kilo cũng được trang bị các ống phóng ngư lôi 533 mm và mang được tổng cộng 18 quả ngư lôi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM