Ra mắt phiên bản TikTok của riêng mình, Facebook "ngư ông đắc lợi"

Linh Anh | 07-08-2020 - 10:44 AM

(Tổ Quốc) - Cổ phiếu của gã khổng lồ mạng xã hội Facebook đã tăng hơn 6% sau khi ra mắt Reels, tính năng mới trên Instagram nhằm cạnh tranh trực tiếp với TikTok của Trung Quốc.

Đúng nơi, đúng chỗ

Reels là một nền tảng video ngắn, cho phép người dùng Instagram sử dụng để tạo ra các nội dung với âm thanh phù hợp. Ngoài ra, nó cũng được trang bị các tính băng thực tế ảo cho phép người dùng tạo góc mới cho video. Nó giống hệt những gì người dùng có thể làm trên mạng xã hội TikTok của Trung Quốc.

Ngay sau khi thông tin về Reels được công bố, cổ phiếu Facebook đã tăng hơn 6% khi hết phiên giao dịch.

Thực tế, tính năng này được ra mắt lần đầu ở Brazil vào tháng 11/2019 nhưng phải tới tuần này nó mới được phát hành tại Mỹ và các thị trường khác.

Đối với Facebook, TikTok được xem là mối đe dọa ngày càng lớn do sự phổ biến của nó trong tầng lớp thanh thiếu niên Mỹ. TikTok tuyên bố có hơn 100 triệu người dùng hàng tháng ở Mỹ. Tuy nhiên, ứng dụng Trung Quốc này đang là mục tiêu tấn công của Chính quyền Tổng thống Donald Trump với các cáo buộc liên quan tới thông tin cá nhân người dùng.

Việc TikTok đang gặp khó ở thị trường Mỹ là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào bước đi của Facebook, nhất là khi đối thủ cạnh tranh của nó đang loay hoay để tìm cách tồn tại trên đất Mỹ.

Thời khắc quan trọng với TikTok

Hiện tại, Microsoft đang đàm phán với ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng TikTok, nhằm mua lại hoạt động của nó ở Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây và châu Đại Dương khác. Nếu không đạt được thỏa thuận vào hạn chót 15/9, Tổng thống Trump sẽ cấm cửa ứng dụng này.

Tuy nhiên, ngoài các vấn đề về kinh tế hay kinh doanh, thương vụ mua bán này đang phải hứng chịu những áp lực chính trị. Trung Quốc đang liên tiếp chỉ trích Mỹ khi quốc gia này ép buộc ByteDance phải bán một phần ứng dụng TikTok cho phía doanh nghiệp Mỹ.

"Nó đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo ngày 4/8. Ông Bân cũng gọi hành động của Mỹ là bắt nạt lộ liễu.

TikTok là nạn nhân mới nhất trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang căng thẳng. Không lâu trước đó, Mỹ và Trung Quốc cũng đã đóng cửa Tổng lãnh sự quán của nhau khi những mâu thuẫn không được giải quyết.

Vượt ra khỏi vấn đề thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang lĩnh vực công nghệ cho tới địa chính trị trên toàn cầu. Việc Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc khiến đại dịch Covid-19 lây lan làm trầm trọng hơn vấn đề. Thậm chí, người ta còn lo sợ một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 sẽ nổ ra khi hai nền kinh tế tiếp tục duy trì thế đối đầu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, nếu về tay Microsoft, TikTok sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm. Bản thân Microsoft cũng muốn sở hữu TikTok để cạnh tranh với các đối thủ trong lĩnh vực mà họ đã vắng bóng từ lâu: Mạng xã hội.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM