Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của Kpop, sự đa dạng của các nhóm được ngày càng trở nên phổ biến hơn ở nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Đơn cử là các "thần tượng nhí", dùng để chỉ những ca sĩ hầu hết thuộc độ tuổi từ 9 - 14 tuổi, đã lũ lượt được cho ra mắt. Little Cheer Girl và Vitamin là 2 nhóm nhạc nhí, luôn mặc những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu, thực hiện những động tác nhảy điêu luyện. Các ca khúc của 2 nhóm nhạc này thường nói về chủ đề "cảm nắng" tuổi học trò, căng thẳng trong học tập... nhắm đến các đối tượng khán giả đồng trang lứa.
"Em có thể hiểu được lời bài hát bởi vì em cũng có mối bận tâm với các chủ đề được nêu ra trong đó, giống như những căng thẳng trong học tập. Các bạn ca sĩ ấy trạc tuổi em nên em cảm thấy họ rất gần gũi và nếu có thể, em cũng muốn trở thành một thành viên của nhóm" - cô bé Ha Yae-rin, 12 tuổi, nói với Korea Times.
Thực tế là có khoảng 300-500 trẻ em Hàn Quốc đăng ký tham gia cuộc thi tuyển chọn để được trở thành thành viên của Little Cheer Girl, theo ông Kim Tai-bum, CEO của công ty Rainbow, đơn vị chủ quản của nhóm nhạc nhí kia, cho biết.
Thương mại hóa và lạm dụng trẻ em?
Không phải ai cũng chấp nhận phong trào thần tượng nhí này. Không giống như diễn viên nhí, nhóm ca sĩ, thần tượng nhí này từ khi bắt đầu đã gây ra nhiều tranh cãi bởi vì các em trông không khác những ngôi sao trưởng thành là mấy, thậm chí nhiều người còn cho rằng việc bắt các em hoạt động âm nhạc thế này không khác gì thương mại hóa và lạm dụng trẻ em. Mặc dù những công ty chủ quan, bao gồm Kim, khẳng định rằng họ thành lập nên nhóm nhạc để cổ vũ những người trẻ và tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua khó khăn, đạt được ước mơ, nhưng chủ đề này vẫn không ngừng gây tranh cãi.
"Thật khó chịu khi chứng kiến người ta sử dụng những bé trai và bé gái như vậy. Tôi lo lắng cho những độc giả nhỏ tuổi khi xem những nội dung liên quan đến thần tượng nhí thế này sẽ tin rằng ấu dâm là một điều gì đó bình thường" - Lee Hyo-jin, thuộc độ tuổi 20, giáo viên ở trường tiểu học, nói.
Nhà phê bình văn hóa nhạc pop Kim Hern-sik cũng chỉ ra rằng các thần tượng nhí sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những tên tội phạm tình dục.
"So với những đất nước khác, Hàn Quốc có xu hướng ít quan tâm đến vấn đề khai thác và thương mại hóa trẻ em. Một số người lại lợi dụng điều này để hợp lý hóa các hành vi tình dục không đúng đắn đối với đứa trẻ. Đất nước chúng ta cần phải đưa ra luật định rõ ràng để bảo vệ những tài năng trẻ này" - ông Kim chia sẻ.
Về vấn đề này, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, Kwak Keum-joo, đã đưa ra ý kiến liên quan đến chủ nghĩa nhìn (lookism).
"Thần tượng nhí có thể thúc đẩy chủ nghĩa nhìn đến với những đối tượng người hâm mọ nhỏ tuổi. Nhiều người trưởng thành cảm thấy khó chịu khi nhìn các em nhỏ trang điểm bởi vì như vậy thì trong mắt họ, những đứa trẻ ấy không hề 'giống trẻ con' chút nào" - cô Kwak nói.
Nhà phê bình họ Kim nói thêm về điều này: "Nhiều bậc phụ huynh đặc biệt lo lắng bởi họ biết tầm ảnh hưởng cực lớn của những ngôi sao thần tượng lên các con của họ. Mặc dù tồn tại rất nhiều chủ nghĩa có giá trị khác trên đời nhưng việc tiếp nhận chủ nghĩa nhìn đến từ các ngôi sao sẽ khiến trẻ nhỏ nghĩ rằng ngoại hình là yếu tố quan trọng hàng đầu".
Về phía CEO họ Kim, ông không hề phủ nhận thần tượng trẻ tuổi phải chạy theo chủ nghĩa nhìn, xem trọng ngoại hình nhưng nói thêm rằng công ty ông đang cố gắng để dẫn dắt các ngôi sao nhí đi đúng hướng bằng cách truyền đạt cho chúng những giá trị phù hợp với trẻ em.
Thiếu giáo dục đúng đắn?
Công ty Rainbow thường tổ chức các buổi tư vấn dành cho bố mẹ của các thần tượng nhí, với mục đích giúp duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống của người nổi tiếng, việc học và gia đình cho những đứa trẻ. Trọng tâm của buổi tư vấn là sức khỏe tinh thần và con đường sự nghiệp của thần tượng nhí.
Ông Kim cũng tuyên bố công ty yêu cầu các thần tượng nhí tham gia lớp học khiêu vũ và thanh nhạc chỉ 2 lần/tuần và lên lịch cho những sự kiện âm nhạc diễn ra vào cuối tuần để đảm bảo không cản trở quá trình học tập của các em.
Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ trấn an số đông.
Kwon Mi-yeon, cô gái ở độ tuổi 20 đang làm việc cho công ty tiếp thị, cho biết: "Thần tượng nhí được đào tạo và biểu diễn ngay đúng vào thời điểm quan trọng cho các em phát triển các kỹ năng xã hội và nhận thức về bản thân. Việc chạy theo lịch trình biểu diễn dày đặc và tiếp xúc với hàng trăm nghìn bình luận tiêu cực trên mạng xã hội sẽ mang đến căng thẳng cho những đứa trẻ này ở tuổi độ còn quá nhỏ.
Kể cả những thần tượng Kpop trưởng thành cũng thường gặp vấn đề tâm lý. Họ đã không có thời gian và cơ hội để tiếp nhận giáo dục đúng đắn cho sự phát triển của họ bởi vì họ đã chọn trở thành thực tập sinh ở độ tuổi quá nhỏ".
Dù vậy, nhu cầu về thần tượng nhí của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc không ngừng tăng lên, nguyên nhân bởi vì ngày càng có nhiều người muốn trở thành thần tượng từ khi còn nhỏ tuổi sau khi làn sóng Kpop lan ra toàn cầu. Kwak cảnh báo rằng điều này sẽ khiến cho những đứa trẻ gặp nhiều căng thẳng không biết phải làm gì tiếp theo sau khi thời hoàng kim ngắn ngủi của chúng đi qua. Chính vì lẽ đó nên chúng cần sự giúp đỡ tâm lý thích hợp từ người trưởng thành ngay từ những giai đoạn đầu đời.
Trong khi đó, nhà phê bình Kim thì nghĩ rằng các thần tượng nhí có thể đánh mất bản thân và sự độc lập của mình buộc phải tuân theo các quy tắc của công ty giải trí.
"Thanh thiếu niên cần có thời gian để chăm lo cho thế giới nội tâm nhưng nếu họ bắt đầu sự nghiệp quá sớm, họ có khả năng sẽ bị lợi dụng bởi những người luôn ưu tiên lợi nhuận lên trên lợi ích của trẻ em. Chính vì vậy nên tôi không nghĩ những người trẻ nên bỏ việc học sang một bên hay tìm kiếm gây dựng sự nghiệp trong ngành công nghiệp này ở tuổi còn quá nhỏ" - ông Kim nói thêm.
(Nguồn: Koreatimes)