"Nhiều người vẫn nghĩ tranh khắc kính có xuất xứ từ nước ngoài"
Đúng vậy, tranh kính đã xuất hiện khá lâu ở châu Âu nhưng đó chỉ đơn thuần là những mảnh kính màu qua gọt giũa, đính, dán tạo thành tranh.
Tranh kính ghép ở châu Âu du nhập vào Việt Nam hàng chục năm nay nhưng chủ yếu sử dụng trong nhà thờ...
Tại Việt Nam, bạn sẽ choáng váng chứng kiến những tác phẩm hoàn toàn được chế tác, điêu khắc trên kính bởi bàn tay người Việt.
Trò chuyện với nghệ nhân người Việt đầu tiên vẽ tranh lên kính
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, người tiên phong điêu khắc tranh kính Việt Nam với thương hiệu "Vinhcoba" cho biết, tranh kính do ông sản xuất là dòng tranh khắc kính nghệ thuật, vừa mang nghệ thuật điêu khắc vừa mang nghệ thuật hội họa và kế thừa các công nghệ gia công mặt kính trên thế giới.
Tranh khắc kính Vinhcoba được chế tác bằng công nghệ thủ công và kết hợp công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại (như công nghệ đồ họa, công nghệ tôi kính -Temp )
Theo nghệ nhân, tranh kính sử dụng men màu Ceramic, mỗi bức tranh trước khi hoàn thiện đều được nung chảy ở 700 độ C và thủy tinh hóa tạo ra độ bền màu có thể gọi là vĩnh cửu.
Với chất liệu từ kính xây dựng, tranh có độ thấu quang tạo lên bức tranh màu sắc có hình khối an toàn, chịu va đập, chịu nhiệt độ cao, bền với môi trường khí hậu, hóa chất... đã trở thành loại vật liệu kính nghệ thuật có vô số giá trị sử dụng, ứng dụng hiệu quả làm đẹp trong kiến trúc, xây dựng như: sàn kính, cửa kính, vách kính, trần kính, mái kính... So với thế giới, tranh kính Việt Nam ra đời khá muộn, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ XX.
Được đào tạo chuyên ngành kinh tế nhưng ông Vinh lại có năng khiếu và niềm đam mê mỹ thuật. Từ những năm 90 của thế kỷ trước ông đã mày mò vẽ và làm tranh trên chất liệu sứ và có những thành công nhất định.
Nhận thấy kính là chất liệu đang dần được ứng dụng nhiều trong xây dựng, ông nghĩ đến việc làm cho những tấm kính phẳng phiu được dùng làm gương, vách ngăn kia có hồn hơn.
Mới đầu ông chỉ dùng đá mài làm cho mờ đi, rồi đến những hoa văn đơn giản được mài, khắc vào kính. Những đường nét điêu khắc nông, sâu tạo thành hình khối sinh động, có tính thẩm mỹ.
Nhưng mài thủ công tốn rất nhiều thời gian, công sức, ông nghĩ đến việc chế tạo máy mài kính. Chiếc máy mài kính do ông tự chế không chỉ tăng công suất làm việc lên gấp nhiều lần mà còn giúp mài được nhiều chi tiết phong phú, sinh động hơn...
Để làm được một sản phẩm tranh khắc kính, họa sỹ phải thực hiện khá nhiều công đoạn.
Đầu tiên là phác thảo ý tưởng trên giấy (hoặc trên máy vi tính), chọn nguyên liệu kính phù hợp nội dung, vị trí ứng dụng tranh để làm sạch kính, đưa nội dung tranh lên kính bằng công nghệ điêu khắc thủ công tỉ mỉ (dùng máy mài và súng phun cát áp lực để khắc), cuối cùng tranh được sơn hấp màu qua nhiệt độ 700 độ C.
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh cho biết: đây là công đoạn khó nhất để cho ra đời một bức tranh hoàn hảo. Nó đòi hỏi thợ sơn phải am hiểu về mỹ thuật và phải làm việc bằng tư duy ngược.
Vì không nhìn được tác phẩm mình đang làm nên họa sỹ phải nhớ toàn bộ bố cục bức tranh đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Theo ông, công đoạn sơn màu phức tạp, cần sự tập trung cao độ, tỉ mỉ, bởi chỉ sơ ý làm rớt một giọt màu là phải tẩy toàn bộ bức tranh đi sơn lại, thậm chí phải vứt bỏ làm lại từ đầu.
Cũng vì đòi hỏi này mà rất ít thợ bám trụ được với nghề và đó cũng là điều băn khoăn của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh về đào tạo lớp thợ kế cận.
Chữ "NHẪN" của người làm nghề
Cách đây khoảng 20 năm, tranh kính đã bắt đầu xuất hiện trên thi trường nhưng số người biết và ứng dụng loại hình nghệ thuật này còn rất khiêm tốn.
Tranh khắc kính không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn được đánh giá cao về mặt ứng dụng trong trang trí, thiết kế nội, ngoại thất, tạo nên không gian sáng, đẹp như làm trần nhà, bàn, ghế, cửa, vách ngăn, cầu thang, bể kính...
Kính điêu khắc nghệ thuật cách âm, cách nhiệt tốt. Không gian ngôi nhà sẽ trở nên thoáng hơn, rộng hơn, giảm bớt sự nặng nề bởi khả năng xuyên sáng của tranh kính.
Đó còn là những bức tranh do chính chủ nhà lựa chọn, có sự tư vấn và thiết kế kỹ càng của các chuyên gia. Có thể là bộ tranh tứ bình, tranh sơn thủy, tranh trừu tượng... được vẽ, thiết kế theo ý tưởng của chủ nhà.
Với khả năng ứng dụng rộng rãi trong xây dựng, sản phẩm kính điêu khắc tuy có phần trầm lắng nhưng đang được ứng dụng vào các công trình từ tư nhân đến các tập đoàn lớn trên cả nước.
Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật mang hơi hướng tôn giáo, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã chiếm trọn thị phần từ cách đây hơn chục năm, tác phẩm tôn giáo đầu tiên mà nghệ nhân thành công lắp đặt cho thánh đường Công giáo (nhà thời Đại ơn) những tác phẩm được phục chế công phu. Đến nay, các tác phẩm của ông Vinh đã hiện diện ở gần 100 ngôi nhà thờ Công giáo và nhiều ngôi chùa nổi tiếng trên cả nước.
Xưởng sản xuất tranh kính của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh ban đầu chỉ vài công nhân, nay đã có hàng chục người tất cả đều đã tay nghề cao do các tác phẩm đa dạng. Thời gian đầu là những dòng sản phẩm khá thông dụng, nhiều tác phẩm sau đó được ông Vinh nghiên cứu đưa đi triển lãm.